Vì sao K-pop vẫn chưa có hạng mục đề cử riêng tại Grammy?
VOV.VN - Đề cử Grammy đầu tiên của BTS đã mang đến nhiều hy vọng cho người hâm mộ về một hạng mục giải thưởng riêng dành cho K-pop tại lễ trao giải danh giá này.
Hai năm trở lại đây, K-pop cho thấy sức ảnh hưởng toàn cầu khi các nhóm nhạc Hàn Quốc nhanh chóng tiến vào thị trường âm nhạc Anh, Mỹ. BTS, BLACKPINK,...là những nhóm nhạc có độ nhận diện cao và đạt được thành tích ấn tượng.
Vào tháng 4/2019, BLACKPINK đã trở thành nhóm nhạc nữ Hàn Quốc đầu tiên trình diễn tại lễ hội âm nhạc Coachella. Vào tháng 11/2020, ba nhóm nhạc là BTS, EXO, NCT 127 đã cùng được đề cử cho danh hiệu "Nghệ sĩ được yêu thích trên mạng xã hội" tại American Music Award.
Cùng tháng đó, BTS đã trở thành nghệ sĩ K-pop đầu tiên nhận được đề cử Grammy ở hạng mục “Màn trình diễn của bộ đôi / nhóm nhạc pop xuất sắc nhất” cho “Dynamite”. Đây cũng là bản hit giúp nhóm đạt vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100. Mới đây, nhóm đã giành được bốn giải thưởng tại Billboard Music Awards, bao gồm hạng mục "Bộ đôi/nhóm nhạc hàng đầu" lần thứ hai trong 3 năm và "Nghệ sĩ hàng đầu trên mạng xã hội" năm thứ 5 liên tiếp.
Với đề cử đầu tiên của BTS tại Grammy trong năm vừa qua, nhiều người hâm mộ của nhóm và của âm nhạc K-pop nói chung tự hỏi liệu sẽ có một hạng mục K-pop riêng trong giải thưởng Grammy hay không.
“Chỉ riêng đề cử Grammy của BTS đã là một cột mốc quan trọng đối với các nghệ sĩ và người hâm mộ K-pop,” Catherine Jiga, một người hâm mộ BTS bày tỏ. “Để giải Grammy có hạng mục riêng cho K-pop sẽ là một cơ hội tuyệt vời cho các nghệ sĩ châu Á nói chung”.
“Tôi nghĩ đó là một ý tưởng tuyệt vời,” Devin Flanagan, một người hâm mộ của BlackPink nói: “Giải thưởng là sự công nhận - không chỉ cho các nhóm nhạc hàng đầu, mà cho các nghệ sĩ ít được biết đến hơn. Tôi nghĩ đối với những người hâm mộ K-pop lâu nay, nó sẽ mang lại cảm giác tự hào. Tôi chỉ hy vọng họ sẽ không coi đó là giải thưởng phụ”.
Trên thực tế, việc bổ sung hạng mục mới tại Grammy không phải chưa có tiền lệ trong lịch sử giải thưởng này. Ngày 30/4, Grammy lần thứ 64 đã được bổ sung thêm 2 hai hạng mục mới là "Màn trình diễn âm nhạc toàn cầu xuất sắc nhất" và "Album nhạc Latin urban xuất sắc nhất". Điều này nâng tổng số hạng mục trao giải của Grammy lên con số 86.
Trước câu hỏi này, ông Bill Freimuth, Giám đốc tại Viện Hàn lâm Ghi âm cho biết sẽ khó có thể đưa K-pop vào một hạng mục riêng tại giải thưởng âm nhạc danh giá này. Theo Freimuth, cả ông và “cộng đồng” đều cảm thấy khó có thể định nghĩa âm nhạc Hàn Quốc từ nhạc pop thông thường để biện minh cho danh mục của riêng mình.
“Theo những gì tôi được biết, âm nhạc K-pop hiện đại bắt đầu vào những năm 90. Họ đã tiếp thu những thể loại âm nhạc thịnh hành vào thời điểm đó như R&B và bubblegum pop và đưa màu sắc riêng của mình vào. Chúng tôi cũng nghe được những ý kiến từ cộng đồng K-pop cho rằng âm nhạc mà họ đang tạo ra chính là nhạc pop. Một số quan điểm cho rằng đó chính là nhạc pop đến từ Hàn Quốc", ông Freimuth cho biết.
Âm nhạc Hàn Quốc rất đa dạng. Rất khó để định nghĩa nhạc Hàn Quốc bằng một nhân tố cụ thể nào trong số các ca khúc K-pop. Ví dụ, mặc dù ca khúc "Dynamite" là sản phẩm của một nhóm nhạc nam K-pop nhưng lại được thể hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh. Điều này dường như là một yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của ca khúc tại Mỹ. Thêm vào đó, ca khúc này mang nhiều đặc điểm của nhạc pop nói chung. Do đó, hoàn toàn đủ lý do để nói rằng "Dynamite" là một ca khúc nhạc pop.
Bên cạnh đó, quy tắc chung của Viện Hàn lâm để cân nhắc việc bổ sung một hạng mục là phải có đủ 100 ứng cử viên trở lên. Tuy nhiên năm qua, Viện Hàn lâm chỉ nhận được 14 hồ sơ ứng cử từ các nghệ sĩ K-pop, chiếm chưa đầy 1,5% các ứng cử trong toàn lĩnh vực nhạc pop. Với con số này, K-pop còn cách khá xa mức yêu cầu.
Freimuth cũng chỉ ra rằng quy trình để thêm một danh mục mới là "khá hình thức", đòi hỏi các đề xuất chi tiết và một số vòng phê duyệt và phê duyệt của các ủy ban và hội đồng khác nhau.
“Quy trình chung để bổ sung một hạng mục nhìn chung tương đối hình thức. Mỗi năm, Viện Hàn lâm nhận các đề xuất từ cộng đồng âm nhạc cho đến ngày 1/3. Những đề xuất này thường là đề nghị bổ sung hạng mục, diễn đạt lại hoặc định nghĩa lại một hạng mục hiện hành hay thay đổi quy trình trao giải đang có. Các đề xuất sẽ được trình lên Ủy ban Giải thưởng và Đề cử. Nếu được Ủy ban phê duyệt, đề xuất sẽ được trình lên Hội đồng Thụ ủy. Các thành viên Hội đồng sẽ bàn luận và đưa ra quyết định phê chuẩn đề xuất đó hay không", Giám đốc Viện Hàn lâm ghi âm Mỹ cho biết.
Viện Hàn lâm cũng đánh giá cao và coi trọng tài năng của các nghệ sĩ K-pop. “Chúng tôi mong muốn được nhìn thấy nhiều đại diện K-pop hơn. Chúng tôi cũng đánh giá cao việc giải thưởng Grammy có ý nghĩa quan trọng đối với các nghệ sĩ K-pop tuy nhiên có lẽ để bổ sung một hạng mục riêng cho cộng đồng này thì vẫn còn chưa đủ".
Cho đến lúc đó, K-pop sẽ được coi là một phần của hạng mục pop. Người hâm mộ có thể hy vọng là các đại diện K-pop sẽ xuất hiện nhiều hơn trong hạng mục nhạc pop và hạng mục khác của giải Grammy./.