Xu hướng phát triển của K-pop 2022: Xâm chiếm Billboard, gia tăng thực tế ảo

VOV.VN - Với việc K-pop đang ngày càng trở nên bão hòa, việc các nhóm nhạc mới tìm cách khẳng định vị trí đứng không hề đơn giản. Chưa kể xu hướng công nghệ thực tế ảo tạo ra các ca sĩ ảo dần xâm chiếm thị trường một cách mạnh mẽ, cản trở sự phát triển của các nhóm nhạc mới.

Tiếp cận Billboard trước rồi mới quay về thị trường Hàn Quốc

Sống sót trong ngành công nghiệp K-pop đầy sự cạnh tranh không phải là dễ dàng. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong những năm gần đây, khi thị trường K-pop dần đạt đến sự bão hòa. Mỗi năm, có khoảng 50 đến 100 nhóm nhạc mới được ra mắt.

Jeff Benjamin, một nhà báo chuyên mục K-pop tại Billboard, chỉ ra rằng sự bão hòa này một phần bắt nguồn từ việc thiếu các chiến lược độc đáo để ngay lập tức khiến các nhóm nhạc mới tạo được dấu ấn. Trong khi nhiều công ty sử dụng các chiến lược phù hợp để thu hút khán giả bằng cách tận dụng các phương tiện truyền thông xã hội, các nền tảng trực tuyến thì nhiều công ty vẫn đi theo cách truyền thống, tập trung vào chất lượng các nhóm nhạc và dần mê hoặc khán giả bởi bản sắc của chính họ. Song, không có nhiều nhóm nhạc mới chen chân được vào thị trường vốn đã đông đúc và thừa sự độc đáo.

Jeff Benjamin nói: “Trong vũ trụ K-pop, những chiến lược giống nhau đang được sử dụng lặp đi lặp lại. Nó đã trở nên quá mệt mỏi với người hâm mộ và cuối cùng không giúp ích được gì cho bất kỳ nghệ sĩ nào tạo dấu ấn trong bức tranh nghệ thuật lớn. Tôi nghĩ rằng việc hợp tác với các đối tác phù hợp sẽ mang lại hiệu quả lớn, bù lại các công ty sẽ phải trả trước một khoản phí lớn để đầu tư".

Theo Gaon Chart, doanh số của 400 album K-pop phổ biến nhất trên toàn thế giới đã ghi nhận một bước nhảy vọt ổn định kể từ năm 2015. Năm 2015, 8,4 triệu album được bán ra. Đến 2019, số lượng đã tăng gần như gấp 3, đạt mốc 24,6 triệu. Năm 2021, hơn 54,6 triệu bản đã được bán từ tháng 1 đến tháng 11 - tăng gần gấp đôi so với năm 2019, trong đó 60% doanh số bán hàng đến từ nước ngoài.

Nhà nghiên cứu Kim Jin Woo tại Viện Nghệ thuật Seoul giải thích: “Đây là minh chứng cho việc người hâm mộ K-pop đang dần mở rộng ra toàn cầu. Những người yêu thích K-pop không chỉ mua những album mới nhất của các ngôi sao yêu thích của họ mà còn mua cả những album cũ”.

Nhà nghiên cứu Kim Jin Woo khuyên những nghệ sĩ mới nên nhắm mục tiêu vào bảng xếp hạng Billboard trước, giải thích lý do tại sao việc thống trị các bảng xếp hạng của Mỹ trở nên dễ dàng hơn: “Quy mô thị trường album vật lý ở Mỹ đã bị thu hẹp trong những năm qua, hầu hết mọi người đều đổ xô vào các nền tảng phát trực tuyến. Điều này ngụ ý rằng rào cản gia nhập bảng xếp hạng album chính của Billboard đã trở nên thấp hơn đối với các ngôi sao K-pop.

Trên thực tế, năm ngoái, tổng số album vật lý tiêu thụ ở Hàn Quốc là 42 triệu, nhưng ở Mỹ, con số này là khoảng 31 triệu. Điều này có nghĩa là việc đứng đầu bảng xếp hạng album Billboard 200 không còn quá khắt khe như trước đây. Một khi các ngôi sao K-pop thành công trong việc đạt được một số thành tích ở Mỹ, họ cũng sẽ có thể đạt được hiệu ứng hào quang ở Hàn Quốc”, Kim Jin Woo nói.

Kim Jin Woo chỉ ra nhóm nhạc nam ATEEZ là một ví dụ điển hình: "8 thành viên đã thu hút được người hâm mộ quốc tế và sau đó họ tăng độ nhận diện ở thị trường trong nước bằng cách hợp tác với ca sĩ nổi tiếng Kim Jong Kook. Đây là một chiến lược tiếp thị thông minh để phục vụ hai mục tiêu. Trong tương lai, tôi nghĩ nhiều nhóm nhạc cũng sẽ nỗ lực vươn ra toàn cầu trước rồi mới quay lại thị trường Hàn Quốc”.

Ngoài ra, việc K-pop đang dần mở rộng ra toàn cầu đã tạo ra sự cân bằng hơn giữa các nghệ sĩ thuộc công ty nhỏ và công ty lớn. Lee Gyu Tag, giáo sư tại Đại học George Mason Hàn Quốc cho biết: "Trước đây, khi tất cả các ca sĩ đều cạnh tranh ở thị trường trong nước, những ca sĩ đến từ các công ty nhỏ không có đủ chỗ đứng để tạo dựng sự nghiệp vì hầu hết các nền tảng đều bị chi phối bởi các hãng lớn. Nhưng ngày nay, nhờ sự phát triển của các nền tảng toàn cầu như YouTube và Twitter, họ sẽ dễ dàng đến với công chúng quốc tế hơn”.

