Đầu xuân gặp gỡ người nặng lòng với văn hóa dân tộc Thái
VOV.VN - Ông Lường Văn Chựa, dân tộc Thái ở tỉnh Sơn La được nhiều người biết đến bởi tình yêu và niềm đam mê với văn hóa dân tộc. Ông đã dày công gìn giữ, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán của dân tộc mình.
Mặc dù đã tuổi xế chiều, nhưng ông Lường Văn Chựa (ở bản Ngùa, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) vẫn luôn đam mê với văn hoá truyền thống của dân tộc Thái. Bởi theo ông Chựa, ông sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Yên Châu nên tiếng nói, tiếng trống chiêng, tiếng hát, tiếng khèn trong các lễ hội của bản mường dường như đã ngấm vào máu thịt của ông ngay từ nhỏ.
“Tôi rất mong muốn làm thế nào đó để phát triển học chữ Thái. Bởi vì học chữ Thái thì khai thác được bao nhiêu quyển sách, có những bài “Quam xòn côn” tức là lời dăn dạy người. Nhưng nếu không học thì sẽ không khai thác được sách vở của các ông, các cụ để lại”, ông Chựa tâm sự.
Có lẽ cũng vì thế mà ngay từ nhỏ, khi tham gia học lớp “Bình dân học vụ”, vừa học chữ ông vừa học thổi kèn bè. Sau khi thoát ly làm cán bộ thương nghiệp Yên Châu, rồi thời gian trong quân ngũ, việc học chữ Thái, tiếng hát, tiếng khèn vẫn luôn theo ông. Ngay cả sau này, khi xuất ngũ trở về địa phương, trải qua nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau, rồi về nghỉ chế độ, niềm đam mê nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái trong ông luôn cháy bỏng.
Nhận thấy tiếng, chữ của dân tộc mình có nguy cơ mai một khi nhiều người trẻ không biết đến tiếng, chữ, làn điệu dân ca, năm 2016, ông đề xuất với chi bộ cho mình mở lớp dạy chữ Thái tại bản. Lớp đầu tiên của ông có 22 học viên theo học. Do âm điệu của người Thái Yên Châu khác với những vùng khác nên ông phải tìm hiểu, biên soạn từ những cuốn sách của các nghệ nhân văn hóa Thái ở Sơn La sang 2 cuốn sách mới, với âm điệu của người Thái Yên Châu để học viên dễ hiểu, dễ nhớ.
“Người Thái là một dân tộc có từ xa xưa, có tiếng nói, chữ viết riêng, tại sao không tôn trọng lấy nó. Tôi nghĩ rằng không thể cái gì cũng nhờ Nhà nước mãi được, cho nên mình là người Thái, người dân tộc thì phải ra tay, đừng để nó mất đi”, ông Chựa cho biết.
Năm 2018, sau khi được sự nhất trí của UBND huyện Yên Châu, nhóm bảo tồn văn hoá dân tộc Thái Yên Châu đã được thành lập với 11 thành viên, ông Lường Văn Chựa được tín nhiệm bầu làm nhóm trưởng. Hiện nay, nhóm có tổng số 19 thành viên, ngoài dân tộc Thái, có thêm 6 người là dân tộc Khơ Mú đều là những người có niềm đam mê với văn hóa dân tộc.
Từ khi được thành lập đến nay, ông cùng nhóm đã mở được 7 lớp học chữ, khèn bè Thái và lớp truyền dạy tiếng Khơ Mú miễn phí, thu hút gần 150 học viên tham gia. Điều đáng trân trọng là nhiều học trò được ông Chựa và nhóm bảo tồn văn hóa truyền dạy đã lan tỏa tiếng nói, chữ viết, văn hóa dân tộc cho con cháu.
“Hồi còn nhỏ, tôi cũng được học sơ qua một ít. Qua học lớp này, tôi thấy rất bổ ích cho bản thân, mình biết chữ viết của dân tộc mình, tục lệ của người Thái từ thuở xưa được lưu trong những cuốn sách mình cũng đọc được và khai thác được”, ông Lường Mạnh Nhúng, ở bản Boong, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, học viên tham gia lớp học chữ Thái do ông Lường Văn Chựa mở tại xã Chiềng Pằn, chia sẻ.
Ông Lường Văn Chựa luôn mong muốn những việc làm của mình sẽ góp sức lưu giữ và truyền đạt cho thế hệ trẻ hiểu và ngày càng yêu thích văn hóa truyền thống của dân tộc: “Tôi vẫn ưu tiên số một là phát triển dạy chữ, thứ hai là phát triển ca hát, múa, nhất là múa xoè. Nắm tay xoè vòng chỉ có dân tộc Thái mới có và mang tính cộng đồng rất cao. Hơn nữa, hiện nay người muốn dạy không phải không có, nhưng người học thì không dễ tí nào".