MV nhạc Việt 2018: Bùng nổ số lượng, “ảo” về giá trị nghệ thuật
VOV.VN - Xu thế làm MV trong năm qua có sự bùng nổ mạnh mẽ nhưng đồng thời cũng tạo ra những giá trị ảo về chất lượng bằng những MV dung tục, phản cảm.
Trong bối cảnh thói quen thưởng thức âm nhạc của khán giả đang dần thay đổi sang trực tuyến thì Music Video (MV) là một trong những xu thế hàng đầu để người nghệ sĩ phát triển hình ảnh, sự sáng tạo và cá tính âm nhạc.
Việc phát hành các MV trên mạng đã trở thành “vũ khí” lợi hại giúp những người làm nhạc nhanh chóng tiếp cận công chúng và nâng ảnh hưởng của người nghệ sĩ lên tầng, bậc mới. Tuy nhiên, việc “người người nhà nhà” làm MV, việc đánh giá chất lượng các MV qua lượt xem (view) đang tạo ra những giá trị ảo khiến một số nghệ sĩ trẻ sẵn sàng làm mọi cách để thu hút sự chú ý, thỏa mãn trí tò mò của công chúng bằng những MV dung tục, phản cảm.
Bùng nổ về số lượng, đầy tư “khủng” cho chất lượng
Năm 2018 được xem là một năm bùng nổ của thị trường V-pop, các nghệ sĩ cạnh tranh khốc liệt khi cho ra mắt hàng loạt những MV được đầu tư chất lượng cả về hình ảnh lẫn âm nhạc.
Rất nhiều MV đạt thành tích khủng về lượt xem, đồng thời nhanh chóng leo lên dẫn đầu Top Trending Youtube Việt Nam ngay sau khi phát hành như “Người lạ ơi”, “Bùa yêu”, “Cuộc sống em ổn không”, “Thằng điên”…
Trong số những MV thống lĩnh thị trường thì “Người lạ ơi" của Superbrothers, Karik và Orange đã xô đổ mọi kỷ lục trước đó của V-pop: 20 triệu lượt xem sau 5 ngày ra mắt, 13 ngày chạm tới con số 50 triệu lượt, giữ vững vị trí #1 Trending Youtube và 100 triệu lượt xem chỉ sau hơn 1 tháng “lên sóng”, là sản phẩm âm nhạc chạm tới hai mốc 50 và 100 triệu lượt xem nhanh nhất V-pop từ trước đến nay.
"Người lạ ơi" của Superbrothers, Karik và Orange. |
Càng về cuối năm, việc phát hành MV càng giống như một “cuộc đua” với không ít sản phẩm đầu tư “khủng”. Trong đó, chủ yếu là sản phẩm nhạc trẻ, nhạc nhẹ nhưng cũng không hiếm MV của các dòng nhạc khác kén người nghe như indie, bolero, thính phòng…
Các gương mặt đã thành công và có lượng người hâm mộ nhất định như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Noo Phước Thịnh, Đông Nhi… cũng cho ra mắt MV để làm “đòn bẩy” thực hiện những liveshow lớn. Điển hình như Đông Nhi với series 3 MV “Xin lỗi anh quá phiền”, “Giả vờ say”, “Gọi em đi” phục vụ cho liveshow kỷ niệm 10 năm ca hát “Ten on Ten”.
MV cũng là sản phẩm được lựa chọn để các tân binh chào sân âm nhạc, điển hình là “tân binh” Nguyễn Trọng Tài. Với màu sắc âm nhạc mới mẻ, MV "Hong Kong1" của Trọng Tài có số lượt xem lên đến 28,3 triệu chỉ trong vòng 2 tháng ra mắt.
Đặc biệt, “đường đua” MV còn trở nên náo nhiệt hơn với sự bứt phá mạnh mẽ của các nghệ sĩ Underground/Indie. Sự bùng nổ của xu thế làm MV khiến các nghệ sĩ thuộc giới Underground/Indie cũng có xu hướng bước ra "ánh sáng" nhiều hơn như Binz, Đen Vâu, DaLAB, Ngọt…
Các sản phẩm âm nhạc của họ cũng đạt nhiều thành tích ấn tượng, chiếm ưu thế trong thị phần âm nhạc nước nhà. Đơn cử như MV “Thằng điên” của Justa Tee và Phương Ly đã nhanh chóng lọt top trending và đạt lượng xem lên đến hơn 56 triệu chỉ trong vòng 2 tháng sau khi ra mắt.
Năm nay bên cạnh sự bùng nổ về số lượng thì chất lượng MV cũng được các nghệ sĩ đầu tư bài bản. Không ít ca sĩ mạnh tay mời ekip từ nước ngoài về để sản xuất những MV với hình ảnh được trau chuốt như những thước phim điện ảnh, kỹ thuật quay, ý tưởng kịch bản được chăm chút kỹ lưỡng, khiến người xem mãn nhãn về phần nghe lẫn phần nhìn.
