Chuyển đổi số sẽ tạo sự chuyển đổi có tính cách mạng đối với ngành VHTT&DL
VOV.VN - Sáng nay (6/1), Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo Hội nghị; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị; cùng dự có, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan.
Năm qua, với tinh thần “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khắc phục khó khăn, kịp thời đề xuất, thực hiện tốt nhiệm vụ và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, như: Từng bước đổi mới tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý văn hóa”; chỉ đạo điều hành, thực thi nhiệm vụ theo tinh thần “kiến tạo”; kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực phát triển văn hóa, thể thao và du lịch...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả ngành văn hóa, thể thao và du lịch đạt được trong năm 2021, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 với nhiều khó khăn, thách thức. Nổi bật là ngành đã phê duyệt một loạt chiến lược định hướng phát triển trong thời gian tới, tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc được Chính phủ đánh giá cao, tổ chức Triển lãm quốc tế tạo được tiếng vang lớn…
Đặc biệt, trong hoàn cảnh dịch bệnh, các văn nghệ sĩ vẫn tiếp tục truyền cảm hứng sáng tác, biểu diễn. Phó Thủ tướng rất xúc động trước hình ảnh những nghệ sĩ không quản ngại nguy hiểm, tham gia biểu diễn động viên tinh thần nhân dân và các lực lượng tại khu cách ly y tế.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nghiêm khắc nhìn vào những điểm còn tồn tại. Văn hóa hầu như năm nào cũng có những sự cố. Điển hình trong năm qua, Phó Thủ tướng nhắc đến vụ lùm xùm bản quyền Quốc ca Việt Nam và 2 di tích quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng ở Bắc Ninh.
“Những sự cố trong bảo tồn di tích hầu như năm nào cũng có. Di tích mà đã phá thì không bao giờ có lại. Bộ VHTT&DL và địa phương cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn”, Phó Thủ tướng nói.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch phát huy những kết quả đạt được, nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, khắc phục những hạn chế để có bước tiến lớn hơn.
Cụ thể, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành tập trung số hóa trên lĩnh vực di tích, bảo tàng. Để phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022, ngành cần rà soát, hoạch định những chính sách ưu tiên gắn với đảm bảo thích ứng an toàn với dịch bệnh khi du lịch Việt Nam mở cửa trên diện rộng. Đồng thời chuẩn bị tốt nhất các nguồn lực cho thành công Sea Game 31 mà Việt Nam đăng cai tổ chức.
“Năm nay có SEA Games, chúng ta tiếp tục chuẩn bị thật tốt. Với điều kiện hiện nay, vaccine tiêm rồi, các công nhân lao động cũng tương đối làm bình thường được thì các công trình đó phải làm thật sớm. Tôi cũng đề nghị, còn vướng điều gì ở các Bộ ở đây thì các đồng chí giúp đỡ. Chúng ta cố tổ chức cho tốt một kỳ SEA Games chu đáo.
Như đã nói rất nhiều lần, Việt Nam tổ chức SEA Games lần này dứt khoát không đi theo kiểu mình mạnh gì thì cố tổ chức bằng được để lấy huy chương. Chúng ta sẽ tổ chức một cách đàng hoàng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Bộ VHTT&DL cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Theo đó, Năm 2022, toàn ngành cần phát huy hơn nữa vai trò lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp “Chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”. Quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, tiếp tục phương châm “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”, ngành văn hóa, thể thao và du lịch xác định chủ đề chỉ đạo, điều hành năm 2022 là: “Kỷ cương, chuyên nghiệp, sáng tạo, hiệu quả”, với bốn khâu đột phá về thể chế, thiết chế, nguồn nhân lực và chuyển đổi số. Đặc biệt, chuyển đổi số trong ngành VHTT&DL phải làm mạnh hơn, quyết liệt hơn.
Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, nếu chỉ chờ vào ngân sách sẽ rất khó để thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện nay ngành VHTT&DL đã thực hiện chuyển đổi số ở một lĩnh vực như du lịch, bảo tàng… tuy nhiên còn ở quy mô nhỏ lẻ.
Trong phương hướng, nhiệm vụ của ngành VHTT&DL năm 2022 sẽ tập trung thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực VHTTDL; tiếp tục duy trì, phát huy vai trò của mô hình “nhà hát online”, thúc đẩy xây dựng, phát triển mô hình “bảo tàng online”, phát triển du lịch thông minh; triển khai Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện.
Đề cập đến vấn đề này tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, những giá trị chuyển đổi số thực sự sẽ tạo sự chuyển đổi có tính cách mạng đối với ngành VHTT&DL. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số cần cam kết của người đứng đầu vì nó liên quan đến sự thay đổi. Nếu người đứng đầu cam kết và hành động thì chuyển đổi số sẽ thành công.
Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, Việt Nam có thuận lợi lớn là có nhiều doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh có thể giải các bài toán về chuyển đổi số của ngành VHTT&DL. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã công bố 35 nền tảng số quốc gia được phát triển trong năm 2022 để làm hạ tầng thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia. Trong đó có 2 nền tảng thuộc ngành VHTT&DL là nền tảng bảo tàng số để số hóa các di tích và nền tảng quản trị kinh doanh du lịch. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ VHTT&DL nên công bố thêm một số nền tảng số chuyên ngành để đẩy nhanh chuyển đổi số. Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ VHTT&DL để xác định các nền tảng này và phát triển trong năm 2022./.