Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 mong được “ra đi” bên cây đàn piano
VOV.VN - Với người nhạc sĩ coi piano như linh hồn mình, Nguyễn Ánh 9 có một ước ao kỳ lạ là được chết bên cây đàn ngay tại sân khấu.
Ở tuổi 75, sức khỏe của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã không còn được như xưa. Ba năm nay, ông mắc bệnh nghẹt mũi mãn tính, đến thở cũng khó khăn chứ đừng nói đến việc đi lại nhiều, hay di chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội để thực hiện liveshow.
Ông tâm sự rằng, thời còn trẻ, ngày nào cũng làm việc tại phòng trà từ 3h chiều đến 4h sáng, quanh quẩn thuốc lá rồi lại café nên giờ sức khỏe yếu lắm. Thế nhưng, trong đôi mắt của người nhạc sĩ già vẫn ánh lên niềm vui và hạnh phúc khi nhắc đến liveshow “Kỷ niệm”, sắp diễn ra tại Hà Nội vào ngày 16-17/5. Bất chấp sức khỏe, bất chấp cả kinh phí eo hẹp, ông vẫn muốn tổ chức liveshow để tri ân với Hà Nội, bởi ông linh cảm, đây sẽ là liveshow cuối cùng của cuộc đời mình.
Hà Nội – mảnh đất đã “tái sinh” Nguyễn Ánh 9
Người nhạc sĩ già chìm vào trong hồi ức khi kể về những ngày tháng ấy. Gần như cả đời, Nguyễn Ánh 9 gắn bó với cây đàn piano và những bản tình ca da diết. Thế rồi, thị trường âm nhạc trở nên rộn ràng, sôi nổi hơn với những âm thanh điện tử, ông đã từng nghĩ cây đàn piano của mình chỉ còn… xếp xó, phủ một lớp khăn và bụi dày. Ông đã tưởng rằng, mình sẽ không còn có cơ hội được đàn cho khán giả nghe nữa.
Nhưng rồi, trong liveshow “Mùa xuân đầu tiên” năm 2002, ca sĩ Ánh Tuyết bất ngờ mời ông ra Hà Nội đàn cho cô. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 mang theo sự lo lắng, hồi hộp khi trình diễn trước khán giả Thủ đô. Với một người nhạc công, ông chẳng đủ tiền để mua vé máy bay ra Hà Nội làm âm nhạc. Thế nên, ông không biết Hà Nội sẽ đón nhận ông như thế nào?
Sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả ngày hôm ấy đã mang lại cho ông một sức sống mới, cho ông được “tái sinh” từ trong chính âm nhạc của mình. “Khán giả Hà Nội đã cho tôi niềm tin và hy vọng, sức mạnh trên con đường của mình, sau đó trở về tôi đã tiếp tục đàn trở lại” – nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chia sẻ.
Đó là lý do để nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 muốn làm liveshow đặc biệt để cảm ơn Hà Nội. Phần lớn ca sĩ hát trong đêm nhạc của ông lần này là ca sĩ Hà Nội như NSƯT Đức Long, NSƯT Kim Tiến, Lê Hiếu, Minh Thu, Ngọc Châm, nhóm Con gái… cùng nhiều nghệ sĩ Hà Nội yêu tác phẩm của ông.
NS Nguyễn Ánh 9 nói, ông có cảm giác khá lạ khi nghe ca sĩ Hà Nội hát nhạc phẩm của mình, dường như có gì đó vui hơn và khác lạ hơn.
“Kỷ niệm” – liveshow chất chứa cuộc đời Nguyễn Ánh 9 qua âm nhạc
Trong suốt cuộc đời của mình, Nguyễn Ánh 9 đã từng sáng tác rất nhiều bản tình ca bất hủ như “Ai đưa em về”, “Tình khúc chiều mưa”, “Mùa Thu cánh nâu”, “Lời cuối cho em”… Mỗi khi nhắm mắt lại, lắng nghe từng ca khúc, Nguyễn Ánh 9 có thể tường tận nhớ lại từng kỷ niệm, từng khoảnh khắc, từng cảm xúc khi viết nên ca khúc ấy.