Giá trị âm nhạc được tính bằng con số?
Trong thời đại công nghệ số thì không thể phủ nhận số lượng view của mỗi MV là thước đo thể hiện sức hút của sản phẩm, mức độ phủ sóng của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, chất lượng âm nhạc cũng được đo đếm bằng lượt xem thay vì được đánh giá bằng ý kiến chuyên môn, ý kiến khán giả và có tạo được sức sống lâu bền như trước đây.
Những nhận thức như thế đã khiến một số nghệ sĩ trẻ sa đà vào việc "làm hài lòng" một bộ phận khán giả, sẵn sàng làm mọi cách để thu hút sự chú ý, thỏa mãn trí tò mò của công chúng. Khi những yếu tố thuần giải trí trong âm nhạc có điều kiện lên ngôi thì sẽ lấn át những giá trị nghệ thuật đích thực.
Thực tế, thời gian qua, nhiều MV đã có sự lạm dụng về hình ảnh gợi cảm và ca từ phóng khoảng, vướng phải những phản ứng trái chiều từ cộng đồng thưởng thức âm nhạc.
Hình ảnh trong MV "Mời anh vào team em" của Chi Pu. |
MV “Mời anh vào team em” của Chi Pu sau khi ra mắt lập tức gây tranh cãi dữ dội vì nội dung mang hơi hướng 18+ với những cảnh cảnh quay táo bạo, gợi cảm. Đặc biệt nữ ca sĩ còn có màn khoe thân đầy khiêu khích.
Không dừng lại ở đó, MV còn chứa đựng các yếu tố bạo lực, giết chóc ghê rợn. Hay MV “Như lời đồn” của nữ ca sĩ Bảo Anh cũng nhận nhiều chỉ trích từ giới chuyên môn lẫn khán giả khi nữ ca sĩ mặc váy mỏng, có nhiều cảnh mơn trớn với bạn diễn Kiều Minh Tuấn.
Song, 2 MV trên vẫn nhận được lượng view lớn. Chỉ trong vòng 3 tuần ra mắt, MV “Mời anh vào team em” đạt 15 triệu view còn MV “Như lời đồn” cán mốc 20 triệu view sau 2 tháng phát hành.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các từ ngữ gây sốc hoặc hình thức viết tắt để đặt tên cho sản phẩm âm nhạc cũng xuất hiện. Một danh sách dài những tựa đề ca khúc gây tranh cãi vì "độc, lạ" để câu view như "Như lời đồn" của Bảo Anh, “Nắng cực” của Trúc Nhân, “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em” của rapper Đen Vâu… Những MV còn được viết tắt tên như #NLD (Như lời đồn), #DCM (Đừng có mơ), #DML (Duyên mình lỡ) nhằm đánh vào tâm lý tò mò của khán giả bằng những liên tưởng nhập nhằng giữa lành mạnh với dung tục.
Từ ca khúc “Như lời đồn“: Gây sốc hay sự xuống cấp ca khúc Việt?
Dù rằng nhu cầu thưởng thức âm nhạc ngày càng tăng của công chúng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các nghệ sĩ phải luôn làm mới, hoàn thiện mình nhưng mong muốn bài hát được chú ý đến mức đánh đổi giá trị nghệ thuật của sản phẩm và cảm tình thật sự của khán giả thì có thật sự cần thiết?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từng nhận định: “Một bài hát phải đẹp từ giai điệu đến ca từ, nội dung ý nghĩa và cả cái tên mới là sự hoàn mỹ. Những người sáng tác phải có trách nhiệm miêu tả cái đẹp, tôn vinh và gìn giữ cái đẹp để hướng tâm hồn của chính mình và của mọi người đến với những điều tích cực trong cuộc sống”.
Trong khi đó, những sản phẩm âm nhạc vì mục đích cộng đồng, mang thông điệp xã hội cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay với số lượng view chỉ khoảng vài chục nghìn. MV “Giữ lấy tuổi thơ” lên án nạn bạo hành, ấu dâm và lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên lại chỉ đạt con số 10.000 lượt xem. Vậy liệu những lượt view kia có thật sự là thước đo giá trị của sản phẩm âm nhạc?
Thiết nghĩ, một sản phẩm âm nhạc phải đẹp cả phần hình và phần nghe mới có thể mang đến cho khán giả những cảm xúc tốt đẹp, hướng họ đến những giá trị chân, thiện, mỹ. Như thế, đời sống âm nhạc Việt mới có thể phát triển bền vững và có chiều sâu./.
Năm 2018: “Được mùa” liveshow kỷ niệm, Tuấn Hưng bị hủy diễn
Nghe lại 10 ca khúc đình đám, được tìm kiếm nhiều nhất năm 2018