"Mùa chim én bay" - bản tình ca của yêu đương và hạnh phúc
VOV.VN - Ca khúc "Mùa chim én bay" mở ra cho ta như thấy mùa xuân đang ùa về với gió đồng nhè nhẹ thổi, hương hoa ngan ngát, chim én bay lượn rợp trời. Tình yêu của tuổi trẻ, của lứa đôi trong mùa chim én bay gợi cho tất cả chúng ta những giây phút yêu đương và hạnh phúc.
Diệp Minh Tuyền là một nhà thơ, nhạc sĩ. Sáng tác của ông được nhiều người biết đến như: Hát mãi khúc quân hành; Giã từ phượng vĩ; Cánh hoa lưu ly; Tình cờ… Diệp Minh Tuyền sinh ngày 18/8/1941 tại thành phố Mỹ Tho (lúc bấy giờ gọi là thị xã Mỹ Tho thuộc tỉnh Mỹ Tho), trong một gia đình trí thức yêu nước. Cha ông là Diệp Tư - giáo sư (sau này là Hiệu phó Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). Năm 6 tuổi, Diệp Minh Tuyền theo cha mẹ tản cư lên Sài Gòn.
Diệp Minh Tuyền yêu thích âm nhạc, từ nhỏ ông được mẹ dạy đàn mandolin. Năm 1950 ông đã bắt đầu ảnh hưởng từ những ca khúc của các nhạc sĩ như Văn Cao, Lưu Hữu Phước. Năm 1954, Diệp Minh Tuyền tập kết ra Bắc, thời gian này ông viết một số ca khúc đầu tay như: Em bé Miền Nam, Chiều Hạ Long…Năm 1961, ông thi vào trường Đại học Tổng hợp. Năm 1962, bài thơ đầu tiên của ông được đăng trên số báo xuân của báo Phụ nữ… Từ sau khi ông về làm việc ở tổ lý luận phê bình - Viện Văn học Việt Nam nhiều bài thơ của ông đã được phổ nhạc như: Con đường có lá me bay; Mùa chim én bay; Màu cờ tôi yêu; Tình Bác sáng đời ta...
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, sinh ngày 1/10/1931, quê ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ông bắt đầu sáng tác từ năm 17 tuổi. Trong khoảng thời gian 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã viết hơn 100 bài hát. Bên cạnh các ca khúc như Nhớ về Hà Nội, Câu hò bên bờ Hiền Lương tự viết lời riêng, nhạc sĩ Hoàng Hiệp còn phổ nhạc cho thơ ở những bài hát: Ngọn đèn đứng gác (thơ Chính Hữu), Đất quê ta mênh mông (thơ Dương Hương Ly), Nghe hò đêm bốc vác, Qua cầu Tuỳ Cốc, Trường Sơn đông - Trường Sơn tây, Tiểu đội xe không kính (thơ Phạm Tiến Duật), Như lá (thơ Lâm Thị Mỹ Dạ), Em vẫn đợi anh về (thơ Lê Giang), Con đường có lá me bay, Mùa chim én bay (thơ Diệp Minh Tuyền)...
Ngoài sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Hoàng Hiệp còn viết nhạc cho kịch nói: Người ven đô, Màu giấy mới, Xa thành phố yêu dấu...; nhạc cho các vở cải lương: Thái hậu Dương Vân Nga, Tiền và Nghĩa; viết nhạc cho phim truyện và phim tài liệu: Cánh đồng mơ ước, Bản nhạc người tù, Mùa gió chướng, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Biệt động Sài Gòn... Ông cũng là dịch giả cuốn "Nhạc lý cơ bản của Spasspbine" và là tác giả của nhiều sách giáo khoa âm nhạc.
Năm 2000, nhạc sĩ Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Câu hò bên bờ Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn đông - Trường Sơn tây, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội.
Bài thơ "Mùa chim én bay" được nhà thơ Diệp Minh Tuyền viết năm 1979, đến năm 1980 nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã phổ nhạc bài thơ này tại thành phố biển Nha Trang. Bài hát mang âm hưởng dân ca Nam Bộ nhưng khi bản phối khí đưa tiếng sáo vút lên lại đem tới người nghe một cảm nhận của mùa xuân xứ Bắc. Đó có lẽ cũng là điều đặc biệt của bài hát này.
Theo Dương Trang Hương “Nghe 'Mùa chim én bay' mỗi khi mùa xuân về, chúng ta lại nhớ về một miền quê thanh bình có cánh đồng lúa bát ngát hương rợp trời chim én”.
Cảm nhận về bài hát "Mùa chim én bay" với nhiều thính giả, mỗi người đều tìm thấy những cảm xúc khác nhau.
Năm 1997, tham dự mục Đố vui âm nhạc về bài hát "Mùa chim én bay", bạn Bùi Gia Khánh, lớp CC2/2 trường Đại học Ngân hàng Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh viết: “Người ta gọi nhạc sĩ Hoàng Hiệp là ông hoàng của nghệ thuật phổ thơ, có lẽ đúng thế. Từ 'Trường Sơn đông - Trường Sơn tây' phổ thơ Phạm Tiến Duật; 'Lá đỏ' phổ thơ Nguyễn Đình Thi; đến 'Em vẫn đợi anh về' phổ thơ Lê Giang; 'Chút thư tình người lính biển' phổ thơ Trần Đăng Khoa; 'Hoa hồng' phổ thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường; 'Đánh mất' phổ thơ Thanh Nguyên… là một loạt những thành công thể loại ca khúc phổ thơ của ông. 'Mùa chim én bay' phổ thơ Diệp Minh Tuyền là một trong số đó”.
Từ lời thơ của nhà thơ - nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã phổ nhạc một cách tài tình. Hồn thơ và ý nhạc đã hòa quyện vào nhau: Lãng mạn, tình tứ! Vì là một bài hát phổ thơ nên có lẽ phần lời ca tự thân nó đã có cái hay và sức sống riêng của mình. Thế nhưng khi được ngân nga lên với những giai điệu của Hoàng Hiệp nó đã hay hơn, truyền cảm hơn: Khi gió đồng ngát hương rợp trời chim én lượn/Cây nẩy mầm chồi xanh, mây trắng bay yên lành… Ca khúc nhẹ nhàng tưởng dễ hát nhưng mà lại khó, làm sao xử lý được cái tài tình của Hoàng Hiệp…lời ca trở nên tình tứ, dịu dàng hơn và mang đậm âm hưởng dân ca. Chính cái hồn ấy của bài hát mà ca sĩ Ngọc Điệp là người thể hiện bài hát này thành công nhất”.
Thể hiện mình biết về ca sĩ Ngọc Điệp, Bùi Gia Khánh viết: “Là một ca sĩ chuyên hát dân ca, Ngọc Điệp tìm thấy sự đồng cảm với tác giả và truyền sự đồng cảm ấy đến với người nghe. Lối hát ngân nga tình cảm ấy rất gần với dân ca có lẽ vì thế mà bài hát đi vào lòng người nghe hết sức tự nhiên mà không kém phần sâu sắc. Kể từ khi ra đời đến nay, thời gian ấy đủ để chúng minh sức sống của một bài hát mà theo tôi là rất hay”.
“Ca khúc "Mùa chim én bay" mở ra cho ta như thấy mùa xuân đang ùa về với gió đồng nhè nhẹ thổi, hương hoa ngan ngát, chim én bay lượn rợp trời. Tình yêu của tuổi trẻ, của lứa đôi trong "Mùa chim én bay" gợi cho tất cả chúng ta những giây phút yêu đương và hạnh phúc”. Đó là một đoạn trong thư của bạn Trần Hữu Sính ở khu 7, xã Địch Quả, Thanh Sơn, Phú Thọ. Trần Hữu Sính viết tiếp: “Đọng mãi âm thanh về tình yêu và mùa xuân, có thể nói "Mùa chim én bay" đã thực sự cuốn hút, chinh phục lòng tôi”.
Vẫn về bài hát này, nhưng với một liên hệ khá triết lý, bạn Bùi Thị Lệ Quyên ở đội 2 thôn Chiềng Đông, xã Cẩm Thạch, Cẩm Thủy, Thanh Hóa viết: “Thời gian vẫn trôi đi, bốn mùa luân chuyển, con người xuất hiện một lần và ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng nhưng những gì là nghệ thuật đích thực thì vẫn còn lại với thời gian. Bài hát "Mùa chim én bay" là một bức tranh được vẽ nên bằng cái thần của mùa xuân, của tâm hồn tác giả chỉ bằng vài nét chấm phá tuyệt vời: một mùa xuân không ồn ào, một mùa xuân duyên dáng rất Việt Nam. "Khi gió đồng ngát hương rợp trời chim én lượn, cây nảy đầy chồi xanh mây trắng bay yên lành xuân" trong "Mùa chim én bay" đẹp quá, nhưng sẽ đẹp hơn, ấm áp hơn khi con người xuất hiện “Em chợt đến bên anh dịu dàng như cơn gió nhẹ và lòng anh mở ngỏ chho tình em mơn man”. Ở lời kết, bằng một phép so sánh rất đơn giản nhưng đầy thuyết phục, bài hát dù đã đặt dấu chấm hết nhưng dư âm ngọt ngào của nó vẫn đọng lại trong người nghe”.