Nhạc sĩ “Nơi đảo xa” nhớ Hoàng Sa, Trường Sa trên giường bệnh

VOV.VN -  “Nơi đảo xa” được hàng triệu người yêu mến và được đánh giá là một trong những ca khúc hay về biển đảo.

Giữa những ngày trong nam ngoài bắc, triệu triệu trái tim đang hướng ra biển Đông, đồng lòng phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc thì tôi hay tin tác giả của bài hát này – nhạc sĩ Thế Song phải nhập viện bởi bệnh cũ tái phát. Nằm trong bệnh viện, chắc ông cũng nghe được những tiếng ca vọng vào và đang nhớ về “Nơi đảo xa” với những kỷ niệm không thể nào quên.

Chúng tôi từng là biên tập viên âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt nam (VOV). Nhạc sĩ Thế Song không chỉ là người biên tập các chương trình ca nhạc có chất lượng, thu hút người nghe mà ông còn say sưa sáng tác cùng với các nhạc sĩ khác ở Đài mau chóng nhập cuộc với tình hình thời sự, chính trị.

Nhạc sĩ Thế Song (thứ 2 bên phải) trên tàu ra Trường Sa

Chúng tôi đã nhiều lần đi thực tế và viết ra những tác phẩm mới phục vụ các thính giả xa gần. Ca khúc “Nơi đảo xa” ra đời sau chuyến đi Quảng Ninh năm 1979. Nhiều người cùng đi chuyến đó, nhưng bài hát của của Thế Song khá hơn, lại được giọng hát của nghệ sĩ Tiến Thành chắp cánh đã nâng tác phẩm lên gấp nhiều lần.

Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa

Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà.

Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa,

Ngàn bão tố phong ba, ta vượt qua, vượt qua…

Một ca khúc đầu tiên có nhắc đến Hoàng Sa – núm ruột của Tổ Quốc. Cùng với Trường Sa, Hoàng Sa thân thương ấy đã đi vào lịch sử bao đời nay trong lòng dân đất Việt. Tôi yêu bài hát này không chỉ thể hiện được chủ quyền thiêng liêng của nước ta, mà còn yêu một giai điệu rất dễ hát dễ thuộc.


Nhạc sĩ Thế Song

Với nhịp 6/8, lên xuống chỉ trong quãng 3, ngay từ khi ca khúc được phát trên sóng của Đài TNVN thì đã có rất, rất nhiều thư của thính giả gửi về cho chúng tôi đề nghị được nghe lại. Trong một cuộc họp với Ban Văn nghệ, nhà báo Trần Lâm - Tổng biên tập Đài TNVN lúc bấy giờ đã biểu dương Thế Song đã có bài hát nhắc đến Hoàng Sa bên cạnh Trường Sa. Sự ghi nhận ấy đã tạo thêm cho người nhạc sĩ sinh năm 1933 thêm nghị lực để viết tiếp những ca khúc mới phục vụ thính giả trong và ngoài nước.

Trưởng thành từ diễn viên Đoàn ca nhạc của Đài từ năm 1957, năm 1974 chuyển về làm biên tập viên âm nhạc. Với tình yêu và niềm đam mê âm nhạc, ông đã kiên trì tự học các môn hòa thanh, phối khí và lý luận âm nhạc do vậy đã gặt hái được nhiều thành công và có chỗ đứng trong lòng khán thính giả.

Đến nay, nhạc sĩ Thế Song đã có hơn 400 ca khúc bao gồm nhiều đề tài, thể loại khác nhau. Phần lớn ông viết về biển cả và những người lính đang ngày đêm canh giữ đảo xa. Bên cạnh ca khúc Nơi đảo xa, Thế Song còn có nhiều bài hát khác viết về biển đảo và người chiến sĩ Hải quân như: Biển chuyện tình hóa đá, Vũng Tàu tình yêu biển, Biển mưa, Cát Bà tình em, Biển khơi có chúng tôi, Đường trên biển, Biển đảo và tôi, Biển hẹn, Sóng ru, Hoa hồng biển đảo, Mênh mang Trường Sa ngôi nhà lính đảo…Ông đã dành một tình cảm đặc biệt với những chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi.


Nghe bài hát "Nơi đảo xa" do NSƯT Tiến Thành trình bày

Tháng 4 năm 1995, sau chuyến ra thăm quần đảo Trường Sa ông về vui vẻ kể lại: “Rất tuyệt vời là được đi đến các đảo nổi đảo chìm - Nơi một năm phải chịu 130 ngày bão, một tháng có từ 13 đến 20 ngày gió mạnh, mùa khô kéo dài từ tháng 2 đến tháng 5. Hơn thế nữa, nơi ấy đã từng và vẫn đang tiếp tục phải chống chọi lại kẻ thù rình rập, nhòm ngó từng giờ, từng phút!

Khi biết mình là tác giả của “Nơi đảo xa” anh em đã dành cho mình những tình cảm thật cảm động… Các chiến sĩ trẻ công kênh mình như là bạn. Đến đảo nào cùng “bị” anh em yêu cầu hát Nơi đảo xa. Giữa cái nắng, cái gió của Trường Sa, cả chủ và khách đều quây quần ngồi dưới tán cây phong ba, dưới cây bàng vuông mà say sưa hát, mà say sưa vỗ nhịp. Những âm thanh ấy nó hòa vào gió vào sóng giữa đại dương mênh mông…

Không thể nào diễn tả hết niềm vui. Nhưng mình cũng rất thương và thông cảm với các bạn trẻ ở trên đảo khi họ nói không sợ mọi thứ gian khổ, khó khăn, thậm chí cả hy sinh, nhưng sợ nhất là nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, nhiều lúc thèm nhìn một người con gái... Qua đó ta mới thấy hết cái tình yêu với biển đảo, với đất nước. Bởi nơi ấy có sự hy sinh, không chỉ của những người lính đảo đang ngày đêm canh giữ chủ quyền thiêng liêng; mà còn là sự hy sinh của những cô gái người yêu của lính đảo, những người vợ, người mẹ và cả những đứa con đang ngày đêm mong cha về với những món quà là cành San hô đá, hay những vỏ ốc biển đủ màu…

Lướt sóng con tàu mang tín hiệu trong đất liền

Mắt em nhìn theo con tàu đi xa mãi

Giữa nơi biển khơi đang nở rộ ngàn bông hoa san hô

Cánh hoa đỏ thắm bao hy vọng anh gửi về tặng em

Ơi ánh mắt em yêu

như biển xanh như trời xanh trong nắng mới

Nhớ cả dáng hình em mùa gặt nặng đôi vai

Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm vui...


Ca khúc “Nơi đảo xa” đã trở thành nhịp cầu âm nhạc nối giữa đất liền với những hòn đảo xa xôi, nơi có biết bao người lính đang canh giữ vùng biển của Tổ quốc. 35 năm qua, “Nơi đảo xa” được hàng triệu triệu người yêu mến và được đánh giá là một trong những ca khúc hay về biển đảo, đặc biệt là những người lính đảo.

“Nơi đảo xa” đang ngân vang giữa những ngày cả nước đồng lòng hướng ra Biển Đông này. Ngoài các giọng đơn ca rất hay như Tiến Thành, Trọng Tấn, Tùng Dương…công chúng còn được nghe và xem bài hát này bằng hình thức đồng ca nhiều người trên trang Youtube rất hay, rất sinh động, rất đỗi tự hào. Bởi tình yêu biển đảo của mỗi người chúng ta như một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc…./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên