Hồi ức về NS Lưu Bách Thụ và ca khúc"Biết ơn cụ Hồ Chí Minh"

VOV.VN - 68 năm đã qua, đây vẫn là ca khúc truyền thống đi cùng năm tháng được nhiều thế hệ nhớ và thuộc

Những năm 60 của thế kỷ trước, các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Lê Lôi, Nguyễn Mạnh Thường hay rủ nhau đến nhà nhạc sĩ Lưu Bách Thụ chơi, mỗi lần đến các ông thường bảo tôi cùng đi. Căn nhà số 13 phố Hàng Quạt (Hà Nội) rất quen thuộc với chúng tôi.

Bà Thọ (vợ ông Thụ) cũng được dịp trổ tài nấu nướng để chiêu đãi. Lúc thì bún chả, khi thì bún riêu… ăn xong bà còn cho “tráng miệng” bằng chè “Xi-ma-phù” hoặc “Lục-tào-xà”. Tự tay ông Thụ còn pha cả trà sen hoặc trà nhài cùng thưởng thức.

Chúng tôi thường đàm đạo với nhau về sáng tác âm nhạc, về thời sự văn nghệ, và nhất là về “thời tiết chính trị” - như lời nhạc sĩ Lưu Bách Thụ hay nói. Tôi là đàn em, nên chỉ biết lắng nghe đàn anh trò chuyện. Căn nhà của nhạc sĩ Lưu Bách Thụ không rộng, nhưng cũng đủ chỗ dành nơi trang trọng trưng bày một kỷ vật vô giá. Đó là bản nhạc “Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh”, có chữ ký của Bác Hồ tặng tác giả từ năm 1946.


Nhạc sĩ Lưu Bách Thụ
Nhạc sĩ Lưu Bách Thụ kể: “Năm 1947, khi giặc Pháp mở cuộc tấn công lên Việt Bắc, mình đi theo Trung đoàn 148 Lao - Hà - Yên, vợ mình, tay bồng con mới có 5 tháng, tay xách bị quần áo sơ sài với một chiếc ống nứa nhỏ để đi tản cư lên phía Bắc, mình dăn vợ: Có thể mất tất cả nhưng bằng mọi cách phải bảo vệ cho được cái ống nứa nhỏ ấy. Chính trong cái ống nứa nhỏ ấy, mình đã cuốn cất cẩn thận bản nhạc có chữ ký của Bác Hồ, một sự động viên thiêng liêng đối với mình trên bước đường hoạt động âm nhạc.

Trước ngày Cách mạng tháng Tám thành công, trong phong trào nhạc lãng mạn, mình có viết ca khúc "Con thuyền xa bến" được rất nhiều người hát “Theo gió thuyền trôi – Sóng đưa bèo trôi – Tiếng đàn trầm trầm, man mác lòng tôi – nhìn con thuyền xa bến, lòng tôi càng lưu luyến…” Lúc đó, mình đâu đã biết gì bến bờ của cuộc đời, của dân tộc. Giờ thì bến bờ là đây - nước Việt Nam độc lập tự do.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người mà mãi tới sau này mình mới biết đích xác hai cái tên ấy chỉ là một người và Người đã phải dùng nhiều cái tên khác nữa để hoạt động cách mạng, nhưng đối với đồng bào thì dù mang tên nào, người vẫn là cha già vô cùng kính yêu của dân tộc.

Hình ảnh Bác Hồ trong buổi lễ Tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Đình đã để lại trong lòng mình một ấn tượng sâu sắc. Mình muốn làm một việc gì đó để bộc lộ được tình cảm và lòng biết ơn, thế là mình dồn sức để sáng tác một bài hát về Bác: "Dân Nam ơi biết ơn Cụ Hồ đời đời - Bao nhiêu năm sống trong nguy nan điêu linh - Dân Nam ơi biết ơn Cụ Hồ đời đời - Một lòng vì dân, Người đấu tranh không ngừng…”

Có lẽ do tình cảm của mình phù hợp với suy nghĩ của mọi người nên mình đã nhận được sự khích lệ ân cần của bạn bè. Một tuần sau đó tại rạp "Sán nhiêu đàn" ở phố Đào Duy Từ, bài hát được đưa vào chương trình liên hoan của anh em Công an đồn Hàng Trống trong buổi nói chuyện về trật tự an ninh của thành phố sau Ngày độc lập.

Rồi một lần nữa tại Nhà hát lớn thành phố, bài hát lại vang lên trong buổi họp mặt đồng bào có công với cách mạng. Sau lần biểu diễn này, anh Mai Khanh đưa lên Đài phát thanh và nhà xuất bản cho in với số lượng lớn. Bằng tất cả lòng thành kính Bác, mình chọn năm bản in đẹp nhất, đến gặp ông Trần Huy Liệu, lúc ấy là Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền để nhờ chuyển lên Bác.

Năm hôm sau, ông Trần Huy Liệu cho người mời mình đến gặp. Sự cởi mở niềm nở của Bộ trưởng Trần Huy Liệu xóa tan nỗi lo ngại trong mình. Ông Liệu đưa lại ba bản có chữ ký của Người và cho biết Bác có dặn là "Bảo chú ấy giữ lấy một bản, còn hai bản tặng lại đồng nghiệp". Người còn dặn thêm "Bảo các chú ấy cố gắng viết nhiều bài hát phục vụ cách mạng, Bác sẽ thưởng". Giở bản nhạc ra xem, chữ ký của Người còn tươi nét mực: Hồ Chí Minh - 30-1-46. Vinh dự bất ngờ quá lớn!...”

Lưu Bách Thụ thuộc thế hệ những nhạc sĩ sáng tác đã có tác phẩm nổi tiếng từ trước cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong các băng nhạc "tiền chiến" lưu hành ở Sài Gòn trước năm 1975, vẫn thường thấy có bản “Con thuyền xa bến” của ông được trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau.

Đúng như nhạc sĩ Phạm Tuyên có lần đã nhận định: “Khó mà biết trước được con đường phát triển của người nhạc sĩ trẻ, có năng khiếu này ra sao trong cơn lốc của xã hội nước ta vào đầu những năm 40 ấy. Theo phong trào, Lưu Bách Thụ cũng viết những ca khúc lãng mạn, nhưng cuộc sống nghèo đói của người nghệ sĩ dưới chế độ thuộc địa cũ cứ luôn luôn  đặt cho ông phải suy nghĩ về con đường sáng tác âm nhạc của mình”.

Cách mạng tháng Tám bùng nổ, kịp thời thức tỉnh Lưu Bách Thụ cũng như nhiều nhạc sĩ khác của chúng ta lúc bấy giờ. Ông đến với cách mạng hồ hởi, cởi mở và tự cảm thấy muốn được đóng góp nhiều vào sự nghiệp mới mẻ, đầy ý nghĩa này. Và thế là ông hăng hái lao vào sáng tác về cuộc đổi đời uy tín lớn lao của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Và, vinh dự lớn đã đến với nhạc sĩ Lưu Bách Thụ.

Bản nhạc "Biết ơn cụ Hồ Chí Minh" có chữ ký của Bác Hồ

“Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh” -  một bài hát thật mộc mạc, giản dị, trong đó ít nhiều có nói tới vai trò của nhân dân, chiến sĩ và động viên mọi người cùng theo bước Cụ Hồ hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng. Trên thực tế, bài hát đã được phổ biến khắp cả nước và được nhiều người chấp nhận, coi như tình cảm của chính mình.

68 năm đã qua, bài hát đã trở thành một ca khúc truyền thống mà các thế hệ thanh niên nối tiếp vẫn còn nhớ mỗi khi ôn lại lịch sử những ngày đầu cách mạng ở nước ta.

Từ “Con thuyền xa bến” đến “Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh” thời gian chỉ có vài ba năm, nhưng từ ý nghĩa của việc sáng tác, đối tượng phục vụ cho tới ngay cả phong cách thể hiện, có thể thấy ở Lưu Bách Thụ một sự thay đổi khá cơ bản, ông đã chọn cho mình một hướng đi đúng đắn, lấy âm nhạc làm vũ khí đấu tranh, lấy nhân dân lao động làm đối tượng phục vụ, lấy cách sống của người chiến sĩ thay cho cách sống lay lắt của một nghệ sĩ phòng trà…

Đi bộ đội trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông hăng hái sáng tác phục vụ cho các nhiệm vụ của đơn vị bằng nhiều bài hát, trong đó phải kể tới ca khúc “Giải phóng Lào Cai” “Tây Bắc chiến thắng” mà âm điệu khỏe và tươi tắn mang dáng dấp khá rõ nét của những bài hát thời kỳ chống Pháp.

Hòa bình lập lại năm 1954, ông là một trong những cán bộ âm nhạc đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam lúc đó mới từ rừng núi Việt Bắc trở về Hà Nội và bắt đầu một giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Hai chục năm vừa làm biên tập âm nhạc, vừa sáng tác cho tới lúc về hưu (1974), là hội viên của Hội nhạc sĩ Việt Nam từ lúc Hội mới thành lập (1957).



Ông thường ân hận là mình đã lớn tuổi lại không được học hành về âm nhạc có hệ thống để có thể phát triển tài năng phục vụ tốt hơn cho nhân dân. Nhưng trong phạm vi có thể đóng góp được cao nhất của mình, Lưu Bách Thụ cũng chẳng nề hà khó khăn, đã chịu khó đi thực tế ở nông thôn, miền núi. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, ông hăng hái đi tới những vùng có chiến sự để viết bài hát.

Ca khúc của Lưu Bách Thụ trong những năm sau này có khuynh hướng sử dụng những âm điệu dân gian mà ông đã có một số hiểu biết không nhỏ. Những bài hát với giai điệu và tiết tấu gần gũi với quần chúng của ông đã được nhiều thính giả ưa thích và vẫn tìm thấy ở đấy một tâm hồn rất hồn nhiên, tươi tắn. Bài “Về với rừng xanh” viết về đề tài lâm nghiệp (lần đầu do nghệ sĩ Quốc Hương trình bày) hay bài “Gánh thóc nặng tình nước non”, “Tay em kén chọn”… viết về đề tài nông nghiệp nghe phảng phất như một loại dân ca mới.

Trong căn nhà mà chúng tôi thường đến, những ngày cuối cùng ông bị một căn bệnh hiểm nghèo, người nhạc sĩ 65 tuổi ấy vẫn còn nghe vang lên qua tiếng loa ở ngoài phố vọng về bài “Cô thợ nề Thủ đô” mà các cô gái thợ xây tuổi trẻ của Hà Nội hát trong kỳ hội diễn chào mừng kỷ niệm lần thứ 25 ngày giải phóng Thủ đô (1979): “Có ai hỏi em hiện nay cô làm gì? – Em trả lời em cô thợ nề - Xây dựng Thủ đô ngày càng tươi sáng…” Bài hát trẻ trung và duyên dáng ấy hình như là ca khúc sau cùng của nhạc sĩ Lưu Bách Thụ. Con đường ông đã chọn từ ngày đầu Cách mạng tháng Tám và đã đi theo nó trọn cuộc đời…

34 năm rồi kể từ khi ông đi xa, thế hệ chúng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh của một nhạc sĩ, một biên tập đàn anh rất xuất sắc của Đài TNVN. Người đã sáng tác một ca khúc đầu tiên và duy nhất có chữ ký của Bác Hồ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên