Có nên phong tặng NSND, NSƯT cho giảng viên dạy nhiếp ảnh?

"Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh, giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh lại gọi là NSND, NSƯT sẽ khá xa lạ với mọi người", ông Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM nêu quan điểm.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT& DL) đang soạn thảo Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT).

Nghị định này được xây dựng trên cơ sở Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022. Theo đó, đối tượng xét tặng danh hiệu được bổ sung thêm “người sáng tạo tác phẩm văn hoá nghệ thuật” bên cạnh nghệ sĩ biểu diễn vẫn được xét tặng lâu nay. 

6 Hội không đề xuất nhóm đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hoá nghệ thuật” để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT gồm: Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội kiến trúc sư Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

3 Hội đề xuất nhóm đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hoá nghệ thuật” để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT gồm: Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cho tác giả kịch bản múa, Hội nhạc sĩ Việt Nam cho nhạc sĩ sáng tác và phối khí, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh, giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh và người sáng tác.

Việc xây dựng dự thảo được đánh giá là cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi cá nhân "người sáng tạo tác phẩm văn hoá nghệ thuật", thay thế những điểm còn chưa phù hợp tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP giúp mang lại cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trong việc xét tặng danh hiệu. Tuy nhiên, những tiêu chí như thế nào cho đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hoá nghệ thuật” như đề xuất của 3 Hội trên là vấn đề nhiều người quan tâm.

Bà Trần Thị Thu Đông - Chủ tịch Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết, khi đề xuất đã xin ý kiến Ban chấp hành Hội, đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT phải là hội viên của Hội, có ít nhất 7 năm làm việc liên tục trong lĩnh vực này.

Bà Thu Đông cho rằng, đa số anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh phấn khởi khi biết việc đề xuất này vì ít nhất họ đã được đối xử công bằng. Việc xét tặng danh hiệu này là ghi nhận xứng đáng họ sau 1 quá trình làm việc miệt mài.

Ông Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM cho biết việc dự kiến bổ sung thêm đối tượng xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND trong Dự thảo mới là điều đáng hoan nghênh. Ông kỳ vọng điều này sẽ ghi nhận xứng đáng cống hiến của từng cá nhân, trong đó đảm bảo quyền lợi “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” là rất cần thiết.

Với lĩnh vực múa, nghệ sĩ múa trước nay vẫn được xét duyệt danh hiệu với vai trò nghệ sĩ biểu diễn. Do đó, ông Hiều và Hội mong muốn đề xuất thêm nhóm tác giả kịch bản múa vào Dự thảo Nghị định lần này. 

Tuy nhiên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM băn khoăn là khung xét duyệt cụ thể khi ban hành. 

“Việc đổi mới rất đáng hoan nghênh nhưng bên cạnh đó là nỗi lo bất cập trong quá trình xét duyệt. Chúng tôi cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn đối với từng trường hợp. Quy chế cần rõ ràng, linh động với mục đích hỗ trợ nghệ sĩ, tránh làm tổn thương và gây ra dư luận trái chiều”, ông nói. 

“Lạm phát” danh NSND, NSƯT trong tương lai?

NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đồng tình về đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là nhạc sĩ sáng tác và phối khí trong lĩnh vực âm nhạc. Tuy nhiên với đối tượng tác giả kịch bản múa, NSƯT Trần Ly Ly cho rằng cần cân nhắc, bởi có tác giả sáng tạo kịch bản múa nhưng không áp dụng được trên thực tế. 

Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực múa, bà Ly cho rằng “đối tượng này cần được quy định vừa sáng tạo kịch bản, vừa đạo diễn trực tiếp trên sản phẩm nghệ thuật đó”.

NSƯT Trần Ly Ly cũng không đồng thuận quy định nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh là “đối tượng tác giả sáng tạo tác phẩm ở lĩnh vực nhiếp ảnh”, bởi đây không phải là nghệ sĩ sáng tác. 

“Các hội diễn văn hóa hiện nay trong ở sân chơi nghệ thuật quần chúng rất nhiều, nếu lấy giải thưởng tại đây để xét tặng sẽ không phân biệt được giá trị giữa các giải thưởng của nghệ sĩ. Như thế sẽ có cả ngàn NSƯT, dần giảm mất giá trị danh hiệu”, NSƯT Trần Ly Ly nhấn mạnh.

Về nhóm đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hoá nghệ thuật” để xét duyệt NSND, NSƯT, ông Hiều cho rằng điều này cần sự cân nhắc kỹ lưỡng của cơ quan quản lý, tránh yếu tố nhập nhằng giữa đặc trưng nghề nghiệp, khó phù hợp với danh hiệu được trao tặng. 

“NSND, NSƯT trước nay được hiểu là nghệ sĩ biểu diễn, công chúng biết mặt gọi tên qua những tác phẩm và xuất hiện trên truyền thông. Việc gộp chung các nghề nghiệp với đặc thù khác nhau tất nhiên sẽ gây lấn cấn. Chẳng hạn, một nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh, giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh lại gọi là NSND, NSƯT sẽ khá xa lạ với mọi người”, ông nói. 

Ông Hiều mong cơ quan Nhà nước sẽ có một giải thưởng hay danh hiệu với tên gọi khác phù hợp hơn, thay vì cứ phải mặc định là NSND, NSƯT.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - tác giả ca khúc nổi tiếng ''Nhật ký của mẹ'' bày tỏ: "Tôi nghĩ khi thực sự trân trọng người sáng tạo nghệ thuật, sẽ luôn có cách ghi nhận. Như tôi quan trọng nhất vẫn là được làm nghề, có các tác phẩm sống trong lòng khán giả. Việc xét tặng danh hiệu rất cao quý, đáng trân trọng nhưng nếu phải xin hoặc nêu ý kiến tôi không phù hợp để làm việc đó".

Hiện tổ soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định, tờ trình để đăng tải rộng rãi xin ý kiến bộ, ngành, địa phương và công chúng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhiếp ảnh Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, khó khăn
Nhiếp ảnh Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, khó khăn

VOV.VN - Hiện nay, nhiếp ảnh được đánh giá là một trong những nghề có tiềm năng bởi nghệ thuật nhiếp ảnh đã thâm nhập vào nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội. Tuy nhiên, nghề nhiếp ảnh đang phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn như việc cạnh tranh thị trường, vấn đề bản quyền, chuyên môn…

Nhiếp ảnh Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, khó khăn

Nhiếp ảnh Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, khó khăn

VOV.VN - Hiện nay, nhiếp ảnh được đánh giá là một trong những nghề có tiềm năng bởi nghệ thuật nhiếp ảnh đã thâm nhập vào nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội. Tuy nhiên, nghề nhiếp ảnh đang phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn như việc cạnh tranh thị trường, vấn đề bản quyền, chuyên môn…