Vang vọng mãi những ca khúc về Quân đội nhân dân Việt Nam
VOV.VN - Những chiến sĩ của quân đội Việt Nam anh hùng với bao chiến công chói lọi đã là nguồn đề tài vô tận cho những cảm hứng âm nhạc bay bổng.
Trong kho tàng bài hát nói chung có không ít những ca khúc viết về quân đội đã trở thành những bài hát của toàn dân. Cuộc sống và thời gian đã khẳng định giá trị văn hóa của nó. Có những bài mang sức cổ vũ mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến tình cảm của người nghe, người hát. Có khi đó chỉ là mấy câu nhạc ngắn nhưng có khả năng biến thành một “lực lượng vũ trang cách mạng”, thống nhất ý chí của mọi người cầm súng cho một mục tiêu chiến đấu cụ thể.
Ngay từ khi mới thành lập (năm 1944), quân đội ta đã xuất quân với những bài ca cách mạng. Chúng ta không thể nào quên được những bài như “Du kích ca” (Đỗ Nhuận), “Phất cờ Nam tiến” (Hoàng Văn Thái), “Tiến quân ca” (Văn Cao)…
Tiến quân ca - Văn Cao
Lực lượng vũ trang của chúng ta có một bước phát triển mới sau Cách mạng Tháng 8 để đương đầu với sự xâm lược trở lại của thực dân Pháp. Số lượng bài hát lúc đó đã nhiều hơn. Qua một số bài phổ biến những năm đầu kháng chiến chống Pháp, hình ảnh anh bộ đội tuy không rõ nét, còn phảng phất như hình ảnh một tráng sĩ ra đi vì nghĩa lớn, nhưng vẫn thể hiện sự tự hào của người dân một nước độc lập và rất đỗi thân thương.
Đó là những chiến sĩ “lạnh lùng vung gươm ra sa trường” (Chiến sĩ Việt Nam – Văn Cao), “một lần ra đi lòng có mong chi tới ngày trở về” (Đoàn Giải phóng quân – Phan Huỳnh Điểu), dù có phải “da ngựa bọc thây lòng này vẫn vui” (Cảm tử quân – Hoàng Quý). Trong rừng sâu Việt Bắc, anh bộ đội trẻ vẫn nghêu ngao hát bài “Không quân Việt Nam” hay “Hải quân Việt Nam” (Văn Cao) và mong da diết ngày trở về, mặc cho “bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa” (Ngày về - Lương Ngọc Trác, Chính Hữu)…
Thông qua cuộc kháng chiến chống Pháp, các nhạc sĩ hiểu thêm các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang. Cùng với sự trưởng thành của tác giả về các mặt nhận thức, tư tưởng, kể cả về đường lối nghệ thuật của Đảng, nhiều tác phẩm âm nhạc tốt đã ra đời, ghi lại một cách chân thật cuộc sống chiến đấu vô cùng phong phú của quân và dân ta lúc bấy giờ. Một lực lượng sáng tác trẻ hơn cũng đã bước đầu có những đóng góp tốt. Ngôn ngữ nhạc đã có một bước phát triển mới, đậm đà tính dân tộc hơn.
Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, đã để lại cho thế hệ hôm nay nhiều bài hát hay, không những có tác dụng ghi lại một cách sinh động cuộc sống chiến đấu của bộ đội ta trong những năm tháng hào hùng này, mà còn có giá trị cao về mặt sáng tạo âm nhạc trên phương hướng dân tộc và hiện đại.
Nhiều ca khúc ngày nay vẫn còn sức sống mạnh mẽ mặc dù mấy chục năm đã trôi qua như “Vì nhân dân quên mình” (Doãn Quang Khải). Bài hát được bộ đội ta chấp nhận, phổ biến rộng rãi. Nó không những là một hành khúc để duyệt binh, là nhạc hiệu quen thuộc của buổi phát thanh và truyền hình quân đội, mà còn được nhiều nhạc sĩ nước ngoài sử dụng để diễn tả khí phách bộ đội Việt Nam...
