Kỷ niệm 130 năm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh: Các ca khúc không quên

VOV.VN -Đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nghệ thuật nhất là âm nhạc có thể nói gần như không bao giờ thôi hết cảm hứng.

Đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nghệ thuật nhất là âm nhạc có thể nói gần như không bao giờ thôi hết cảm hứng. Thiêng liêng và trân trọng, mỗi ca khúc là một cảm nhận thật thân thương, như Người vẫn đang ở đâu đây, ngay cạnh chúng ta.

Đã có cả trăm ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành một “di sản” âm nhạc cách mạng Việt Nam. Và trong tâm thức nhiều thế hệ người Việt, hình ảnh của Người trong các ca khúc thật bình dị trong sáng, gây xúc động mạnh mẽ, gần như không ai không từng nhớ ít nhất một ca khúc về Người.

Từ “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” (Nhạc: Cao Việt Bách, thơ: Đăng Trung); “Người sống mãi trong lòng miền Nam” (Nguyễn Đồng Nam), “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên” (Lê Lôi), “Trồng cây lại nhớ ơn Người” (dân ca Nghệ Tĩnh, Đỗ Nhuận đặt lời…).

Với lực lượng vũ trang có: “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” (Huy Thục), “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” (Nhạc Trần Chung, thơ Nguyễn Trung Thu), “Hành quân qua quảng trường” (Ánh Dương), “Chúng con bên giấc ngủ của Người” (Nguyễn Đăng Nước).

Với ngành giáo dục có: “Quà tháng 5 dâng Người” (Hồng Đăng), “Những bông hoa trong vườn Bác” (Văn Dung)… Với các cháu thiếu niên nhi đồng có: “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ” (Xuân Giao), “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” (Phong Nhã)…

Bác Hồ bên các em thiếu nhi.

Điểm lại một số ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 75 năm kể từ ngày Quốc khánh 2/9/1945 đến nay…

Đầu tiên là  ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ Tịch”, sau được đồi tên thành “Lãnh tụ ca” được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác năm 1947 với phần lời viết cùng nhà văn Nguyễn Đình Thi. Giai điệu trang nghiêm, hào sảng, hình ảnh Người giản dị, khiêm nhường…

Tiếp đến là “Ca ngợi Hồ Chủ Tịch”, được nhạc sĩ Văn Cao giới thiệu vào đúng dịp sinh nhật Người năm 1949, ngay sau đó, ca khúc được đông đảo nhân dân yêu mến và trở thành một trong những ca khúc hay nhất viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai điệu trữ tình, chân thành, trong sáng và thiêng liêng nhất về Người.

“Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, được giới thiệu lần đầu tiên trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam nhân kỷ niệm lần thứ 70 Ngày sinh của Người (19/5/1960). Đây là một trong những ca khúc để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong đời sống tình cảm của nhân dân cả nước và bè bạn năm châu, giai điệu ngập tràn âm hưởng núi rừng Việt Bắc, tạo cảm giác vừa hoành tráng lại vừa mang chất sử thi.

“Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, ca khúc được nhạc sĩ Trần Kiết Tường sáng tác năm 1960 tại Hà Nội. Bằng âm hưởng dân ca Nam Bộ tha thiết, tràn đầy cảm xúc, ông đã sử dụng hàng loạt phép so sánh hơn, những hình ảnh thiên nhiên được đem ra “làm đòn bẩy” để nhấn mạnh rằng không một từ ngữ, lời ca ngợi nào có thể diễn tả một cách trọn vẹn và sâu sắc lòng kính yêu của dân tộc Việt Nam dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của nhạc sĩ Phong Nhã.  Trong dịp Trung thu năm 1945, lần đầu tiên ông được gặp Người, ấn tượng trước sự quan tâm của Người đến thiếu nhi, ông đã sáng tác ca khúc này, và nhanh chóng ca khúc trở nên nổi tiếng, được trình diễn tại Phủ Chủ tịch trước nhiều quan khách nhân dịp sinh nhật Người tháng 5/1946. Và đây cũng là ca khúc mang rất nhiều dấu ấn kỷ niệm của Đội Sơn Ca Đài Tiếng nói Việt Nam.

Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh về với "thế giới người hiền", để lại bao nỗi tiếc thương cho toàn dân tộc. Nhạc sĩ Xuân Giao đặc biệt xúc động bởi khi còn nhỏ, ông từng có cơ hội được gặp Người, và ca khúc “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ” như một ước mơ của nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam được thấy Người ở ngoài đời. Chân dung Người trong ca khúc gần gũi, thân quen như một vị Tiên ông trong chuyện cổ tích, ca từ giản dị, dễ nhớ, dễ thuộc nên được trẻ em yêu thích và thuộc nằm lòng suốt hơn 50 năm nay.

“Bác đang cùng chúng cháu hành quân” của nhạc sĩ Huy Thục, đã chở thành mộ “chiến ca” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuối tháng 9/1969, sau ngày Bác Hồ mất, Huy Thục xin trở lại mặt trận Bắc Quảng Trị, những đêm ra mặt trận trên con đường mang tên Người, ông gặp từng đoàn, từng đoàn thanh niên Nam tiến. Với nhịp 2/4 và tiết tấu chắc khỏe, như “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” với những bước chân chiến sĩ vững vàng, dứt khoát, tư thế tự tin, yêu đời, lạc quan khi thực thi sứ mệnh bảo vệ non sông, Tổ quốc.

Năm 1972, nhà thơ Nguyễn Trung Thu đang là một binh nhì tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị, trong một đêm khó ngủ, ông ôm võng ra mắc nằm bên suối, đêm về khuya, không gian tĩnh mịch, trăng vằng vặc sáng rực cả đại ngàn, y hệt cảnh rừng Việt Bắc năm nào mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã miêu tả trong bài thơ “Cảnh khuya”, và nhũng vần thơ đã hình thành... Năm 1974, bài thơ được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc thành ca khúc “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”, và rất nhanh, cũng trở thành một “chiến ca” quen thuộc với những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Năm 1979, nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác “Bác Hồ một tình yêu bao la” theo đặt hàng của nhà xuất bản Văn Hóa để chuẩn bị cho kỷ niệm 90 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch. Bài hát được phát sóng lần đầu tiên trên Đài tiếng nói Việt Nam qua phần thể hiện của nghệ sĩ Thanh Hoa, lập tức nhận được sự yêu mến của công chúng. Không dùng những từ ngữ cao siêu, lý tưởng hóa, ca khúc khắc họa chân dung Hồ Chủ tịch của đời thường, gần gũi với “cụ già”, “cháu nhỏ”, “đoàn dân công” và “người chiến sĩ”… Giai điệu trang trọng, tha thiết đi cùng ca từ dung dị, giàu tình cảm đã khiến ca khúc đi vào lòng người.

Nhạc sĩ Thuận Yến là một trong những người có nhiều sáng tác hay nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh, riêng về Người ông “sở hữu” 25 ca khúc. Bên cạnh “Bác Hồ - một tình yêu bao la”, “Vầng trăng Ba Đình”, “Miền Trung nhớ Bác” thì ca khúc “Người về thăm quê” sáng tác năm 1989, sau chuyến thăm quê hương Nghệ An của Người, được nghe kể về chuyến thăm quê duy nhất của Hồ Chủ tịch sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước, rồi lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta…. Ca khúc này cũng nhận được nhiều tình cảm yêu mến với giai điệu thân thuộc như một khúc dân ca, ca từ trữ tình, nên thơ, gợi lại những kỷ niệm về Người gắn bó với quê hương xứ Nghệ.

Năm 1989, khi đang chữa bệnh tại bệnh viện Việt-Xô, nhạc sĩ Trần Hoàn được đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đó cũng đang chữa bệnh tại đây, kể cho nghe câu chuyện về một nữ y tá hát dâng Người khúc quan họ “Người ơi người ở đừng về” trong những ngày cuối cùng. Xúc động và dâng trào cảm hứng, ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” đã được nhạc sĩ Trần Hoàn sáng tác, với chất liệu dân ca, ca từ tha thiết chạm đến trái tim của người nghe...

Những ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhạc sĩ thường viết theo hai khuynh hướng là ca ngợi tầm trí tuệ vĩ đại của lãnh tụ và những điều giản dị từ cuộc sống của Người. Tuy có sự phong phú về nội dung và hình thức thể hiện nhưng những ca khúc về Người có một mẫu số chung là sự tự tin, tự tôn dân tộc luôn ánh lên khi ngợi ca lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại..

Những ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sống mãi với thời gian, như một “di sản” âm nhạc, và đặc biệt như một “kênh” giáo dục lớp trẻ những trang lịch sử hào hùng của dân tộc qua hình ảnh của Người./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên