Thanh Lam, Thuỷ Tiên tri ân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong đêm nhạc "Xin mặt trời ngủ yên"
VOV.VN - Đêm nhạc kỷ niệm 20 năm ngày mất của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn "Xin mặt trời ngủ yên" quy tụ những giọng ca hàng đầu như NSƯT Thanh Lam, Tùng Dương, Phạm Thu Hà, Hà Lê, Thuỷ Tiên,...
Hàng năm, gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam tổ chức các chương trình âm nhạc kỷ niệm tưởng nhớ tới người nhạc sĩ tài hoa. Những đêm nhạc như "Biển nhớ" (2020); "Em còn nhớ hay em đã quên" (2019); "Như cánh hạc bay" (2016),... để lại dấu ấn và luôn được công chúng đón đợi, có thời điểm thu hút trên 40.000 khán giả.
Không chỉ được lắng nghe những giai điệu quen thuộc từ loạt ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn, khán giả còn có cơ hội khám phá thêm về cố nhạc sĩ tài hoa mà bình dị qua những tư liệu quý, những câu chuyện, chi tiết nho nhỏ được gia đình chia sẻ. Những tài liệu vô giá về âm nhạc Trịnh Công Sơn không chỉ có giá trị to lớn đối với người yêu trong nước mà còn nhiều khán giả nước ngoài trân quý.
Tiếp nối thành công từ những chương trình trước, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam tổ chức đêm nhạc tri ân cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang tên "Xin mặt trời ngủ yên". Đêm nhạc quy tụ những giọng ca hàng đầu như NSƯT Thanh Lam, Tùng Dương, Thuỷ Tiên, Saxophone Trần Mạnh Tuấn, Hà Lê... Đặc biệt, đêm nhạc "Xin mặt trời ngủ yên" còn có sự góp mặt của NSƯT Trần Lực - người thủ vai cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng “Nàng thơ” của bộ phim điện ảnh "Em và Trịnh" do Phan Gia Nhật Linh làm đạo diễn.
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn chứa đựng triết lý nhân sinh sâu sắc. Lắng nghe âm nhạc của Trịnh Công Sơn, khán giả tìm thấy sự đồng cảm, những giá trị trong cuộc sống cho chính mình. Ca sĩ Tùng Dương khẳng định sự trường tồn của âm nhạc Trịnh Công Sơn: "Nhiều khi một bài hát làm cho ta có rất nhiều nghị lực, làm cho ta có sự nhìn nhận đúng đắn về mọi thứ xung quanh, giúp cho chúng ta sống tích cực hơn. Đó là sức mạnh của nhạc Trịnh, luôn tồn tại mãi với thời gian".
Vì vậy, nhạc Trịnh luôn là nguồn cảm hứng để nhiều ca sĩ thể hiện, làm mới nhưng theo ca sĩ Tùng Dương dù có phối lại theo nhiều phong cách khác nhau thì vẫn không thể làm lu mờ âm nhạc Trịnh Công Sơn. Nhạc Trịnh vẫn toát lên vẻ riêng biệt. Cái tôi, bản thể trong những sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn quá mạnh.
Chia sẻ về phần thể hiện trong đêm nhạc, ca sĩ Tùng Dương cho biết: "Tôi sẽ hát theo cách nghĩ, cách cảm nhận và tâm thế của mình, với rất nhiều trạng thái khác nhau. Bởi quan trọng nhất là mình hát phải có màu sắc riêng của mình, chứ không phải hát thể loại âm nhạc này hay phối lại theo phong cách nhạc Jazz. Nhiều khi khán giả nghe sẽ lạ tai và không chấp nhận”.
Cùng với Tùng Dương, Thanh Lam sẽ mang đến một màu sắc mới cho nhạc Trịnh. Nữ ca sĩ không hề bị ảnh hưởng hay đi theo những lối mòn có sẵn, mà luôn tìm tòi, khai phá cái mới. Thậm chí, cô còn xử lí được nhạc Trịnh trên các thể loại khác. Đó là điều đáng trân trọng khi thể hiện những ca khúc của cố nhạc sĩ.