Đó có thể là “Cô đơn” mà ông mất đến 5 năm để thai nghén, đó là “Buồn ơi chào mi” khi ông tự dặn lòng phải quên đi mối tình đầu, hay đó là “Không” khi ông tự trăn trở với những cảm xúc, đau đáu nhớ thương một bóng hình… Âm nhạc của Nguyễn Ánh 9 luôn mang cho người nghe một sự khắc khoải, phảng phất nỗi buồn và cô đơn. Ông mỉm cười và nói rằng: “Nỗi buồn và nỗi cô đơn, có khi hiện hữu, có khi lại vô hình, nhưng nó luôn tồn tại. Khi tôi không thể nói ra để khiến mọi người buồn, tôi bèn đem nó vào trong âm nhạc”.
Mười tám tuổi, Nguyễn Ánh 9 phải đứng trước sự lựa chọn giữa gia đình và âm nhạc. Cha mẹ muốn ông làm kỹ sư, làm giáo viên chứ không phải một nhạc sĩ. Ông còn nhớ cha đã từng mắng mình rằng: “Muốn ôm cây đàn thì đi ra đường”. Và ông đã lựa chọn con đường thứ hai đầy gian khổ.
Không nhà không cửa, không nghề nghiệp ổn định, mỗi ngày làm việc ở phòng trà để mưu sinh và được sống với đam mê… Trong chuỗi ngày khó khăn ấy, Nguyễn Ánh 9 gặp và yêu một người con gái.
Ông kể, ngày ấy gia đình cô gái không đồng ý cho cô yêu một chàng nhạc sĩ nghèo. Ngăn cản không được, cha mẹ cô giấu hết thư từ qua lại, cấm con gái không được gặp ông. Sau đó, cô gái bị bố mẹ đưa ra nước ngoài. Mối tình đầu tiên không thành ấy đã đè nặng lên tâm trí ông, khiến cho những sáng tác của ông đều mang theo sự tiếc nuối, những nỗi buồn, đau khổ vì chia ly…
Thế rồi, may mắn đã mỉm cười với Nguyễn Ánh 9 khi ông gặp được người phụ nữ của cuộc đời mình. Vợ ông – bà Ngọc Hân là một nghệ sĩ nhảy thiết hài (tap dance) xinh đẹp. Lúc đó, ông là nghệ sĩ dương cầm trong ban nhạc, họ cùng làm trong một vũ trường. Ông cười mà nói rằng: “Cô ấy nhảy, tôi đệm đàn, quá hợp còn gì!”. Họ kết hôn rồi có với nhau hai người con trai.
Cuộc sống của họ cứ êm đềm, không có nhiều sóng gió. Bà là người luôn hiểu, thông cảm và ủng hộ cho công việc cũng như mọi quyết định của ông. Bà lặng lẽ chăm lo con cái, chăm lo cho sức khỏe để ông có thể đi diễn, có thể chuyên tâm với âm nhạc của mình. NS Nguyễn Ánh 9 luôn mơ có một sân khấu của cả gia đình, nơi bà có thể nhảy thiết hài, ông có thể đánh đàn và các con của ông có thể làm nhạc.
Một phần ước mơ của ông đã trở thành sự thật. Chính con trai của ông – NS Nguyễn Quang đảm nhiệm vai trò biên tập và đạo diễn liveshow “Kỷ niệm”. Chỉ tiếc là vợ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lại không cùng đồng hành cùng ông trong chương trình với lý do rất giản dị “phải có người trông nhà và đi thăm cháu nội chứ!”.
Trong 2 đêm liveshow, mỗi bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được cất lên lại là một chương trong cuộc đời âm nhạc của ông với đủ hỉ nộ ái ố… và những tâm sự mà ông chưa một lần nói ra với Hà Nội.
Liveshow “Kỷ niệm” của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sẽ diễn ra vào tối 16 và 17/5 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội)./.