Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu nằm tại xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 10km. Nằm trên trục đường chính trên tuyến du lịch ATK Định Hóa, Bắc Kạn, Cao Bằng nên làng nghề bánh chưng Bờ Đậu là điểm dừng chân quen thuộc của du khách.

Bà Nguyễn Bích Liên – Trưởng Ban quản lý Làng nghề bánh chưng xóm 9 Bờ Đậu cho biết, bánh chưng Bờ Đậu mà “hàng chuẩn” thì phải sử dụng từ nguyên liệu sạch, rõ nguồn gốc.

Nguyên liệu làm bánh Bờ Đậu là gạo nếp vải ở xã Ôn Lương, huyện Phú Lương hoặc từ Định Hóa, là những nơi thổ nhưỡng rất phù hợp với cây lúa nếp. Gạo không ngâm lâu mà chỉ cần vo và gói luôn. Đỗ phải chọn loại vàng tươi, đãi sạch vỏ, nấu chín rồi đánh nhuyễn.

Thịt lợn ba chỉ cũng lấy tại địa phương, chỉ chọn loại tươi ngon. Thịt được rửa sạch dưới vòi nước lạnh, trần se đều rồi thái thành miếng. Mỗi chiếc bánh chứa khoảng hơn 1 lạng thịt, xen lẫn mỡ, nạc để bánh ngon và dễ ăn. Nguyên liệu thịt, gạo, đỗ đều được tính toán bằng cân để có tỉ lệ hợp lý.

Lá dong để gói bánh cũng được lựa chọn kỹ càng từ Bắc Kạn, lá bánh tẻ thì để gói gạo, lá xanh đẹp thì gói bên ngoài để có hình thức bắt mắt hơn, chiếc bánh có hình, có cạnh. Bánh chưng Bờ Đậu dùng lạt giang; lạt nhựa bị cấm sử dụng vì không đảm bảo vệ sinh. Sau khi gói, bánh được luộc trong nồi từ 10 – 11 tiếng. Nước luộc bánh được lấy ở nguồn tự nhiên chảy từ núi Sơn Cẩm, để khi ra lò bánh có màu xanh đẹp mắt.

Nguyên liệu, quy trình chặt chẽ là vậy, nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Điểm độc đáo nhất của bánh chưng Bờ Đậu là kỹ thuật gói bánh hoàn toàn bằng tay, thay vì dùng khuôn như nhiều nơi khác. Lý giải về kỹ thuật này, bà Liên cho biết: Việc dùng tay gói bánh sẽ giúp chiếc bánh “chặt” hơn, để sau khi luộc sẽ được "rền bánh", hạt gạo chín đều cả nhân. Chiếc bánh chưng không bị rời, nhão nên vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng.

Ngoài ra, việc duy trì kỹ thuật gói tay cũng là cách người dân lưu giữ truyền thống từ xa xưa. Mỗi chiếc bánh được gói cẩn thận bằng tay cũng thể hiện thành ý của người làm bánh. Vì bánh chưng mang ý nghĩa tâm linh đặc biệt trong mâm cỗ Tết, người nông dân mang những nguyên liệu dân dã nhưng ngon, sạch nhất để dâng cúng tổ tiên.

Người dân làng Bờ Đậu đã gói bánh chưng từ hàng chục năm qua, vừa để lưu giữ truyền thống, vừa có thêm nguồn thu nhập và giải quyết lao động dư thừa tại địa phương.

Qua nhiều năm, nghề bánh chưng dần trở thành ngành kinh tế quan trọng tại địa phương. Bà Nguyễn Bích Liên cho biết, nhiều ngôi nhà cấp 4 đã trở thành nhà cao tầng từ việc bán bánh chưng. Thu nhập bình quân của một người làm nghề bán bánh chưng khoảng 6 triệu/tháng.

Bánh chưng Bờ Đậu bày bán quanh năm, mùa hè hàng bán chậm vì bánh không bảo quản được lâu. Bù lại, dịp gần tết có những ngày cả làng nghề gói hơn 1 vạn bánh, nhiều nhà không có đủ hàng để cung cấp cho khách. Nhiều hộ dân bán được 5 vạn bánh trong dịp Tết, gửi sản phẩm đến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, những ngày giáp tết không khí ở làng bờ Đậu như ngày hội. Dân làng từ già, trẻ, gái, trai đều tham gia gói bánh, mỗi người mỗi việc, trẻ em được nghỉ học thì phụ giúp ông bà, cha mẹ. Nghề làm bánh chưng trở thành một nét văn hóa quen thuộc, gia tăng sức cố kết của gia đình và cộng đồng.

Ông Nguyễn Xuân Sách, sinh năm 1938, kể lại: "Cứ vào gần tết, xóm làng nhộn nhịp như ngày hội. Bếp đỏ lửa, đèn sáng trưng nên đêm cũng như ngày. Cả làng thơm mùi gạo và mùi lá dong đặc trưng. Mỗi người một công đoạn, thay nhau thức đêm làm việc, có nhiều khi ngủ thiếp đi trên bàn gói bánh. Đến mùng 1, mùng 2 tết, đường phố im lìm trở lại vì mọi người đều đi ngủ hết".

Tại cơ sở làm bánh chưng Hòa Thủy, không khí lao động vô cùng nhộn nhịp, khẩn trương. Anh Nguyễn Văn Hòa - chủ cơ sở cho biết: "Chưa đầy 1 phút là gói xong một chiếc bánh. Người rửa lá, người vo gạo, người nặn đỗ, người gói nhân, người gói vỏ, người buộc lạt…" Vợ anh – chị Nông Thị Thủy chia sẻ, việc gói bánh khá đơn giản, tuy nhiên để chiếc bánh ngon, hợp khẩu vị thì đích thân chị phải tẩm ướp, nêm gia vị. Việc này đòi hỏi kinh nghiệm, học hỏi và quan trọng nhất là tâm huyết với nghề.

Những năm gần đây, làng nghề bánh chưng Bờ Đậu được biết đến nhiều hơn nhờ các đoàn khách du lịch. "Vì nằm gần đường quốc lộ nên hầu như xe du lịch nào đi qua cũng dừng lại để mua bánh chưng Bờ Đậu. Sắp tới, tôi muốn đón du khách đến trải nghiệm làm bánh chưng cùng gia đình" - anh Nguyễn Văn Hòa chia sẻ về kế hoạch sửa sang nhà cửa, mở rộng không gian để đón các đoàn khách trong thời gian tới. Thu nhập từ khách du lịch sẽ giúp gia đình anh cũng như nhiều hộ dân trong làng giảm bớt tính mùa vụ của nghề bánh chưng.

Để du khách yên tâm đến với bánh chưng Bờ Đậu, Ban quản lý Làng nghề yêu cầu các hộ thành viên phải đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời khuyến khích mang sản phẩm đi kiểm định, công bố, dán tem truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, có khoảng 40% hộ dân đã tự kiểm định, công bố sản phẩm và dán tem có mã QR. Ban quản lý cùng UBND xã, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Cổ Lũng cùng tham gia quản lý thương hiệu, kiểm tra chất lượng sản phẩm bánh chưng.

Chia sẻ về kế hoạch trong năm 2021, bà Nguyễn Bích Liên cho biết: Làng nghề đang tiến tới thành lập hợp tác xã, đăng ký sản phẩm OCOP để mở rộng thị trường, tìm kiếm thêm đầu ra cho bánh chưng. Để thu hút du khách, làng nghề sẽ lên kế hoạch tổ chức các cuộc thi, ngày hội bánh chưng, xây dựng gian hàng quảng bá sản phẩm và kết nối với doanh nghiệp du lịch, để bánh chưng Bờ Đậu trở thành điểm dừng chân cố định trong các hành trình du lịch./.

Thứ Sáu, 06:00, 29/01/2021