Nhạc sỹ Trương Quý Hải hát về đồng đội
VOV.VN - Hàng năm cứ đến tháng 7, vào ngày giỗ trận Vị Xuyên, người nhạc sỹ Trương Quý Hải trong bộ quân phục nhuốm màu thời gian lại tìm về chiến trường xưa, bồng cây đàn ghi-ta, hát trước anh linh đồng đội của mình.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau thương vẫn chưa thể nguôi ngoai trong tâm thức của các gia đình thân nhân liệt sĩ và với những cựu chiến binh vẫn còn đau đáu nỗi niềm với đồng đội. Trong hoàn cảnh chiến đấu dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù, không ít người lính đã hi sinh anh dũng, nằm lại nơi chiến trường. Hình ảnh ấy đã tạc vào dáng hình đất nước và trở thành tượng đài bất hủ trong âm nhạc kháng chiến và giai đoạn sau này.
Nhạc sỹ Trương Quý Hải, người nhạc sỹ tài hoa không chỉ là tác giả của nhiều ca khúc trữ tình nổi tiếng như “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”, “Khoảnh khắc”… mà anh còn có những sáng tác lay động lòng người về những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ bờ cõi, non sông nước Việt.
“Thư về với mẹ” là bài hát đầu tiên nhạc sỹ Trương Quý Hải sáng tác về đề tài “chiến tranh”. Khi viết ca khúc này, anh là một người lính của sư đoàn 356, chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang, được cấp trên giao làm nhiệm vụ chăm sóc thương binh và hỗ trợ công tác tử sỹ. Trong một lần ra chiến tuyến, anh tìm thấy trong túi áo người lính hy sinh bức thư viết trên vỏ bao thuốc lá Sa Pa ướt đẫm, màu mực Cửu Long nhòe vào màu máu, chỉ còn 3 chữ “Mẹ kính yêu”. Bức thư của đồng đội làm anh nghẹn ngào nhớ đến mẹ của mình.
“Thì nó có một câu chuyện thế này. Sau này tôi gặp anh Đặng Việt Châu là chính trị viên Tiểu đoàn 3, tôi có hỏi vì sao rất nhiều anh em không tìm được thông tin? Anh có nói rằng, rất nhiều anh em khi đưa bút để viết lên tờ giấy thông tin cá nhân thì nhiều anh em không ghi tên, mà viết lên ngực nhau dòng chữ “quyết tử cho Tổ quốc” cho đến khi hết mực thì thôi. Vô tình có một lần mình tìm được tờ giấy trong túi áo của đồng chí. Mở ra chỉ đọc được ba chữ “mẹ kính yêu”, màu mực cửu long với màu áo nhòe lên nhau. Đêm hôm ấy khi chôn cất xong, ngồi bên nấm mộ anh em mới lẩm bẩm nói thành câu hát...”, anh chia sẻ.
Nhạc sỹ Trương Quý Hải nhập ngũ năm 1982 trong vai trò lính tuyên văn, tham gia vào lực lượng của sư đoàn 356ở mặt trận Hoàng Liên Sơn. Sau đó, khi tình hình chiến sự ở Vị Xuyên căng thẳng, anh được điều động sang mặt trận này, giai đoạn 1984-1985. Nhạc sỹ Trương Quý Hải chia sẻ, những năm tháng chiến tranh, anh được sống, chiến đấu bên đồng đội, những chàng trai tuổi đôi mươi hồn nhiên, lãng mạn nhưng rất gan dạ, dũng cảm khi đối mặt với quân thù. Thời gian trong quân ngũ đã ảnh hưởng rất nhiều đến anh sau này cả trong cuộc sống và sáng tác.
“Ký ức ám ảnh nhất là khi ôm xác đồng đội hy sinh, mặc dù nhiều tháng năm trôi qua, hình ảnh đó không phai mờ. Tuy nhiên, bên cạnh đó những kỷ niệm của đời lính gắn bó với nhau để đến bây giờ anh em chúng tôi, những thằng lính còn sống nói với nhau rằng: Chính quãng thời gian ngắn ngủi tại mặt trận đó, hình như đã tạo nên số phận của chúng tôi", nhạc sĩ Trương Quý Hải nhớ lại.
Những ca khúc viết về đồng động của nhạc sỹ Trương Quý Hải dù phần lớn được sáng tác sau khi chiến tranh đã kết thúc đều được lấy cảm hứng từ những ký ức về đồng đội ở chiến trường Vị Xuyên. Như ca khúc “Lũy đá bất tử” được lấy ý tưởng từ câu dòng chữ khắc trên báng súng của anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Ninh. Khi hy sinh, trên tay vẫn ghì chặt báng súng có dòng chữ: “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”. Sau này, dòng chữ ấy lan truyền khắp mặt trận, trở thành tinh thần, lời thề của những chiến sỹ trên mặt trận Vị Xuyên năm xưa.
Hay như ca khúc “Về đây đồng đội ơi” - Bài hát xúc động được nhạc sĩ Trương Quý Hải viết chỉ trong một ngày, sau khi anh em đồng đội của sư đoàn có ước nguyện lập cây hương ở cao điểm 468 trong dịp kỉ niệm 30 năm sau chiến dịch MB84 để “lấy chỗ đi về” cho những liệt sĩ đã hi sinh mà vẫn đang nằm lại chiến trường, chưa tập kết được về nghĩa trang liệt sĩ.
“Khi mình biết được việc đó, anh em rủ đi 100 ngày đài hương thì hôm đó tôi vì công việc không đi được. Khi anh em làm lễ điện về cho mình, cảm giác áy náy, bồn chồn. Cuối cùng nghĩ ra một việc là nếu có đài hương rồi, thì ngày giỗ trận sắp tới anh em sẽ tụ hội để về thắp hương cho anh em. Việc đầu tiên phải làm là sẽ gọi anh em về đây. Và câu đầu tiên tôi viết là về đây đồng đội ơi ...nói với anh em chiến trận đã ngưng rồi, đừng nằm ở chỗ chiến đấu nữa, về đây đồng đội ơi.”
Câu hát “Hãy về đồng đội ơi!” được lặp lại nhiều lần trong bài như tiếng gọi “hội quân” của những người còn sống với những đồng đội đã hi sinh. Hàng năm cứ đến tháng 7, vào ngày giỗ trận Vị Xuyên, người nhạc sỹ trong bộ quân phục nhuốm màu thời gian lại tìm về chiến trường xưa, bồng cây đàn ghi-ta, hát trước anh linh đồng đội của mình. Đó là những tâm sự đời lính, là tiếng lòng day dứt khôn nguôi của những người còn sống với những người lính mãi đôi mươi mà thân xác đã hóa “đá bất tử”./.