Điều thú vị là bài hát đã được đông đảo thanh niên tiến bộ ở Nhật Bản phổ biến khá rộng rãi từ nhiều năm nay, coi như một ca khúc chính trị tốt để tập hợp lực lượng tiên tiến trong các tầng lớp trẻ ở nước này. Những ngày sôi động của chiến dịch Điện Biên Phủ được ghi lại trong nhiều bài hát như “Qua miền Tây Bắc” (Nguyễn Thành), “Hò kéo pháo” (Hoàng Vân)…và nhất là chùm bài hát của Đỗ Nhuận như: “Trên đồi Him Lam”, “Hành quân xa”, “Chiến thắng Điện Biên Phủ”…
Qua miền Tây Bắc - Nguyễn Thành
Từ đầu cách mạng tháng Tám, có không ít những hành khúc được viết theo yêu cầu của sự phát triển các lực lượng vũ trang. Song, phải đến “Hành quân xa” (1954) người ta mới thấy được cụ thể một hành khúc dân tộc mới, không những có chiều sâu về mặt tình cảm của anh bộ đội, mà về mặt tìm tòi sáng tạo trong âm nhạc cũng đạt được hiệu quả cao. Có thể nói, “Hành quân xa” xứng đáng là một mốc tiêu biểu, mở đầu cho sự phát triển mới về âm nhạc sau này.
Thời kỳ chống Mỹ cứu nước đã chứng kiến một sự nở rộ vượt bậc của ca khúc Việt Nam nói chung và bài hát viết về bộ đội nói riêng. Hàng nghìn bài hát đã được viết ra trong hơn mười năm ở cả chiến trường miền Bắc cũng như miền Nam, với những đề tài hết sức phong phú. Đã có “Từ mặt đất thân yêu” (Tô Hải), “Phi đội ta xuất kích” (Tường Vi) viết về không quân nhân dân. “Lướt sóng ra khơi” (Thế Dương) viết về hải quân… Rồi công binh, thông tin, hậu cần, ra đa, tên lửa…đều đã có những bài hát mới.
Nhiều hành khúc tốt đã được phổ biến rộng rãi trong bộ đội và nhân dân như “Tiến bước dưới quân kỳ” (Doãn Nho), “Anh vẫn hành quân” (Huy Du, Trần Hữu Thung), “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” (Huy Thục), “Bước chân trên dải Trường Sơn” (Vũ Trọng Hối), “Ta là chiến sĩ Giải Phóng quân” (Văn Lưu, Triều Dâng)… Bên cạnh đó, có nhiều bài phản ánh các mặt sinh hoạt khác trong cuộc sống của bộ đội như “Điện Biên Phủ trên không” (Phạm Tuyên), “Tên lửa ta đánh rất hay” (Huy Thục), “Trường Sơn đông – Trường Sơn tây” (Hoàng Hiệp, Phạm Tiến Duật)…
Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân - Huy Thục
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975 cho tới nay, số lượng những bài hát viết về quân đội vẫn không ngừng phát triển về số lượng, trong đó một số bài hát đáng kể thuộc về phong trào sáng tác không chuyên nghiệp đang phát triển rộng khắp ở các binh chủng, quân chủng và các địa phương. Một số ca khúc của các nhạc sĩ chuyên nghiệp thời kỳ này đã có tiếng vang tốt trong nhân dân như: “Chiến đấu vì độc lập tự do” (Phạm Tuyên), “Chúng ta lên đường”, “Hình Tổ quốc trong tim” (Trọng Loan)…
Sẽ là một thiếu sót nếu không kể tới nhiều bài hát viết cho các em thiếu nhi, học sinh mẫu giáo như “Cháu yêu chú Giải phóng quân” (Vũ Thanh), “Anh phi công ơi!” (Xuân Giao), “Chú bộ đội” (Hoàng Hà)…
Chính những chiến sĩ của quân đội Việt Nam anh hùng với bao chiến công chói lọi đã là nguồn đề tài vô tận cho những cảm hứng âm nhạc bay bổng. Các anh là ngọn lửa, là ánh sáng đã chiếu rọi vào tâm hồn các nhạc sĩ, làm bật lên những tia hào quang rực rỡ để xây dựng nên tác phẩm về các anh, cho các anh. Các tác phẩm ấy nâng bước các anh và nâng cánh mọi người, đã góp những viên gạch không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng một đội quân Việt Nam hùng mạnh, trăm trận trăm thắng./.