Lễ hội Âm nhạc Quốc tế TPHCM lần đầu tiên được tổ chức trong 3 ngày
VOV.VN - Đây được xem là cơ hội tốt để TPHCM có một sản phẩm âm nhạc mang thương hiệu riêng để thu hút du khách.
Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 1 – “Hò dô” 2019 là chương trình văn hóa nghệ thuật đặc biệt mang trong mình sứ mệnh xanh của TPHCM sẽ được tổ chức 3 ngày 13, 14, 15/12 tại đường đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ - nơi sẽ diễn ra Lễ hội âm nhạc. |
Được kỳ vọng trở thành Lễ hội Văn hóa – Nghệ thuật thường niên của TPHCM, “Hò dô” 2019 có thông điệp là “Một cộng đồng yêu âm nhạc văn minh – Một môi trường sống trong lành hơn”; “More Music, Less Plastic”.
Lễ hội có sự tham gia đông đảo các ca sỹ, ban nhạc trong và ngoài nước như: Đức Tuấn, Võ Hạ Trâm, Nhóm Oplus…; các nhóm nhạc đến từ Nga, Colombia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ.
Ngoài ra, sự xuất hiện của Vietnam Allstars band (VAB) được thành lập riêng cho Lễ hội Hozo có sự góp mặt của nhạc sĩ Hoài Sa, Anh Quân, Đức Trí, Phương Uyên, Dũng Đà Lạt, Hồng Kiên, Phan Thanh Tân, Nguyễn Quân... ca sỹ Hồ Ngọc Hà, Thu Minh sẽ là điểm nhấn của Hò Dô 2019.
Lễ hội là hoạt động góp phần thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của TPHCM đến năm 2020 – 2030, cho nên về hình thức thiết kế, quy mô mang tầm quốc tế.
Trong khuôn khổ của lễ hội, ngoài các hoạt động biểu diễn và giải trí còn có hoạt động giao lưu văn hóa giữa các nghệ sĩ đến từ các nước; tọa đàm chuyên môn: “Nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam trong xu hướng hội nhập quốc tế và Công nghiệp âm nhạc Việt Nam dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0…
Là lễ hội mang theo thông điệp xanh, “Hò dô” 2019 cũng tổ chức nhiều hoạt động kêu gọi bảo vệ môi trường, tổ chức phát hành vé theo hình thức vé điện tử đến các tín đồ yêu nhạc. Bên cạnh đó, là các hình thức từ chối sử dụng sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần.
Nhạc sỹ Huy Tuấn, Giám đốc Âm nhạc và Nghệ thuận của lễ hội cho biết, đây là lễ hội không chuyên biệt về thể loại âm nhạc và dành cho tất cả mọi người cùng tham gia, khám phá, mở rộng biên độ âm nhạc chính mình; là dịp để người yêu nhạc bù đắp các kiến thức âm nhạc để mở mang các thể loại âm nhạc mới của quốc tế.
“TPHCM luôn luôn có lớp khán giả cởi mở nhất trong các thị trường âm nhạc Việt Nam. Họ luôn luôn đón nhận cái mới và tôi cho rằng có thể điểm nhấn là sự hưởng ứng của khán giả với một lễ hội âm nhạc đúng chuẩn quốc tế. Đây là dịp hiếm có và là tiền đề để TPHCM có một sản phẩm mang thương hiệu riêng làm hàng năm”, nhạc sĩ Huy Tuấn nói./.