Chỉ một lần “vạ miệng” trên mạng xã hội, nghệ sĩ có thể mất tất cả
VOV.VN - “Để xây dựng hình ảnh, người nghệ sỹ đã phải bỏ ra rất nhiều công sức tập luyện, biểu diễn. Có được vị trí trong lòng người hâm mộ cần rất nhiều thời gian thế nhưng chỉ cần một lần "vạ miệng" là công sức bao năm sẽ bị mất đi”.
Nghệ sĩ “vạ miệng” là mất mát cho nền nghệ thuật nước nhà
Khi xã hội ngày càng phát triển, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã ảnh hưởng rộng rãi đến mọi mặt của đời sống thì khái niệm "không gian mạng", "không gian ảo" ngày càng quen thuộc với mọi người, đặc biệt là với giới nghệ sĩ.
Một mặt, không gian mạng này tạo điều kiện cho nghệ sĩ có thể giao lưu, tương tác nhiều hơn khán giả; là nơi để quảng bá sản phẩm hay những dự án nghệ thuật của mình; cập nhật những khoảnh khắc đời thường trong cuộc sống hay bày tỏ quan điểm cá nhân của nghệ sĩ. Mặt khác, không gian ảo này lại trở thành một "con dao hai lưỡi", có thể hủy hoại sự nghiệp của nghệ sĩ chỉ bởi một phát ngôn thiếu kiểm soát, lệch chuẩn, thậm chí là thô tục.
Trong thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ có những phát ngôn, bình luận thiếu chuẩn mực, thậm chí là thiếu văn hóa, công kích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Điển hình như vụ việc của NSƯT Đức Hải. Theo đó, tài khoản có gắn dấu tick xanh (xác nhận là tài khoản chính chủ) của NSƯT Đức Hải trên Facebook đã đăng tải bài viết công kích cá nhân có sử dụng một số từ ngữ tục tĩu khiến người hâm mộ vô cùng thất vọng.
Ngay sau đó, NSƯT bị miễn nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn. Dù Đức Hải giải thích bài viết trên là con nuôi của anh đăng tải, không liên quan đến nghệ sĩ nhưng hình ảnh của anh đã bị tổn hại nặng nề. Nhiều người vẫn chỉ trích vì nghệ sĩ phải có trách nhiệm bảo quản tài khoản của mình và mọi phát ngôn trên mạng đều có sức ảnh hưởng đến công chúng.
Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành, để xây dựng hình ảnh, người nghệ sĩ đã phải bỏ ra rất nhiều công sức tập luyện, biểu diễn. Có được vị trí trong lòng người hâm mộ cần rất nhiều thời gian thế nhưng chỉ cần một lần "vạ miệng" là công sức bao năm sẽ bị mất đi.
“Đó là một mất mát với nghệ sĩ nhưng có thể cũng là một mất mát cho làng nghệ thuật nước nhà. Nổi tiếng dễ đi đôi với tai tiếng nhưng nhất quyết không nên dùng tai tiếng để nổi tiếng vì cái được là trước mắt, cái mất là lâu dài. Không làm chủ được cách hành xử của mình có thể làm mất đi công sức bao năm gây dựng của người nghệ sĩ”, ông Thành nói.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành cũng cho rằng: “Điều này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm những quy tắc ứng xử thông thường trong cuộc sống hàng ngày. Nên nhớ mọi vi phạm đều sẽ bị xử lý, nếu không phải là do pháp luật thì cũng sẽ là sự "trừng phạt" của dư luận xã hội”.
Nghệ sĩ hãy sống theo những chuẩn mực của xã hội
Không riêng gì NSƯT Đức Hải, có thể kể đến hàng loạt nghệ sĩ từng có những phát ngôn lệch chuẩn, thiếu lịch sự trên mạng xã hội như Hiệp Gà, Duy Mạnh, Trang Trần, Đàm Vĩnh Hưng...
Mạng xã hội là một "thế giới thu nhỏ", ai cũng có quyền bày tỏ những tâm tư, những câu chuyện cá nhân. Tuy nhiên, với nghệ sĩ thì đặc biệt hơn khi họ có hàng trăm nghìn, hàng triệu người theo dõi trên trang cá nhân. Mỗi câu nói, hành động của nghệ sĩ có sức ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với những người bình thường. Chỉ một bình luận, một bài viết cũng đủ sức gây ồn ào dư luận rất nhiều ngày trời.
Đặc biệt hơn, trong số những người theo dõi này có thể có trẻ em, trẻ vị thành niên và những hành động của nghệ sĩ có thể ảnh hưởng đến đối tượng này mạnh mẽ hơn. Đã có trường hợp, người hâm mộ bị kích động khi thần tượng của mình bị động chạm. Những cuộc khẩu chiến trên mạng có thể kéo ra ngoài đời thực và trở thành những cuộc bạo lực của người hâm mộ nhân danh thần tượng. Những khán giả nhỏ tuổi có khi lại học theo cách ứng xử đó một cách mù quáng.
Với riêng nghệ sĩ, các cuộc khẩu chiến qua luôn khiến sự việc tồi tệ chứ chưa bao giờ tốt đẹp hơn. Có thể dễ dàng thấy hậu quả của việc này là hình ảnh nghệ sĩ trong mắt người hâm mộ bị sụp đổ, trở thành trò cười cho công chúng, ảnh hưởng đến cả sự nghiệp, bị các nhãn hàng dừng hợp tác, thậm là bị xử phạt vì các phát ngôn lệch chuẩn…
NSƯT Đức Hải có phát ngôn gây sốc nhưng đã phải chịu hậu quả vì hành động nông nổi đó bởi anh là nghệ sĩ nằm trong hệ thống quản lý giáo dục nên việc truy vết và kỷ luật không khó. Nhưng bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ tự do khác vẫn đang sẵn sàng chửi bới, văng tục, hành xử phản cảm trên mạng xã hội nhưng chưa phải nhận những chế tài xử lý.
Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành, Luật An ninh mạng và bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành) sẽ là những cơ sở để xử lý những hành xử, ứng xử lệch chuẩn. Phạt nặng, phạt mạnh và truyền thông mạnh về những vụ việc này sẽ có tính răn đe. Ngoài ra, sự "trừng phạt" bằng cách tẩy chay không nghe, không xem những phát ngôn vi phạm đó, thậm chí không xem tác phẩm của nghệ sĩ ấy trong một thời gian, chính là điều mà người vi phạm lo sợ nhất.
“Cũng không cần "bắt" nghệ sĩ phải cố gắng gì nhiều. Cứ sống theo những chuẩn mực của xã hội. Tôi cho rằng 4 nguyên tắc được đưa ra trong Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội sẽ giúp tránh được nhiều sự cố đáng tiếc như thời gian vừa qua. 4 nguyên tắc đó là sự Tôn trọng người khác, đưa thông tin lành mạnh lên mạng, có kiến thức về An toàn, bảo mật thông tin và chịu trách nhiệm với những gì mình nói”, ông Thành chia sẻ.
Bàn về trách nhiệm của nghệ sĩ đối với bản thân và công chúng, chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành cho rằng: “Mạng xã hội cũng như đời thực, cũng có những luật lệ, đặc tính riêng mà người tham gia cần biết và tôn trọng. Các nghệ sĩ khi tham gia mạng xã hội cũng không phải ngoại lệ. Họ cần thận trọng với những gì mình nói, mình làm vì những điều này có tác động với xã hội, với người hâm mộ. Nên nhớ rằng nhiều người trẻ, người hâm mộ bắt chước lối sống của nghệ sĩ mình yêu mến. Đáp lại thịnh tình ấy, nghệ sĩ nên tính đến tình cảm và suy nghĩ của người hâm mộ để có cách hành xử, ứng xử có trách nhiệm”./.