Tiếng Then trên đỉnh Trường Sơn

VOV.VN - Sống xa quê hương cả ngàn km nhưng người Tày ở thôn Đồng Râm vẫn luôn bảo ban nhau gìn giữ truyền thống văn hóa với nhiều tập quán, phong tục đẹp. Và trong các dịp lễ, Tết, không thể thiếu tiếng đàn tính và câu Then mượt mà - phương tiện giao tiếp mang đậm bản sắc dân tộc.

Cách thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) không xa có một ngôi làng trù phú nằm giữa thung lũng với cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ. Nơi đây, bên dòng suối trong xanh thường vang tiếng đàn tính rộn ràng hòa với câu hát sli, hát lượn... Đó là làng Đồng Râm - nơi sinh sống của hơn 40 hộ người Tày di cư từ huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đến đây lập nghiệp. Người Tày xa quê mang theo bao phong tục tập quán đặc sắc của quê mình đến vùng đất mới.

Sống xa quê hương cả ngàn km nhưng người Tày ở thôn Đồng Râm vẫn luôn bảo ban nhau gìn giữ truyền thống văn hóa với nhiều tập quán, phong tục đẹp như lễ Mừng thọ, lễ Cấp sắc, hội Lồng tồng... Và trong các dịp lễ, Tết, không thể thiếu tiếng đàn tính và câu Then mượt mà - vốn được coi là là phương tiện giao tiếp mang đậm bản sắc của người Tày và cả vùng Việt Bắc. 

Là một nghệ nhân của làng Đồng Râm, ông Lý Kim Xuyến được mời tham gia và đoạt giải cao tại nhiều Hội diễn văn hóa nghệ thuật dân tộc ở tỉnh Quảng Nam và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Với niềm đam mê hát then và mong muốn truyền dạy làn điệu dân ca Tày cho những thế hệ sau, ông Xuyến đã thành lập Câu lạc bộ Hát Then - đàn Tính thôn Đồng Râm: "Tôi không học qua trường lớp gì cả, chỉ là tự mò mẫm rồi tập cho mọi người thôi.

Có rất nhiều làn điệu như: Phong Slư, Nàng ới, pửt lằn và nhất là đàn tính, hát then. Câu lạc bộ của chúng tôi hiện tại có 24 thành viên. Ai mà nhiệt tình, đam mê thì chịu khó tập luyện, đến nay có khoảng 60% các thành viên có thể đi biểu diễn được. Tôi thì già rồi nhưng tôi sẽ cố gắng truyền dạy cho các thế hệ sau với khả năng của mình để góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa, văn nghệ của người Tày mình từ quê hương Cao Bằng đến Quảng Nam".

Là người đồng hành cùng ông Lý Kim Xuyến trong những ngay đầu thành lập CLB, ông Hoàng Văn Tướng chia sẻ: Từ bé đã được nghe các cụ hát phong slư, lượn, then... Nghe mãi thành quen, ông đam mê từ lúc nào không biết và thích nhất điệu hát Phong Slư. Khi CLB thành lập, ông xung phong hướng dẫn cho các thành viên về Phong Slư và đàn tính. Những âm thanh trầm bổng của “tàng bốc", "tàng nặm” và những ngón đàn, ông cũng dày công nghiên cứu, chỉ bảo tận tình cho các thành viên trong CLB.

Ông Hoàng Văn Tướng cho biết: "Ban đầu thì cả làng chỉ có 2 người biết gảy đàn tính, bản thân tôi thì biết đánh đàn từ hồi 13-14 tuổi, sau khi học xong phổ thông tôi tham gia nghĩa vụ quân sự, sau khi xất ngũ thì gia đình chuyển vào Quảng Nam sinh sống. Muốn gìn giữ lại điệu hát then của quê hương cho nên bác Xuyến đã gặp tôi và bàn bạc về việc thành lập CLB với mong muốn truyền dạy cho thế hệ trẻ. Nhưng đa số lớp trẻ bây giờ toàn đi làm công nhân, cho nên các thành viên trong CLB chủ yếu là người trung tuổi. CLB vừa tập đàn tính, vừa tập hát các làn điệu dân ca của dân tộc Tày, Nùng".

Chị Lý Thị Hiệp (33 tuổi) là thành viên trẻ tuổi và cũng là người tiến bộ nhất trong CLB cho biết: Niềm say mê các làn điệu dân ca Tày là động lực thôi thúc chị quyết tâm học bằng được: "Quê em ở Trùng Khánh nhưng em đã đi theo gia đình vào đây được 13 năm rồi. Dù xa quê nhưng em vẫn rất yêu làn điệu hát then của quê hương Cao Bằng. Em tham gia CLB từ ngày đầu mới thành lập. Lúc đầu mới vào thì mặc dù là người Tày nhưng em cũng chưa hiểu nhiều về các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Sau khi tập đánh đàn khoảng 1 tháng thì em đã có thể tự đánh được những điệu đơn giản và có thể tự hát thành bài được. Các bài hát then thì mình nghe trên mạng rồi tự viết lời lại và tập hát theo...".

Mặc dù mới thành lập được hơn 1 năm nay, nhưng các thành viên CLB Hát then Đồng Râm luôn cố gắng tập luyện. Không kể nắng hay mưa, đều đặn mỗi tuần 2 lần mọi người lại gặp mặt để cùng nhau tập đàn hát. Ông Lý Kim Xuyến, chủ nhiệm CLB hát then thôn Đồng Râm cho biết thêm: "Ở Cao Bằng hay các tỉnh có đông đồng bào Tày sinh sống thì phong trào hát then đàn tính rất phát triển, còn ở Quảng Nam thì chúng tôi mới đang tập thôi. Ở đây mọi người rất nhiệt tình, có hôm trời mưa rất to nhưng không ai bỏ buổi tập. Những dịp trong làng có sự kiện gì như ngày hội Đại đoàn kết hay tổng kết xóm thì đều có tiết mục tham gia. Người Tày mình đi đến đâu thì mang bản sắc văn hóa dân tộc đến đó".

Được sự quan tâm của các ban ngành, đoàn thể nhất là phòng văn hóa - thông tin huyện Nam Giang luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của CLB. Người Tày ở Đồng Râm luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, làm ăn kinh tế giỏi, đoàn kết, con cháu chăm lo học hành tiến bộ, có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Và tiếng Then, tiếng Tính của các thành viên CLB thôn Đồng Râm vẫn vang xa, hòa quyện với gió rừng giữa đại ngàn Trường Sơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giữ tiếng Then-Tính bằng lửa đam mê
Giữ tiếng Then-Tính bằng lửa đam mê

VOV.VN - Mới đây, hàng trăm nghệ nhân và những người yêu Then các tỉnh khu vực phía Bắc đã tham dự chương trình giao lưu hát then đàn tính và các làn điệu dân ca miền núi phía Bắc do Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Kạn đăng cai tổ chức.

Giữ tiếng Then-Tính bằng lửa đam mê

Giữ tiếng Then-Tính bằng lửa đam mê

VOV.VN - Mới đây, hàng trăm nghệ nhân và những người yêu Then các tỉnh khu vực phía Bắc đã tham dự chương trình giao lưu hát then đàn tính và các làn điệu dân ca miền núi phía Bắc do Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Kạn đăng cai tổ chức.

Tiếng Then tính trên Cao Nguyên
Tiếng Then tính trên Cao Nguyên

VOV.VN - Người Tày- Nùng Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang.... đến lập nghiệp ở vùng đất mới luôn mang theo phong tục tập quán quê mình.

Tiếng Then tính trên Cao Nguyên

Tiếng Then tính trên Cao Nguyên

VOV.VN - Người Tày- Nùng Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang.... đến lập nghiệp ở vùng đất mới luôn mang theo phong tục tập quán quê mình.