Lớp học hát dân ca xứ Quảng giữa lòng phố cổ Hội An

VOV.VN -Cho đến nay lớp học đơn sơ này đã thu hút sự tham gia của nhiều người, ở nhiều độ tuổi, có lòng đam mê các làn điệu truyền thống.

Nếu một lần đến với phố cổ Hội An, dạo quanh những con đường nhỏ xinh rực sáng lồng đèn lúc màn đêm buông xuống, bạn sẽ được thưởng thức những điệu lý, câu hò dân ca xứ Quảng cất lên, tuy mộc mạc nhưng chất chứa niềm say mê với vốn âm nhạc cổ truyền dân tộc. Đó là tiếng hát của các học viên tham gia lớp dạy hát dân ca do Trung tâm Văn hóa Thể thao Hội An tổ chức. 

 Các em học viên say mê học hát dân ca.

Đúng 7 giờ tối, giáo viên và học viên của lớp dạy hát dân ca giữa lòng phố cổ lại bắt đầu buổi học của mình. Lớp học chỉ là 2 chiếc chiếu cói được trải một góc bên cạnh Nhà văn hóa Sa Huỳnh, giản đơn vậy thôi nhưng cả thầy và trò đều say sưa với những làn điệu dân ca, những trích đoạn hát bội, hát hò khoan đối đáp xứ Quảng.

Được biết, mỗi buổi học thường có 2-3 giáo viên đảm nhận việc dạy, đàn và cả cách diễn sao cho ra đúng chất dân ca. Hôm nay, tuy chỉ có mình cô giáo Phùng thị Ngọc Huệ, nhưng không vì thế mà giảng viên bớt đi sự nhiệt tình, hay học viên bớt đi sự hứng thú. 

Chị Ngọc Huệ chia sẻ: “Trung tâm văn hóa Thể thao thành phố kết hợp với trường THCS Huy Hiệu tổ chức lớp học dân ca này gần được 10 năm nay. Các em đến học rất vui vẻ, cởi mở và yêu thích. Đêm nào các em có mặt cũng đầy đủ, không những học hát mà còn phục vụ khách du lịch đến xem. Ba tháng lớp lại tổng kết 1 lần và có phát thưởng, là những đồ dùng học tập. Khi các em nhận được 1 phần quà như vậy, các em rất vui, và lại càng lôi cuốn các em đến với lớp.”

Chị Ngọc Huệ chỉ là một trong số những diễn viên gạo cội của Đội biểu diễn nghệ thuật cổ truyền thuộc Trung tâm Văn hóa Thể thao Hội An tham gia “đứng lớp” hàng đêm tại lớp học miễn phí này. Qua vài buổi học, học viên sẽ được học xong một điệu lý. Trong vòng một tháng, sẽ biết được khoảng 30 điệu lý cơ bản của dân ca truyền thống Quảng Nam. Bên cạnh những kỹ thuật cơ bản của dân ca, các thầy cô giáo còn truyền đạt thêm về những loại hình dân ca của miền Bắc, Bắc Trung Bộ để học viên có nền tảng cơ bản nhất về thể loại nhạc dân gian. 

Chị Ngọc Huệ cho biết thêm: “Chính vì quá đam mê, yêu nghề và thấy các em học hăng say, tiếp thu say mê nên giáo viên dạy cũng rất phấn khởi. Có những đêm bận không đi dạy được, tôi cũng rất nhớ các em. Chúng tôi muốn truyền cho các em những làn điệu dân ca xứ Quảng, nhiều em có triển vọng và trưởng thành, đạt giải cao trong các cuộc thi hát của thành phố.”

Cũng theo chị Ngọc Huệ, ban đầu, học viên chỉ là những em nhỏ tại một số trường tiểu học của địa phương. Hình ảnh các em trên tay cầm bản nhạc lý các giai điệu dân ca truyền thống Quảng Nam, say sưa hát, gõ nhịp theo hướng dẫn của thầy cô… đã thu hút sự chú ý không chỉ của du khách mà còn của cả người dân địa phương. 

Và cho đến nay lớp học đơn sơ này đã thu hút sự tham gia của nhiều người, ở nhiều độ tuổi, có lòng đam mê các làn điệu truyền thống.

Các em học sinh tiểu học học về dân ca Quảng Nam trong một tiết học Âm nhạc ở trường. - Ảnh: Báo Dân trí.

Như chị Trương Thị Hương, một người dân phố cổ, đã tìm đến lớp học hát dân ca để thỏa niềm đam mê các câu hát quê hương: “Tôi đi xem phố cổ, thấy lớp dân ca đông vui và hát hay, tôi rất thích. Ban ngày làm cũng vất vả lắm nhưng đến tối cũng cố gắng đến để học các làn điệu dân ca. Vì thích nên tôi học cũng nhanh.”

Hay như Hà Phương Hiền, cô gái đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ ở Hội An một thời gian ngắn trong đợt công tác, cũng đều đặn đến với lớp học này. Chị Phương Hiền chia sẻ: “Em đi dạo phố cổ, thấy mọi người hát dân ca, biết đây là lớp dạy hát nên em mừng lắm, vì từ trước em đã thích hát dân ca rồi nhưng không biết chỗ nào dạy. Thế nên em đã tham gia lớp học này, để ngâm nga, một mình cũng được vì đó là niềm vui. Từ khi biết là em cứ đi học đều đặn. Các thầy cô rất nhiệt tình, truyền lửa cho người học.”

Không ánh đèn sân khấu lộng lẫy trang hoàng, chỉ có ánh đền đường hắt vào mái hiên nhỏ của Nhà văn hóa Sa Huỳnh và những tràng vỗ tay của du khách thập phương…, cứ giản dị như thế, thầy và trò của lớp học hát dân ca đang mỗi ngày tạo thêm một nét cuốn hút trong vẻ đẹp thâm trầm nơi phố Hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên