Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào Khmer
VOV.VN - Sáng nay 19/9, UBMTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ, Học viện Chính trị khu vực 4, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tổ chức Hội thảo khoa học về “giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, “tạo sinh kế” bền vững cho người nghèo và đồng bào Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện có trên 220 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số ở 9/13 tỉnh, thành phố. Riêng đồng bào Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số, cư trú tập trung chủ yếu ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang… Các chính sách dân tộc được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện; trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, dự án khác triển khai trong vùng dân tộc đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer.
Văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ nổi tiếng với nghệ thuật múa như Rămvông, Lămleo, Saravan… Cùng với đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh, đồng bào Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bảo tồn được hệ thống kiến trúc chùa Phật giáo Nam Tông. Đây vừa là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng và là nơi lưu giữ, lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Việc phát triển sinh kế, cải thiện đời sống người dân gắn với nét đẹp văn hóa phum, sóc tạo nên giá trị để phát triển du lịch cho đồng bào Khmer. Những thế mạnh này đã trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, “tạo sinh kế” bền vững cho đồng bào. Các chính sách dân tộc, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy hiệu quả tích cực, như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chính sách bảo đảm an sinh xã hội.
Mặc dù kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer đã có bước phát triển mạnh trong những năm qua, nhưng đời sống đồng bào Khmer hiện vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ. Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Trung Nhân - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ mong muốn nhận được những ý kiến, những sáng kiến hay của các nhà khoa học, nhà quản lý để các địa phương cũng như thành phố Cần Thơ thực hiện có hiệu quả hơn chính sách dân tộc của Đảng, nhằm nâng cao hơn nữa đời sống đồng bào Khmer ngày càng khấm khá hơn.
Ông Nguyễn Trung Nhân cho biết: "Giải pháp thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vận động các nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án, kế hoạch tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc Khmer. Đó là một trong những mục tiêu lớn mà hội thảo hướng đến. Ban tổ chức mong muốn các đại biểu nhận định đánh giá đề xuất để nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu đó".