Sự gia tăng của ca sĩ kiêm nhạc sĩ, tương tác nhiều hơn với thực tế ảo

Một trong những xu hướng K-pop mà người hâm mộ chứng kiến đó là sự gia tăng của các ca sĩ kiêm nhạc sĩ. “Chúng tôi sẽ có thể nhận ra rằng có nhiều phong cách âm nhạc đa dạng hơn, khi các ca sĩ K-pop trở nên sáng tạo hơn với âm nhạc của họ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng nhiều ca sĩ kiêm nhạc sĩ hơn có thể sẽ đạt được sức hút toàn cầu trong thời gian tới”.

Bên cạnh đó, vai trò của các công nghệ tiên tiến, chẳng hạn như thực tế ảo (VR) và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng có khả năng mở rộng, thúc đẩy quá trình toàn cầu hoá K-pop.

Trên thực tế, đại dịch COVID-19 kéo dài đã kích hoạt ngành công nghiệp K-pop lao vào lĩnh vực VR, nơi các ca sĩ có thể tương tác với người hâm mộ mà không cần gặp mặt trực tiếp. Các buổi hòa nhạc trực tuyến được trang bị công nghệ truyền thông tiên tiến là một ví dụ như vậy.

"Nhóm nhạc nữ aespa - bao gồm 8 thành viên (4 người thật và 4 người ảo) cho chúng tôi cái nhìn sâu sắc thú vị về cách K-pop có thể trở nên đa chiều hơn. Nhiều nghệ sĩ K-pop hiện đang sử dụng một số loại nhân vật hoạt hình - chẳng hạn như BT21 của BTS, Lovelys của TWICE và TRUZ của TREASURE. Chúng ta sẽ tìm ra những cách để tận dụng tài năng của các nghệ sĩ mà không cần họ phải xuất hiện trực tiếp thông qua công nghệ kỹ thuật số” - Jeff Benjamin nói.

Biên tập viên Edward Leary giải thích thêm: "Với sự dẫn dắt của các buổi hòa nhạc trực tuyến mở ra một hình thức mới về cách chúng ta giải trí, sẽ đến lúc các thần tượng ảo là những người duy nhất còn lại trên sân khấu. Nhu cầu tương tác của con người sẽ ngăn cản AI thống trị, nhưng các nhóm ảo như ETERNITY và các buổi hòa nhạc như thần tượng Vocaloid nổi tiếng của Nhật Bản Hatsune Miku tổ chức đã thúc đẩy ý tưởng này trở thành hiện thực"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

K-pop có mất bản sắc khi nghệ sĩ đua nhau phát hành ca khúc tiếng Anh?
K-pop có mất bản sắc khi nghệ sĩ đua nhau phát hành ca khúc tiếng Anh?

VOV.VN - Phát hành ca khúc bằng tiếng Anh là con đường nhiều nghệ sĩ K-pop lựa chọn để vươn ra toàn cầu. Tuy nhiên điều này lại đặt ra vấn đề rằng một bài hát có còn là K-pop khi không được viết bằng tiếng Hàn?

K-pop có mất bản sắc khi nghệ sĩ đua nhau phát hành ca khúc tiếng Anh?

K-pop có mất bản sắc khi nghệ sĩ đua nhau phát hành ca khúc tiếng Anh?

VOV.VN - Phát hành ca khúc bằng tiếng Anh là con đường nhiều nghệ sĩ K-pop lựa chọn để vươn ra toàn cầu. Tuy nhiên điều này lại đặt ra vấn đề rằng một bài hát có còn là K-pop khi không được viết bằng tiếng Hàn?

Hết thời, cựu thần tượng K-pop chia sẻ nghẹn ngào: “Sẽ vẫn đi hát nếu có kiếp sau”
Hết thời, cựu thần tượng K-pop chia sẻ nghẹn ngào: “Sẽ vẫn đi hát nếu có kiếp sau”

VOV.VN - Phải rời nhóm ngay trong thời kỳ đỉnh cao, Ryu Sera – cựu trưởng nhóm 9MUSES vừa có chia sẻ xúc động về quãng thời gian khó khăn và sự khắc nghiệt của ngành giải trí Hàn Quốc.

Hết thời, cựu thần tượng K-pop chia sẻ nghẹn ngào: “Sẽ vẫn đi hát nếu có kiếp sau”

Hết thời, cựu thần tượng K-pop chia sẻ nghẹn ngào: “Sẽ vẫn đi hát nếu có kiếp sau”

VOV.VN - Phải rời nhóm ngay trong thời kỳ đỉnh cao, Ryu Sera – cựu trưởng nhóm 9MUSES vừa có chia sẻ xúc động về quãng thời gian khó khăn và sự khắc nghiệt của ngành giải trí Hàn Quốc.

2022 sẽ là năm của BTS và K-pop tại giải thưởng Grammy?
2022 sẽ là năm của BTS và K-pop tại giải thưởng Grammy?

VOV.VN - K-Pop tiếp tục chứng tỏ là một trong những thể loại âm nhạc được yêu thích trên toàn cầu bất chấp những rào cản về ngôn ngữ. Và đến lúc các nghệ sĩ định hình văn hóa, thành công lớn của thể loại này, được công nhận với các đề cử Grammy danh giá. 

2022 sẽ là năm của BTS và K-pop tại giải thưởng Grammy?

2022 sẽ là năm của BTS và K-pop tại giải thưởng Grammy?

VOV.VN - K-Pop tiếp tục chứng tỏ là một trong những thể loại âm nhạc được yêu thích trên toàn cầu bất chấp những rào cản về ngôn ngữ. Và đến lúc các nghệ sĩ định hình văn hóa, thành công lớn của thể loại này, được công nhận với các đề cử Grammy danh giá.