Vì Thị Bun Chăn-người say mê tiếng hát, điệu múa truyền thống
VOV.VN - Đến bản Mường Và, xã Mường Và, thuộc huyện biên giới Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, ai cũng biết chị Vì Thị Bun Chăn, dân tộc Lào, bởi chị Chăn không chỉ là người có giọng hát Lào mượt mà, mà còn là người đang miệt mài gìn giữ, truyền dạy tiếng hát, điệu múa dân tộc Lào ở đây.
Theo nhiều người dân ở bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La: Chị Chăn có giọng hát Lào mượt mà, ngân nga nên khi chị cất tiếng hát, ai cũng muốn nghe.
Chị Chăn cho biết ngay từ hồi còn nhỏ, chị đã yêu thích tiếng hát của dân tộc mình. Và niềm đam mê ấy càng ngày càng lớn lên theo thời gian và dường như đã ăn sâu vào máu thịt của chị lúc nào không hay. “Ngay từ tuổi 12, tôi đã học hát, học múa ở bậc cha ông, và ngấm vào trong máu mình cho đến tận bây giờ. Mình thích hát, thích múa, nên cũng có cơ hội được đi nhiều nơi, hát múa nhiều bản, nhiều mường”- Chị Chăn chia sẻ.
Cũng theo chị Vì Thị Bun Chăn đặc thù của hát Lào là phải có người thổi khèn đệm hát mới hay, mới luyến láy đúng nhịp điệu được. Cái khó nữa là, hầu hết các nghệ nhân sáng tác bài hát đều là người Thái. Tuy nhiên, từ sự học hỏi rèn rũa, bản thân chị có thể hát tốt cả tiếng Thái và tiếng Lào. Vì thế, ngoài một số bài hát do chính chị sáng tác bằng tiếng Lào, thì chị lại dành nhiều thời gian, miệt mài viết lại, dịch thuật nội dung những bài hát Thái ra tiếng Lào để hát và truyền dạy cho nhiều người khác bằng tiếng Lào mà vẫn đúng với nội dung bài hát.
Dù bận rộn với công việc ruộng nương, việc nhà nhưng chị Vì Thị Bun Chăn vẫn hăng hái tham gia đội văn nghệ bản. Chị cùng đội văn nghệ tham gia hát, múa mỗi dịp vui bản, vui mường, mừng nhà mới, mừng Tết khảu hó của dân tộc Lào, tết nguyên đán của dân tộc, hay các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng trong và ngoài tỉnh, cũng như tham gia giao lưu văn nghệ tại một số huyện của các tỉnh Bắc Lào. Ngoài ra, mỗi khi các trường học trên địa bàn, hoặc các bản khác trong xã có hội thi, hội diễn văn nghệ, thường mời chị đến dạy, dàn dựng cho các tiết mục hát, múa Lào. “ Phong tục, tập quán, văn hoá của người Lào mình sẽ không để bị mai một, không thể bỏ được truyền thống của dân tộc Lào. Chính vì vậy, tôi sẽ tiếp tục truyền dạy cho con cháu về sau, làm thế nào để có truyền thống hát Lào ở bản mường mình.”, Chị Vì Thị Bun Chăn tâm sự.
Điều chị Vì Thị Bun Chăn rất trăn trở là hiện nay trên địa bàn xã những người biết hát tiếng Lào như chị không còn nhiều. Bên cạnh đó, các bà, các mẹ đều đã tuổi cao, trong khi thế hệ trẻ thì lại không mấy ai đam mê theo học hát. Vì thế, bản thân chị Chăn năm nay cũng đã tuổi 50 rồi, nhưng lúc nào chị cũng sẵn lòng dạy hát, dạy múa cho những người yêu thích văn hoá, văn nghệ, quyết tâm trong việc duy trì tiếng hát, điệu múa đặc trưng của dân tộc Lào ở Mường Và. “ Chúng tôi là thế hệ trẻ, từ trước đến nay cũng chưa biết hát, mà hát Lào lại khó hát, nên từ khi được bác Bun Chăn dạy hát, dạy múa, uốn nắn cho từng bài. Chính vì vậy, chúng tôi giờ cũng đã biết hát, biết múa phục vụ bản mường và để chúng tôi tiếp tục truyền dạy cho lớp con cháu mai sau, để tiếng hát dân tộc Lào Mường Và không bị mai một”, Chị Lò Thị Thuỷ, dân tộc Lào, một trong những người trẻ trong bản Mường Và được chị Vì Thị Bun Chăn truyền dạy hát, múa dân tộc Lào cho biết.
Nhờ đóng góp tích cực của chị Vì Thị Bun Chăn và một số hạt nhân văn hóa nòng cốt, bản Mường Và nhiều năm nay duy trì rất tốt hoạt động của 02 đội văn nghệ trung tuổi và cao tuổi. Từ đó, bản sắc văn hóa dân tộc Thái và dân tộc Lào - 2 dân tộc chiếm đa số trên địa bàn được phát huy đậm nét; góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội; đảm bảo an ninh biên giới. Bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cho biết: “Huyện cũng đã có kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng ở bản Mường Và, xã Mường Và. Thông qua phát triển du lịch cộng đồng thì chúng tôi sẽ khai thác, phát huy tiềm năng, giá trị văn hoá của hai dân tộc Thái và Lào. Động viên và khuyến khích các nghệ nhân dân gian sáng tác, mở các lớp bồi dưỡng, truyền dạy cho thế hệ sau về các giá trị truyền thống văn hoá”.
Tâm huyết với văn hoá dân tộc, chị Vì Thị Bun Chăn đang cùng bà con người Thái, người Lào Mường Và góp phần tô thắm, vun đắp thêm tình đoàn kết hữu nghị Việt –Lào nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc./.