Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh: Đưa tre nứa vào giao hưởng
VOV.VN -Mong muốn đưa nhạc cụ Việt Nam ra thế giới, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh đã đưa nhạc cụ tre nứa hoà âm cùng nhạc cụ phương Tây trong dàn nhạc giao hưởng.
“Đất nước cần tôi hơn”
Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ chuyên biểu diễn nhạc cụ tre nứa. Bố anh là NSƯT Đồng Văn Minh, người cả đời dành tâm huyết cho nhạc cụ dân tộc, ông vừa biểu diễn vừa chế tác nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa. Vì thế, ngay từ nhỏ, Đồng Quang Vinh đã được bố mẹ cho đứng trên sân khấu biểu diễn. Năm 1993, khi mới 9 tuổi, anh theo học chuyên ngành sáo trúc ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh. |
Anh giành được nhiều huy chương về độc tấu nhạc cụ. “Từ nhỏ tôi đã được theo bố mẹ đi biểu diễn ở trong và ngoài nước. Mỗi buổi biểu diễn thấy khán giả cúi chào, tôi cảm thấy âm nhạc thật tuyệt vời, nó làm mình được tôn trọng, ngưỡng mộ hơn và tôi thấy hạnh phúc khi được sống với niềm đam mê âm nhạc”.
Với những thành tích xuất sắc trong học tập, năm 2004, Đồng Quang Vinh được cử đi học chỉ huy dàn nhạc dân tộc tại Học viện Âm nhạc Thượng Hải (Trung Quốc). Tốt nghiệp đại học vào năm 2010, anh được nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Trung Quốc để theo học thạc sĩ chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc giao hưởng.
Trong gần 10 năm du học, Đồng Quang Vinh năng nổ tham gia dàn dựng, chỉ huy nhiều chương trình của các dàn nhạc giao hưởng và dân tộc danh tiếng ở Thượng Hải.
Anh đã nhận được không ít lời mời với mức lương hấp dẫn để làm việc ở nước bạn, nhưng anh đã quyết định trở về với mong muốn góp phần phát triển âm nhạc hàn lâm tại Việt Nam. |
“Tôi được Nhà nước cử đi học nên trách nhiệm của tôi là phải trở về để phục đất nước và bản thân tôi cũng mong muốn trở về, vì tôi thấy đất nước cần mình hơn ở nước ngoài. Sinh ra trong một gia đình âm nhạc tre nứa, sứ mệnh của tôi là phải quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam nói chung và âm nhạc tre nứa nói riêng. Hơn nữa, xu thế hiện nay là các nước tăng cường giao lưu văn hóa, việc đi lại giữa các nước cũng rất thuận tiện chẳng hạn, tối nay tôi chỉ huy một đêm nhạc ở Việt Nam, ngày mai tôi đã có thể chỉ huy dàn nhạc giao hưởng ở Thượng Hải” - Quang Vinh chia sẻ.
Theo nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, ở nước ngoài trước khi biểu diễn, họ thường giới thiệu tác phẩm qua MV, catalog, MC, thậm chí do chính nhạc trưởng giới thiệu. Khán giả châu Âu trước khi nghe tác phẩm nào cũng thường tìm tài liệu để hiểu về tác phẩm mà họ sắp được nghe. “Ở nước ta do đặc thù xã hội, khán giả chưa quan tâm đến nhạc giao hưởng thính phòng. Sứ mạng, nhiệm vụ của người nghệ sĩ là phải quảng bá nó. Tôi tìm mọi cơ hội để có thể nói cho mọi người hiểu thêm về dòng âm nhạc bác học này” - Quang Vinh giãi bày.
Tạo sức sống mới cho dàn nhạc gia đình
Từ dàn nhạc Tre Việt của gia đình (thành viên là những người trong gia đình), năm 2013, Đồng Quang Vinh thành lập dàn nhạc tre nứa Sức Sống Mới là những người trẻ đang học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Dàn nhạc của anh chuyên chơi những nhạc cụ được chế tác từ tre, nứa như: t’rưng, ching’ram, k’lông pút, đinh pá, bộ gõ tre nứa, sáo trúc… Bố anh là người chế tạo nhạc cụ cho ban nhạc.
“Muốn kéo được khán giả đến với mình, không chỉ chơi nhạc mà phải giảng giải cho người nghe về bối cảnh xã hội của tác phẩm, lịch sử, văn hóa có thể bằng lời, có thể bằng cách trình diễn, hai thứ cộng hưởng sẽ giúp người nghe hiểu thông điệp mà người chơi nhạc gửi gắm” - nhạc trưởng Đồng Quang Vinh. |
Ban nhạc tre nứa Sức Sống Mới là sự sáng tạo của Đồng Quang Vinh khi anh pha trộn giữa cổ điển và hiện đại, giữa hòa thanh phương Tây với những nhạc cụ Việt Nam. Biểu diễn nhạc giao hưởng bằng nhạc cụ tre nứa, Đồng Quang Vinh phải tự viết nhạc, phối khí. Để có những buổi biểu diễn nhận được những tràng pháo tay của khán giả là biết bao đêm Đồng Quang Vinh trăn trở sửa đi sửa lại từng nốt nhạc, từng bản phối khí.
Chính nhờ sự khác biệt, sự tài tình trong phối khí, hòa thanh, Sức Sống Mới luôn kín lịch biểu diễn và thường xuyên nhận được lời mời từ các trung tâm văn hóa lớn của các nước tại Việt Nam, như: Trung tâm Văn hóa Pháp hay Viện Goethe của Đức. Ông Wilfried Eckstein, Giám đốc Viện Goethe nhận xét: “Đây là cách kết nối rất tốt giữa đất nước chúng tôi với đất nước Việt Nam của các bạn, cũng như tạo nên các cuộc đối thoại văn hóa nhiều nhất có thể. Điều quan trọng với chúng tôi không phải chỉ là biểu diễn âm nhạc phương Tây, mà còn là tương tác với âm nhạc truyền thống của Việt Nam”.
Hiện nay Đồng Quang Vinh vừa là chỉ huy chính tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, vừa là giám đốc và chỉ huy chính của Dàn hợp xướng Quốc tế Hà nội (Hanoi International Choir - HIC), lại là thủ lĩnh của dàn nhạc tre nứa Sức Sống Mới nên anh thường xuyên phải thức đêm làm việc. “Với vai trò chỉ huy tôi còn được một đội ngũ chuyên nghiệp hỗ trợ nhưng với ban nhạc tre nứa Sức Sống Mới, tôi phải tự làm nhiều việc từ phối khí, marketing, liên lạc biểu diễn, chọn và huấn luyện diễn viên... Tính tôi cầu toàn, đã làm việc gì là phải làm thật tốt, làm bằng cái tâm, đặt khán giả lên vị trí hàng đầu” - Đồng Quang Vinh chia sẻ./.