“Nạn nhạc lậu vẫn lan tràn nếu không đóng phí tác quyền đầy đủ“
VOV.VN - "VCPMC không hề đi quá đà, quá xa trong việc thu tiền tác quyền âm nhạc", nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ.
Sau khi việc thu phí tác quyền ở bệnh viện, bãi đỗ xe và sảnh khách sạn bị phản ứng, nhạc sĩ Phó Đức Phương, giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho rằng, ông và các cộng sự vẫn đang tiếp tục làm việc với các đơn vị cấp trên để đưa ra giải pháp phù hợp nhất.
Mới đây, chia sẻ với PV VOV.VN, tác giả “Trên đỉnh Phù Vân” cho biết, nếu việc thu phí tác quyền âm nhạc không được thực hiện đầy đủ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật thì nạn nhạc lậu vẫn sẽ diễn ra tràn lan. Người chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là các tác giả.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương. Ảnh: N.T |
PV: Thưa nhạc sĩ Phó Đức Phương, liên quan đến việc thu phí tác quyền hiện nay, có ý kiến cho rằng, cách làm việc của VCPMC có biểu hiện cứng nhắc, cửa quyền theo kiểu “ra văn bản như cơ quan quản lý nhà nước”, ông có thể nói gì về điều này?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Trong các văn bản mà VCPMC ban hành, VCPMC chưa bao giờ tự xưng hoặc nhân danh bất cứ cơ quan nhà nước nào trước bất cứ tổ chức, cá nhân trong quá trình hoạt động của mình. Để hoàn thành tốt nhất trách nhiệm, 15 năm qua VCPMC đã phải gửi đi hàng vạn các văn bản phản ánh, kiến nghị, đề xuất đến Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đến các bộ phận chức năng của các Bộ và các cơ quan ngang bộ, đến các tỉnh, các thành phố để nhận sự hỗ trợ và phối hợp trong công tác triển khai thực thi luật pháp về quyền tác giả, đến các tổ chức, cá nhân trong xã hội để tuyên truyền, giải thích, vận động và yêu cầu thực hiện các quy định của Luật sở hữu trí tuệ, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các hướng dẫn của nghị định, thông tư …
Nếu không nỗ lực, kiên nhẫn mà bước đầu là bằng vô số các văn bản đó thì Luật Sở hữu trí tuệ đã không thể được phổ biến và thực thi rộng rãi đến các đối tượng có liên quan trong xã hội hiện nay.
PV: Cũng có nghi vấn đặt ra, việc thu chi ở VCPMC hiện nay chưa minh bạch?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Khi làm việc với các tổ chức/cá nhân có trách nhiệm thanh toán tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc, VCPMC luôn có các hướng dẫn để chủ nhà hàng cung cấp thông tin về những tác phẩm thường được sử dụng tại nhà hàng, khách sạn, quán cà phê của họ. Căn cứ vào danh mục của chương trình do các chủ thể này cung cấp (đĩa nhạc, bản ghi âm ghi hình), chúng tôi có danh mục tác giả tác phẩm để phân phối tiền sử dụng cho tác giả của tác phẩm đó.
Vậy, không thể nói là chúng tôi thu - chi không minh bạch. Ngoài ra, không thể đòi hỏi trung tâm phải có người giám sát tại các nhà hàng, quán cà phê, khách sạn. Đó là điều bất khả thi, không những với VCPMC mà với tất cả các tổ chức quản lý tập thể khác trên thế giới.
Nếu muốn biết chính xác số tiền được chi trả cụ thể như thế nào hãy hỏi các tác giả, các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Bản quyền tác giả, các cơ quan kiểm toán, thuế. Đó là những cá nhân, tổ chức thường xuyên theo dõi các hoạt động của VCPMC.
Những ai chưa thực sự hiểu về cách thu tiền tác quyền âm nhạc hiện nay, hãy tìm hiểu kỹ càng thay vì đặt ra những câu hỏi nghi vấn gây hoang mang dư luận.
NS Dương Thụ: Thu tiền tác quyền âm nhạc ở bệnh viện là đương nhiên
PV: Có phải vì những tranh cãi xung quanh việc thu phí tác quyền mà Vietnam Airlines hiện nay hạn chế mở nhạc Việt và tăng cương mở nhạc nước ngoài trên các chuyến bay?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Vietnam Airlines vẫn đang duy trì đều đặn các hợp đồng sử dụng âm nhạc hàng năm với VCPMC, và các chuyến bay Vietnam Airlines vẫn phát nhạc Việt Nam, và cả nhạc nước ngoài, tùy vào sự lựa chọn của họ. Bởi nếu phát nhạc nước ngoài thì họ vẫn phải trả tiền qua VCPMC vì chúng tôi cũng là đại diện cho các nhạc sĩ nước ngoài.
PV: Rồi việc thu phí tác quyền qua tivi trong khách sạn, thực sự cách thu này vẫn còn gây tranh cãi?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Mọi sáng tạo trí tuệ dĩ nhiên và cuối cùng là để phục vụ cho sự phát triển của cộng đồng, nhưng những tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ việc sử dụng những sáng tạo đó trong kinh doanh sinh lời của mình thì phải có trách nhiệm xin phép và trả tiền cho việc sử dụng đó.
PV: Việc thu phí tác quyền chặt chẽ quá có làm cản trở đến nhu cầu hưởng thụ âm nhạc, nghệ thuật của công chúng không, thưa ông?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Hoàn toàn không có chuyện đó. Việc biểu diễn miễn phí, chiếu phim miễn phí sẽ chỉ được thực hiện thật sự giới hạn ở một địa điểm và không gian riêng biệt, cho những đối tượng đặc biệt, vào những dịp đặc biệt, của những hoạt động nhằm mục đích khác biệt nào đó. Nếu sự miễn phí trở thành chính sách phổ quát thì sẽ là sự khai tử cho tất cả các hoạt động biểu diễn, ngành tổ chức biểu diễn, thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng, đạo diễn …
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam được thành lập từ tháng 4/2002 theo chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội, sự phê duyệt Điều lệ hoạt động của Bộ Nội vụ. Là một tổ chức quản lý tập thể những quyền và lợi ích của các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả được Luật pháp bảo hộ. Suốt 15 năm qua, để hoạt động có hiệu quả, chúng tôi phải nghiêm túc tìm hiểu kỹ càng những quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, những Nghị quyết của TW Đảng, Nghị quyết và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để chính sách này trở thành hiện thực.
VCPMC có nhiệm vụ quan trọng là cầu nối giữa các tác giả và các tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm của các tác giả trong lĩnh vực kinh doanh.
Hàng chục ngàn hợp đồng trong suốt 15 năm qua là kết quả của sự lao động kiên trì không mệt mỏi của toàn thể cán bộ, nhân viên của trung tâm. Nhiều trường hợp phải có sự tham gia, có tiếng nói của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, đặc biệt là cấp quản lý trực tiếp. Nhiều trường hợp chúng tôi phải kiên trì kết nối, đi lại, gặp mặt để giải thích, thương thảo, gần 10 năm qua vẫn chưa đi đến thống nhất. Bởi vậy, việc có ý kiến cho rằng VCPMC đang “quá đà, đi quá xa” trong việc thu tiền tác quyền là hoàn toàn không phù hợp.
- PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ./.