NSƯT Đăng Dương: “Thành công không phải là danh hiệu mà ở trong tim công chúng“
VOV.VN - "Để đi đến trái tim khán giả vẫn là thực tài. Nghệ sĩ thành công không phải ở danh hiệu mà thành công trong tim công chúng" - NSƯT Đăng Dương.
Kỹ thuật thanh nhạc, nhuần nhuyễn trong cách thể hiện là những yếu tố tạo nên phong cách rất riêng của người nghệ sĩ trong dòng nhạc thính phòng cách mạng. Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Đăng Dương, một trong những giọng ca hàng đầu, ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng với những bài ca đi cùng năm tháng.
NSƯT Đăng Dương. |
Trước khi học thanh nhạc, Đăng Dương từng có nhiều năm gắn bó với cây đàn bầu tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Anh kể rằng, suốt thời gian theo học đàn bầu, anh vẫn thích hát. Chàng trai trẻ Đăng Dương hồi đó thỉnh thoảng vẫn lên khoa thanh nhạc của NSND Quang Thọ “nghe lỏm”. Từ năm 1993-1996, khi trúng tuyển vào khoa thanh nhạc, anh được chính NSND Quang Thọ dìu dắt, đỡ đầu. Con đường với thanh nhạc với anh bắt đầu từ đó, một giọng nam cao mạnh mẽ, khỏe khoắn như một mảnh đất màu mỡ dần được khai phá.
PV: NSƯT Đăng Dương lựa chọn dòng nhạc cách mạng vì chất giọng hay còn có cơ duyên nào khác?
NSƯT Đăng Dương: Nói về dòng nhạc thì đây thực sự là niềm đam mê. Đăng Dương rất thích dòng nhạc chính thống nên ngay khi được học chuyên nghiệp, Đăng Dương đã lựa chọn con đường này ngay từ đầu. Đến với dòng nhạc chính thống, Đăng Dương được học với nhiều người thầy.
Người thầy đầu tiên là NSND Trần Hiếu, sau đó là nghệ sĩ Nguyên Hà, rồi NSND Quang Thọ, NSND Trung Kiên. Đó là 4 người thầy mà Đăng Dương đã từng học thanh nhạc. Học nhiều thầy cũng cho mình nắm được nhiều kĩ thuật, cách hát và cái hay của mỗi người. Sau đó mình sẽ rút ra mình có những thuận lợi gì, những nhược điểm gì.
PV: Và bước đầu của anh với dòng nhạc cách mạng trên sân khấu là khi nào?
NSƯT Đăng Dương: Đăng Dương cũng giống như các bạn khác, tìm đến các cuộc thi để khán giả biết đến mình. Đăng Dương bắt đầu học thanh nhạc từ năm 1992. Đến năm 1995, Đăng Dương thi giọng hát hay Hà Nội và được giải Nhất. Năm 1996, Đăng Dương tham gia cuộc thi hát thính phòng tổ chức lần đầu tiên tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đăng Dương may mắn được giải Nhất.
Ca sĩ Đăng Dương trong liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát. |
PV: Năm 2000, anh tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội và trở thành giảng viên âm nhạc, sau đó anh đầu quân cho Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Vì sao anh lại có quyết định này?
NSƯT Đăng Dương: Đăng Dương cũng thường xuyên được Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam mời thu các tác phẩm để phát trên làn sóng. Năm 2003, có một cơ duyên đặc biệt là khi tôi được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, khi ấy là Trưởng Ban âm nhạc mời đi diễn giao lưu âm nhạc giữa Đài và Quân khu 2 tại Phú Thọ.
Sau khi buổi biểu diễn kết thúc, tôi được gặp Tổng Giám đốc Vũ Văn Hiền. Ông chia sẻ muốn gây dựng lại Đoàn ca nhạc và muốn tôi đầu quân. Ông đã nói: “Đoàn ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam khác với những đoàn nghệ thuật khác. Là một trong những đoàn nghệ thuật đầu tiên của cả nước” (ra đời năm 1949). Đó là niềm tự hào của Đăng Dương cũng như với lớp trẻ bây giờ.
PV: Để có thể tạo mối liên kết cảm xúc với người yêu nhạc thì chính những người hát phải có những trải nghiệm thực tế? Với mỗi bài hát, anh bắt đầu với tâm thế như thế nào?
NSƯT Đăng Dương: Lớp trẻ như Đăng Dương không sinh ra trong chiến tranh nên khi thể hiện các tác phẩm cách mạng, chúng tôi phải đọc, hiểu tác phẩm thì mới thể hiện được. Đăng Dương cũng nói nhiều điều này với các bạn trẻ. Nếu muốn đi sâu với dòng nhạc cách mạng thì đầu tiên phải có đam mê, thứ hai là vốn sống sâu sắc. Phải đọc nhiều, nghe nhiều, tìm hiểu kĩ tác giả, tác phẩm thì mới thành công được. Có những thời điểm lịch sử, nếu không tìm hiểu sẽ hát không ra tác phẩm đó.
Ca sĩ Đăng Dương cùng với ca sĩ Việt Hoàn và Trọng Tấn được mệnh danh là Trương Chi của làng nhạc Việt. |
PV: Ca sĩ Đăng Dương cùng với ca sĩ Việt Hoàn và Trọng Tấn được mệnh danh là Trương Chi của làng nhạc Việt. Các anh có những bổ trợ gì cho nhau khi rất nhiều lần đứng chung sân khấu?
NSƯT Đăng Dương: Cả 3 anh em đều có chất giọng nam cao. Thế nhưng mỗi người lại có một nét riêng. Đăng Dương thường hát những nốt cao. Trọng Tấn sở hữu giọng hát mềm mại hơn, pha chút dân gian nên phù hợp với những quãng trung, rất đẹp. Còn anh Việt Hoàn hỗ trợ phần thấp của tam ca. Trong nhóm bao giờ cũng phải phân ra những bè bối, câu cú cho phù hợp thì mới nâng tầm của tam ca được.
PV: Anh tham gia rất nhiều chương trình âm nhạc. Nhưng với anh, những chương trình nào để lại trong anh nhiều ấn tượng nhất?
NSƯT Đăng Dương: Cuộc đời biểu diễn của Đăng Dương đã hơn 20 năm nhưng có một kỉ niệm rất đặc biệt khi Đăng Dương được cùng các nghệ sĩ, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam ra Trường Sa. Hôm ấy khi đang diễn trên đảo thì trời mưa nhưng tất cả mọi người vẫn ngồi im để nghe những ca khúc hát về quê hương, về biển đảo. Cảm xúc ấy đặc biệt hơn khi được đứng trên sân khấu những chương trình khác ở đất liền. Giữa mênh mông là biển, nơi ấy có những con người hiền hậu, vững vàng trước sóng gió.
PV: Và những bài hát nào với anh là “khó”…
NSƯT Đăng Dương: Đi hát nhiều, nói khó với Đăng Dương thì không phải là khó, quan trọng là người nghệ sĩ phải hát ra tác phẩm. Đăng Dương đã được học opera nên những kĩ thuật kinh điển của thế giới có thể đưa vào khi hát ca khúc Việt Nam.
Nhưng phải lưu ý khi hát Tiếng Việt khác với hát ca khúc nước ngoài. Nhiều ca sĩ ở Việt Nam hát không rõ lời. Bởi vì chúng ta bị ảnh hưởng bởi cách hát của phương Tây, khi ứng dụng vào những ca khúc Việt Nam thường bị mất dấu. Những năm đầu tiên đi hát của Đăng Dương cũng bị như vậy. Nhưng may mắn là Đăng Dương được về Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, được thu âm các tác phẩm âm nhạc để phát trên làn sóng. Mỗi lần thu tôi đều nghe lại để chỉnh sửa để sao cho hát cho mềm mại hơn, rõ lời hơn. Hát không rõ lời là yếu tố đầu tiên không thể đưa đến cảm xúc cho người nghe.
PV: Trong khi nhiều đồng nghiệp và bạn bè của Đăng Dương lần lượt những dự án kết hợp với những ca sĩ dòng nhạc đương đại, anh vẫn tiếp tục trung thành với dòng nhạc cổ điển và nhạc cách mạng. Vì sao vậy?
NSƯT Đăng Dương: Đây chỉ là niềm đam mê thôi và Đăng Dương cũng không muốn thay đổi mình. Đăng Dương vẫn có thể hát trữ tình hay những gì gần gũi với cuộc sống. Nhưng Đăng Dương vẫn đi theo dòng nhạc của mình, không quá “phá phách”.
PV: Quan điểm của anh về làm mới nhạc cách mạng?
NSƯT Đăng Dương: Có rất nhiều cách nhưng hay nhất vẫn là phối khí, cách dàn dựng của các nhạc sĩ. Với cách hát thì tôi nghĩ không bao giờ thay đổi được. Những tác phẩm được sinh ra trong những thời điểm lịch sử như chống Pháp, chống Mỹ thì chúng ta vẫn phải giữ được hồn cốt. Chúng ta chỉ có thể làm mới bằng phối âm, phối khí. Một số bạn trẻ bây giờ chọn cách hát khác đi, cho nó “thời đại”. Điều đó không đúng. Đó là hát sai chứ không phải làm mới.
PV: Sau 2 album “Đất nước trọn niềm vui” (2005), “Khi nắng mai về” (2011), anh có dự định ra album trong thời gian tới?
NSƯT Đăng Dương: Đây là điều Đăng Dương vẫn trăn trở. Để ra một album để đáp ứng khán giả thì đơn giản. Nhưng để có một album có chất lượng thì chúng ta phải trăn trở rất nhiều, từ cách biên tập, phối khí. Đăng Dương cũng đang cố gắng cho ra đời vài album nữa nhưng phải có thời gian.
PV: Phát hành album nhạc cách mạng bây giờ với anh có khó không khi yếu tố công chúng, khán giả cũng không thể không tính đến?
NSƯT Đăng Dương: Thời đại bùng nổ 4.0, người ta thường nghe nhạc trên mạng, trên điện thoại thông minh. Với thị hiếu khán giả, với bất cứ dòng nhạc nào cũng vậy, khi chúng ta làm tốt nhất thì chắc chắn sẽ thành công. Không quan trọng là chúng ta phải làm mới thế nào, quảng bá thế nào mà phải đi đến trái tim người nghe. Cuối cùng để đi đến trái tim khán giả vẫn là thực tài. Nghệ sĩ thành công không phải ở danh hiệu mà thành công trong tim công chúng. PV: Cảm ơn NSƯT Đăng Dương./.