Thanh Lam đem lại sự khắc khoải, cháy bỏng, đầy khát vọng sống cho nhạc Trịnh. Nó sống động, chứ không phải sự tĩnh lặng, u hoài. Cô hát nhạc Trịnh với sự hừng hực, bùng cháy của ngọn lửa đam mê, khí thế, đầy dữ dội, với những đoạn belt cộng minh căng lồng lộng, cộng thêm cách đãi chữ, lả lơi đúng phong cách của mình.
Đêm nhạc "Xin mặt trời ngủ yên" còn có sự góp mặt của nghệ sỹ saxophone Trần Mạnh Tuấn. Anh chia sẻ từ nhỏ đã nghe nhạc Trịnh và thuộc lòng bài "Hạ trắng" khi còn chưa biết tên bài hát là gì, do ai sáng tác. Mê mẩn những giai điệu da diết của ca khúc, anh tập thổi saxophone và từ đó theo con đường chuyên nghiệp. Vì thế, tham gia biểu diễn trong rất nhiều chương trình nhạc Trịnh, Trần Mạnh Tuấn vẫn luôn đầy thăng hoa với những giai điệu tưởng chừng quen thuộc mà hóa ra mới mẻ trong cách trình diễn và phối khí của anh và ban nhạc.
Nếu như trong “Biển Nhớ” - chương trình kỷ niệm 19 năm nhạc sĩ họ Trịnh rời “cõi tạm”, Phạm Thu Hà có màn song ca cùng Quang Dũng tạo nên nét chấm phá thì sự xuất hiện của cô trong chương trình kỷ niệm 20 năm ngày mất người nhạc sĩ tài hoa, chắc chắn sẽ vô cùng đặc biệt.
Một trong những ca sĩ ghi dấu ấn thành công trong việc cách tân nhạc Trịnh là Hà Lê sẽ như một làn gió mới, tươi sáng cho đêm nhạc. “Hà Lê không phải là người đầu tiên làm mới nhạc Trịnh Công Sơn nhưng Hà Lê có hướng đi riêng, cách hát riêng để tiếp cận khán giả trẻ. Tôi là người thuộc thế hệ cũ nhưng khi nghe Hà Lê hát, tôi cảm thấy khá bắt tai, thú vị. Quan trọng hơn, tôi thấy cách hát ấy giữ được tinh thần của những nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn” - ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bày tỏ.
Bén duyên với âm nhạc từ một cuộc thi về nhạc Trịnh, sau nhiều thử sức và trải nghiệm với âm nhạc ở các thể loại khác nhau, Lân Nhã đã khẳng định được cá tính âm nhạc khi trổ tài hát các ca khúc vang bóng một thời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Anh sở hữu chất giọng ấm áp, vừa thanh vang, lại lắng sâu tình cảm và phảng phất chút gì đó u buồn. Có lẽ từ chất giọng, phong thái biểu diễn mà chính vì thế Lân Nhã được nhiều người yêu nhạc ví như “người đàn ông hát nhạc tình… rất tình”.
Đặc biệt, đêm nhạc còn có sự xuất hiện của nữ ca sĩ Thuỷ Tiên. Năm 2020, nữ ca sĩ được nhớ đến với hàng loạt các hoạt động thiện nguyện hướng về đồng bào miền Trung và giúp bà con ngập mặn ở miền Tây… Đánh dấu sự trở lại với hoạt động nghệ thuật, qua đêm nhạc ý nghĩa này, khán giả sẽ thấy hình ảnh mới của Thủy Tiên.
Đêm nhạc "Xin mặt trời ngủ yên" được đạo diễn bởi NSND Trần Bình. Anh và gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có một sợi dây gắn kết đặc biệt thông qua các chương trình nhân kỷ niệm ngày cố nhạc sĩ rời cõi tạm. Mỗi một năm, NSND Trần Bình lại gửi gắm tấm lòng tri ân đối với người nhạc sĩ tài hoa. Với chất liệu dồi dào của nhạc Trịnh, các chương trình luôn có sự đặc sắc, mang dấu ấn riêng không chỉ được những người yêu nhạc Trịnh đón nhận mà giới chuyên môn cũng đánh giá rất cao.
Đêm nhạc "Xin mặt trời ngủ yên" sẽ diễn ra trong 2 ngày 29-30/3/2021, tại Nhà hát Lớn Hà Nội./.