Nhạc sĩ Nguyễn Cường: "Biển đảo có sức hút kỳ lạ với tôi"

VOV.VN - Với Nguyễn Cường, biển đảo có một sức hút kỳ lạ, khiến ông khao khát sáng tác thật nhiều tác phẩm âm nhạc.

Nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Cường, những người yêu nhạc sẽ nhớ ngay đến những sáng tác mang âm hưởng hào hùng, rực lửa của miền đất Tây Nguyên như “H'Zen lên rẫy”, “Đôi mắt Pleiku”… Bên cạnh đó, ông cũng rất thành công với chùm ca khúc về biển đảo như “Mái đình làng biển”, “Hoa biển”, “Hò biển”, “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, “Tôi về đây nghe sóng”…

Với Nguyễn Cường, biển đảo có một sức hút mãnh liệt, luôn khiến ông thấy tự hào. PV VOV online đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Cường về những ca khúc chủ đề biển đảo của ông.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường trong chuyến công tác ra Trường Sa

PV: Được biết, trong chuyến công tác đến Trường Sa vào tháng 5/2013, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã có cảm hứng để viết liền 3 ca khúc về chủ đề biển đảo. Ông có thể giới thiệu về 3 ca khúc này?

NS Nguyễn Cường: Tôi và các nhạc sĩ Cát Vận, Quỳnh Hợp, Giáng Son, Trần Ngọc Lâm và Nguyễn Việt Hùng đã có cơ duyên được đến với Trường Sa. Chuyến đi thực tế qua 10 đảo chìm và đảo nổi như Nam Yết, Đá Lát, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn… đã để lại những ấn tượng mạnh cho chúng tôi, khơi dậy cảm xúc cho tôi viết nên chùm 3 ca khúc “Trống quân lính đảo”, “Sóng lội Trường Sa” và “Chúng tôi là lính biển”.

Trong đó, “Sóng lội Trường Sa” được viết cho dàn hợp xướng nam nữ theo hình thức Acapella không nhạc đệm. Ca khúc có nhiều đoạn cao trào nhưng vẫn khiến cho khán giả cảm nhận được sự dịu dàng, bao dung của biển.

“Trống quân lính đảo” là bài hát vui, phát triển từ hình thức hát trống quân. Qua hình ảnh các chiến sĩ hải quân hát giao duyên với những người con gái, tôi muốn thể hiện nét đẹp của những người lính trẻ, tình yêu quê hương, đất nước đậm sâu của họ.

“Chúng tôi là lính biển” được viết cho tốp ca nam, nói về những người chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi của Tổ quốc, phải chịu nhiều gian khổ. Khoảnh khắc mặt trời nhô lên qua những ngọn sóng, in bóng những chiến sĩ như muốn khẳng định rằng: Những người lính hải quân vẫn đang ở đây, bằng tài trí, bằng sức lực bảo vệ biên cương vùng biển quốc gia. Xin Tổ quốc hãy yên lòng!


PV: Trong 3 ca khúc, thì “Trống quân lính đảo” và “Sóng lội Trường Sa” đều đã được dàn dựng và biểu diễn ngay trong chuyến công tác. Nhưng mãi đến gần đây, “Chúng tôi là lính biển” mới được ra mắt công chúng. Vì sao lại như vậy, thưa nhạc sĩ?

NS Nguyễn Cường: Do tính chất của ca khúc “Trống quân lính đảo”, “Sóng lội Trường Sa” dễ hát, dễ hòa nhịp nên được dàn dựng và biểu diễn kịp thời cho các chiến sĩ. 2 ca khúc nhận được nhiều sự hưởng ứng. Còn “Chúng tôi là lính biển”, do bận rộn việc công tác nên mãi đến gần đây tôi mới dựng được.

Ca khúc được ra mắt trên chương trình của VTV, nhằm thể hiện tình yêu biển đảo, quê hương, đất nước của các nhạc sĩ, ca sĩ trong tình hình Trung Quốc ngang ngược đặt gian khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, có nhiều nhạc sĩ, ca sĩ cho ra mắt những MV, bài hát mới về biển đảo, thể hiện tình yêu đất nước, trách nhiệm của công dân. Tôi cho việc này rất đáng hoan nghênh và cần được tiếp tục.

Riêng tôi, sắp tới đây, tôi sẽ cho ra mắt một sáng tác mới mang tên “Tổ quốc ta cờ bay”. Có thể nói, đây là sáng tác mà tôi tâm đắc nhất, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường với lá cờ Tổ quốc ở Lũng Cú (Hà Giang)

PV: Nhạc sĩ có thể giới thiệu thêm về ca khúc này?

NS Nguyễn Cường: Ca khúc được tôi sáng tác khi đến Lũng Cú (Hà Giang) cách đây ít lâu, bên cột cờ Tổ quốc trên đoạn đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Tôi như được lá cờ ôm trọn vào lòng, dấy lên sự tự hào là người con đất Việt. Phải đứng ở trên đỉnh núi Rồng (Long Sơn) nhìn xuống mới thấy hết sự bao la của Tổ Quốc, từ dãy Trường Sơn đến Hoàng Sa, Trường Sa, nhìn thẳng tới Cà Mau. Từ đó, tôi có cảm hứng sáng tác ca khúc “Tổ quốc ta cờ bay”.

Ca khúc dự kiến sẽ nằm trong một CD sắp ra mắt về những miền quê của đất nước, bao gồm những sáng tác mới và cả những ca khúc nổi tiếng từ trước. Ca sĩ Tùng Dương sẽ là người thể hiện ca khúc chủ đề “Tổ quốc ta cờ bay”.

Sở dĩ tôi chọn Tùng Dương là vì Tùng Dương đã từng nói một câu rất hay: “Ở ngưỡng tuổi 30, thời điểm đẹp nhất của cuộc đời, tôi thấy mình mới đủ chín chắn và trải nghiệm để hát về quê hương, đất nước một cách thấm thía nhất”. Tôi hy vọng vào sự trưởng thành và sự đổi mới tâm hồn của Tùng Dương trong ca khúc mới.

PV: Nhạc sĩ Nguyễn Cường từng sáng tác nhiều ca khúc về biển đảo, cũng có những tác phẩm khí nhạc. Ông có ý định kết hợp, sáng tác 1 tác phẩm khí nhạc về biển đảo hay không?

NS Nguyễn Cường: Tác phẩm đầu tiên tôi sáng tác về biển đảo là ca khúc “Đường Hồ Chí Minh trên biển” vào những năm 1983, 1984 với giai điệu hào hùng, mạnh mẽ. Cho đến bây giờ, nó gần như đã trở thành ca khúc truyền thống của bộ đội Hải quân. Sau đó, tôi có viết những ca khúc khác như “Mái đình làng biển”, “Hò biển”, “Lính biển hát về biển”… Các ca khúc có thể xếp đầy một album.

Trên thực tế, chủ đề biển đảo đã được các nhạc sĩ khai thác từ lâu và khai thác với rất nhiều khía cạnh, sắc màu riêng biệt. Tôi cũng đã ấp ủ viết một Hợp xướng giao hưởng 5 chương về biển đảo nhưng đến giờ vẫn chưa hoàn thành. Viết một tác phẩm khí nhạc cần có nhiều thời gian để chau chuốt hơn một ca khúc. Hy vọng sẽ sớm hoàn thành nó trong tương lai.

PV: Xin cám ơn nhạc sĩ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên