VOV dàn dựng Quốc ca Việt Nam công phu với trình độ nghệ thuật cao
VOV.VN - Đài Tiếng nói Việt Nam tự hào vì đã thực hiện được một bản ghi Quốc ca từ năm 1998 được đầu tư nghệ thuật công phu với nòng cốt là dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc hợp xướng, được thu âm tại phòng thu hiện đại nhất lúc bấy giờ.
Từ năm 1998, Đài Tiếng nói Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ phối khí, dàn dựng, thu thanh bốn bài chính ca là: Quốc thiều, Quốc ca, Lãnh tụ ca và Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam. Các bản chính ca này được dàn dựng một cách công phu với trình độ nghệ thuật cao do các nhạc sĩ như Đỗ Hồng Quân, Cao Việt Bách, Trọng Đài, Hoàng Lương… phối khí, do dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng Đài Tiếng nói Việt Nam trình bày.
Các bài chính ca này đã được Ban Tuyên giáo Trung ương duyệt và cho phép phát hành trong cả nước và yêu cầu sử dụng chính thức trong các nghi lễ trọng thể của Đảng, Nhà nước, các địa phương, đoàn thể như: Các buổi lễ mít tinh, Đại hội Đảng, các đại hội đoàn thể, các sự kiện có chào cờ…
Riêng bài hát “Tiến quân ca” (Quốc ca Việt Nam) của nhạc sĩ Văn Cao do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phối khí và dàn dựng, được thu âm thành Quốc thiều và Quốc ca, hiện lưu trữ tại Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình của VOV.
Nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên Tổng Giám đốc VOV chia sẻ: “Năm 1998, trên cương vị Tổng Giám đốc Đài TNVN, tôi nhận thấy bản ghi âm Quốc ca của Đài TNVN đã cũ, không còn phù hợp với sự phát triển và nhu cầu của xã hội. Kỹ thuật âm thanh cũng đã phát triển hơn, phòng thu của Đài cũng đã hiện đại hơn trước rất nhiều, có thể sản xuất ra những bài mang chất lượng âm thanh cao. Vì đó, tôi nêu ra ý kiến, cần phải tiến hành ghi âm lại bài ‘Tiến quân ca’ của nhạc sĩ Văn Cao.
Lãnh đạo đài nhất trí, nhưng thu lại Quốc ca là việc hệ trọng nên tôi có gửi công văn cho Ban Tuyên giáo Trung ương (hồi đó là Ban Tuyên huấn Trung ương), báo cáo Ban bí thư. Đài chủ trương ghi âm lại Quốc ca với tinh thần hùng tráng, thiêng liêng, hiện đại, bắt kịp với xu thế hội nhập mở cửa của đất nước trong thời kỳ tiến hành hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Chủ trương này được Ban Tuyên giáo Trung ương đồng ý.
Tôi chỉ đạo giao cho nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và đề nghị mời thêm một số nhạc sĩ có tên tuổi họp bàn với lãnh đạo Đài để xem thu âm Quốc ca như nào. Cuộc họp đó có cả nhạc sĩ Trần Hoàn, thời kỳ đó là Phó Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện Bộ Văn hóa-Thông tin; nhạc sĩ Trọng Bằng, Chỉ huy dàn nhạc giao hưởng quốc gia; nhạc sĩ Cao Việt Bách, Chỉ huy dàn nhạc Đài TNVN và một số nhạc sĩ khác.
Cuộc họp đã thống nhất sẽ viết lại bản phối hiện đại, hùng tráng hơn. Không chỉ có phần nhạc mà còn có phần hát, giao Dàn nhạc và hợp xướng Đài TNVN và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam tiến hành ghi âm tại phòng thu hiện đại nhất của Đài.
Sau khi dàn dựng xong, một Hội đồng được thành lập ra để tiếp tục nghe, góp ý cho bản ghi âm rất cẩn thận mới ra được sản phẩm cuối cùng. Đài TNVN đã gửi bản ghi này đến Ban Tuyên giáo Trung ương và được duyệt để dùng chính thức, thống nhất trong các nghi lễ của tất cả các cơ quan của Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Đài TNVN cũng đã chủ động in rất nhiều đĩa để gửi cho những đơn vị có nhu cầu sử dụng”.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (hiện là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam) là người trực tiếp chỉ huy dàn nhạc và giao hưởng thu âm bài “Tiến quân ca” năm đó. Ông vẫn còn giữ nguyên cảm xúc, niềm vinh dự và tự hào khi thực hiện được một bản Quốc ca chuẩn chỉnh. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định: “Tôi rất vinh dự khi được giao nhiệm vụ phối khí, dàn dựng tác phẩm Quốc ca với tổ chức dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng lớn. Bản Quốc ca được dàn dựng công phu với trình độ nghệ thuật cao”.
Nhạc sĩ Doãn Nguyên cũng là một trong những thành viên tham gia trực tiếp vào quá trình thu âm bốn bản nhạc nghi lễ. Ông tự hào và coi đây là bản ghi thành công nhất bởi đó đều là những tác phẩm được đầu tư nghệ thuật chỉn chu và nghiêm túc.
“Với nòng cốt là dàn nhạc và hợp xướng của Đài TNVN, có mời thêm một số nhạc công và hợp xướng viên của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch thu âm tại phòng thu lịch sử - phòng thu M ở 58 Quán Sứ, Hà Nội. Không chỉ cá nhân tôi mà giới chuyên môn cũng nhận xét, đây là bộ nhạc lễ quy chuẩn, chính quy, đúng nghĩa là bộ nhạc lễ chơi với một dàn hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng khoảng độ gần 100 nhạc công” – nhạc sĩ Doãn Nguyên chia sẻ.
Trong những ngày gần đây, vụ việc "tắt tiếng" Quốc ca đã gây bức xúc trong dư luận. Từ đó nổi lên vấn đề, cần phải có một bản ghi Quốc ca chính thức để cho tất cả mọi người dân của nước Việt Nam được sử dụng miễn phí.
VOV sẵn sàng chia sẻ bản quyền Quốc ca và các tác phẩm nhạc nghi lễ với công chúng trong nước và quốc tế trên mọi nền tảng, với trách nhiệm là một cơ quan báo chí quốc gia và có bề dày về hoạt động báo chí cũng như văn hóa.
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc VOV nhấn mạnh: "Với trách nhiệm là một cơ quan báo chí quốc gia có bề dày hoạt động về truyền thông, văn hóa, Đài Tiếng nói Việt Nam cảm thấy có trách nhiệm trong việc phổ biến những sản phẩm âm nhạc chính thống đến với công chúng.
Đài Tiếng nói Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các tổ chức cá nhân để công bố, cho sử dụng rộng rãi sản phẩm thuộc bản quyền Đài Tiếng nói Việt Nam đến với công chúng cả nước và quốc tế trên mọi nền tảng".
Với sứ mệnh của mình, Đài TNVN hiện đang gìn giữ và khai thác một kho lưu trữ về âm thanh quý nhất và lớn nhất Việt Nam mà không một cơ quan nào có được./.