Tùng Dương mê hoặc khán giả bằng “Độc đạo”

VOV.VN - Trong chương trình “Độc đạo” của Tùng Dương – Nguyên Lê, khán giả lần
đầu được thưởng thức một “món ăn” mới lạ nhưng vô cùng hấp dẫn.

Diễn ra tối 24/11 tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), chương trình “Độc đạo” như một bữa tiệc của âm thanh, ánh sáng thịnh soạn; sự hòa trộn của hai tâm hồn, một già, một trẻ nhưng vô cùng cá tính khiến “thực khách” vừa thưởng thức, vừa ngơ ngẩn, đắm say.

Cây guitar bé nhỏ dưới tay của phù thủy âm nhạc Nguyên Lê như có thêm phép màu để tạo ra những âm thanh đầy mê hoặc. Ban nhạc chơi phiêu linh, lay động, đậm chất jazz. Giọng ca của Tùng Dương khiến nhiều người tự hỏi: “Người gầy bé thế mà sao năng lượng dồi dào đến thế?”.


Tùng Dương tràn đầy năng lượng trong "Độc đạo"

Khác với nhiều liveshow phần lớn chỉ hát lại những bài hát cũ, “Độc đạo” có đến hơn một nửa là những bài hát mới. Các bài hát cũ gắn với “thương hiệu” Tùng Dương dưới phần hòa âm, phối khí của Nguyên Lê dĩ nhiên cũng thật khác lạ. Tất cả là một sự trải nghiệm về âm nhạc lần đầu tiên có thể gặp ở Việt Nam. Người ta không chỉ ngạc nhiên mà còn có thể…thổn thức. Sự kết hợp tài tình của người nghệ sĩ già mang dòng máu Việt và một chàng trai trẻ thấm đẫm hồn Việt, nhưng lại luôn muốn hòa mình vào dòng chảy âm nhạc thế giới, tạo ra một câu chuyện cổ tích hiện đại về âm thanh.

Dĩ nhiên không chỉ có Tùng Dương và Nguyên Lê mà có thể làm nên “Độc đạo”. Một chương trình của tổng thể nghệ sĩ yêu âm nhạc theo cách chưa bao giờ có ở Việt Nam đã làm nên một sự hòa trộn đến nhuần nhuyễn của tinh thần dân tộc riêng biệt, sánh tầm quốc tế, theo tiêu chí “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Dù Tùng Dương là nhân vật chính để được lên ngôi thì ấn tượng của một giàn nghệ sĩ tên tuổi trường phái world music tại Châu Âu như ca sĩ Julia Sarr (Senegal), Dhafer Youssef (Tunisia - từng đồng hành với Quốc Trung trong dự án “Nguồn cội”), Tom Diakite (Mali) và nghệ sĩ đàn koto người Nhật Mieko Miyajaki cũng ghi dấu ấn vô cùng mạnh mẽ.


Tùng Dương và nghệ sĩ Julia Sarr

Đó là cái nhìn ra thế giới trung thực nhất, bằng tai, bằng mắt chứ không phải là qua chiếc kính viễn võng nào. Những giọng ca điêu luyện, những nghệ sĩ chơi nhạc tuyệt vời; phần hòa âm, phối khí tài ba của Nguyên Lê và chính cây guitar bé nhỏ của ông đã tạo ra những sản phẩm âm nhạc đỉnh cao. Chính Tùng Dương đã phải thốt lên: “Tùng Dương điên, Nguyên Lê còn điên hơn”.

Cái hay cuả “Độc đạo” không chỉ vì những cá tính âm nhạc như Tùng Dương hay Nguyên Lê mà đó là điều to tát hơn, tinh thần dân tộc và sự giao thoa quốc tế thể hiện rõ. Tùng Dương không hề bị mờ nhạt, nhưng sức hấp dẫn của giọng ca quốc tế cũng khiến người ta phải trầm trồ, xuýt xoa.

Phút thăng hoa của Tùng Dương

Khi đứng chung trong các màn hát song ca, tam ca họ hòa hợp đến lạ kì, không còn danh giới phân định người Việt và người nước ngoài. Tùng Dương đã nói vui rằng: “Họ có điều Dương không có”. Nhưng ai cũng nghĩ đến vế tiếp theo đó là Tùng Dương có những điều họ cũng không có. Bởi thế mà liveshow mới thành một sản phẩm “độc” như thế.

Nguyên Lê chủ yếu khai thác các chất liệu dân gian đủ mọi vùng miền, thậm chí ngay cả giọng hát cũng chỉ được coi như một loại nhạc cụ, thì với “Độc đạo” ông lại đặt vị trí giọng hát của Dương ở vị trí trung tâm và khai thác hết sự độc đáo của giọng ca này. Dấu ấn Nguyên Lê hòa vào giọng hát Tùng Dương để tạo ra những: Giăng tơ, Chiếc khăn piêu, Bài ca trên núi, Độc đạo, Con ốc, Cuộn, Thể đơn bào…

Nghệ sĩ Nguyên Lê

Tùng Dương thể hiện lại bài Quê nhà trên bản phối của Nguyên Lê quá xuất sắc. Cảm xúc của anh trong “Độc đạo” thực sự thăng hoa, vì anh biết mình đang có được sự hỗ trợ tốt nhất từ ban nhạc và Nguyên Lê, hay vì anh quá vui với con đường mình đi đã có thêm nhiều người bạn. Họ đã tôn vinh nhau để làm nên “Độc đạo”.

Ấy không chỉ là tên một chương trình mà đó là một con đường. Người ta hoàn toàn có quyền hy vọng rằng đây có thể là dự án âm nhạc để đời của Tùng Dương, một người trẻ dám đốt lên ngọn lửa bằng trái tim bé nhỏ của mình.

Có người hoài nghi world music lạ lẫm như Nguyên Lê và kiểu quái quái của Dương không phải ai cũng nuốt trôi. Món ăn kiểu pha chế Dương - Lê, một món ăn của những nghệ sĩ có cái tôi quá lớn, cứ “một mình một ngựa” cho rằng đường đi của mình là đúng sẽ ra một món khó nhai? Nhưng không. Tiếng trầm trồ, những tràng pháo tay và những ánh mắt đắm say kia là có thật. Sự cộng hưởng trái tim âm nhạc của người diễn và người nghe đã hòa làm một. Phần trình diễn của Bài ca trên núi, Tùng Dương hát “núi chỉ có 2 người yêu…” và dừng lại, cả nghìn khán giả đã cùng hát theo “yêu Dương - Lê”.

“Độc đạo” thực sự là một đêm nhạc rất đã tai, đã mắt và độc đáo. Một chương trình đã lay động đến những góc khuất tâm hồn con người, mà đã từ lâu lắm âm nhạc Việt dường như chưa chạm tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên