Nhạc trưởng Lê Phi Phi - Đi thật lâu để trở về
VOV.VN - Thành danh ở nước ngoài và có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà, Lê Phi Phi là gương mặt rất đáng kể trong lịch sử âm nhạc Việt Nam hiện đại.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi là người đã gắn bó với chương trình hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi. Công chúng yêu nhạc khi nghĩ tới chương trình âm nhạc của ngày Quốc khánh 2/9 đều nhắc nhớ tới vị nhạc trưởng tài ba và giàu tình cảm này.
Hàng năm, như một lời hẹn ước với cha mẹ, với mùa thu Hà Nội, anh đều sắp xếp công việc để trở về Việt Nam, mang đến cho công chúng yêu nhạc những tác phẩm âm nhạc thuần Việt, những giá trị âm nhạc được khẳng định qua thời gian.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi. |
Trong những năm tháng Lê Phi Phi mới ra trường, đời sống âm nhạc trong nước chưa có nhiều chương trình biểu diễn của các dàn nhạc để anh và gia đình có thể sống bằng nghề chỉ huy. Trong khi đó, châu Âu lại là cái nôi của âm nhạc cổ điển. Và anh đã chọn con đường lập nghiệp tại Macedonia sau khi tốt nghiệp nhạc viện Tchakopxki. Nhớ về quãng thời gian nhận được lời đề nghị về Macedonia làm việc, nhạc trưởng Lê Phi Phi đã ví đó là quãng thời gian "học nấu bếp và có bếp để thực hành ngay sau tốt nghiệp" rất đáng nhớ của anh.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi chia sẻ: "Ngay từ khi tôi học đại học năm thứ 3, thứ 4, họ đã cho tôi những chương trình quan trọng để chỉ huy. Và khi tôi chứng minh là mình có thể làm việc đó thì sau khi tốt nghiệp nhạc viện Tchaiopxki, họ mời tôi ngay lập tức về làm nhạc trưởng, trợ lý cho nhạc trưởng chính để xem công việc tôi làm như thế nào. Công việc đó giúp cho tôi rất nhiều. Chương trình nào tôi cũng phải chuẩn bị, chương trình nào cũng phải tập với dàn nhạc. Tức là vốn âm nhạc trong suốt thời gian làm việc tại dàn nhạc giao hưởng Macedonia của tôi tăng lên rất nhiều".
Trên bục chỉ huy, nơi những dàn nhạc nổi tiếng với những tác phẩm kinh điển của nước ngoài hay với những nghệ sĩ trong nước và những nhạc phẩm đi cùng năm tháng thì nhạc trưởng Lê Phi Phi luôn thể hiện sự tận tụy, chuyên nghiệp. Anh vừa có phong cách của một nhạc trưởng Châu Âu, lại vừa có phong cách biểu diễn của nghệ sĩ trong dàn nhạc tại Việt Nam.
Dựng một tác phẩm âm nhạc cho dàn nhạc giao hưởng luôn là những bài toán khó, không ai khác, người nhạc trưởng phải làm thế nào để tất cả cùng hòa chung một nhịp trong từng lần tập, từng buổi biểu diễn. Mỗi lần xem nhạc trưởng Lê Phi Phi biểu diễn, nhà văn Trần Thị Trường luôn chọn riêng cho mình một chỗ ngồi để có thể quan sát được rõ ràng nhất những động tác, cử chỉ của các nghệ sĩ. Riêng với người nhạc trưởng, ngoài chiếc đũa chỉ huy thì còn cả ánh mắt, cử chỉ để khích lệ, truyền cảm hứng cho mọi người.
"Nếu không hưng phấn thì không thể hay được. Mồ hôi của anh đổ ra bao nhiêu thì chỉ có anh biết thôi nhưng nét mặt, ánh mắt, cử chỉ của chiếc đũa chỉ huy đã khiến cho tôi, là người khán giả nhìn thấy còn xúc động huống chi những người có chuyên môn. Để người ta hiểu rằng khi mắt anh ấy đã nhìn thế này, tay anh chỉ vào thế kia thì mình phải như thế nào? Và bỗng nhiên nó thành máu thịt để buổi biểu diễn trở nên hưng phấn toàn diện và đạt đến cái hay tổng thể", nhà văn Trần Thị Trường nói.
Là người tâm huyết với chương trình hòa nhạc quốc gia Điều con mãi, Nhà báo Phạm Anh Tuấn- Tổng biên tập Báo điện tử Vietnamnet cho rằng: Lê Phi Phi được ví như linh hồn trong những chương trình biểu diễn của Điều còn mãi 8 năm liền. Tuy không nhận trách nhiệm chính là người lên kế hoạch chương trình nhưng vai trò của anh trong việc góp ý cho hòa nhạc những năm tiếp theo là rất quan trọng. Lê Phi Phi biết chọn ca sĩ cho từng ca khúc, nên chơi theo dạng solo hay cùng dàn nhạc giao hưởng hoặc cần bổ sung loại nhạc cụ nào cho phù hợp.
Nhà báo Phạm Anh Tuấn nói: "Nhạc trưởng ở Việt Nam rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay, do vậy không có nhiều cơ hội để so sánh. Nhưng nếu so sánh anh Lê Phi Phi với các nhạc trưởng nước ngoài thì tôi thấy không thua kém bất kì nhạc trưởng nào cả. Với tư cách là một khán giả, tôi rất xúc động khi xem những chương trình anh Lê Phi Phi chỉ đạo".
Những năm gần đây Lê Phi Phi đi về giữa Việt Nam và Macedonia nhiều hơn, vừa tham gia các sự kiện âm nhạc trong nước, vừa có thêm thời gian ở bên gia đình. Dường như đó cũng là cách Lê Phi Phi nuôi dưỡng những kí ức sống động của tuổi thơ nhưng lại vô cùng quan trọng với một người nghệ sĩ. Cả tuổi thơ của anh lớn lên nơi phố cổ, với những sớm mùa thu đạp xe quanh Hồ Tây, nghe cái mơn man của nắng, của gió và không thể thiếu những cái Tết bên gia đình.
Đó là cả tuổi thơ lăn lộn, vui chơi tại các phòng thu âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam 58 Quán Sứ- nơi nhạc sĩ Hoàng Vân làm việc. Để rồi, đi qua năm tháng, Lê Phi Phi không chỉ thuộc làu làu những tác phẩm của bố mà còn nhớ tên những người từng thể hiện ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Vân cùng nhiều tác phẩm âm nhạc khác qua từng thời kì. Nhà văn Trần Thị Trường- một người bạn thân thiết với gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân kể: Việt Nam-nơi chôn nhau cắt rốn hay Macedonia -nơi đang sống và làm việc đều khiến anh xúc động mỗi lần rời xa, "đất bỗng hóa tâm hồn":
Nhà văn Trần Thị Thường nói: "Có những con người, số phận cho phép như vậy, hay có thể nói là bắt buộc như vậy. Có những người đã thua số phận, nhưng có những người vượt lên trên để vượt qua điều đó, lấy đó làm lợi thế: lấy nỗi nhớ Việt Nam để biểu diễn rất hay ở Châu Âu, lấy nỗi nhớ ở Châu Âu về Việt Nam và lại càng khẳng định mình như thế nào đó để sau này tồn tại ở Châu Âu khi mình trở lại. Số phận tách mình làm hai nửa. Những người vượt lên được như vậy tôi rất kính nể".
Nhạc trưởng Lê Phi Phi và “Giai điệu thắp sáng niềm tin”
Dù được nhắc đến với bề dày kinh nghiệm cầm đũa chỉ huy dàn nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển trên thế giới nhưng với Lê Phi Phi, Việt Nam-quê hương anh luôn là địa điểm đầu tiên lên lịch biểu diễn hàng năm. Có thể nói, thành danh ở nước ngoài và có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà, Lê Phi Phi là gương mặt rất đáng kể trong lịch sử âm nhạc Việt Nam hiện đại./.