Để xây dựng các hệ giá trị văn hóa không chỉ là hô hào
VOV.VN - Để việc xây dựng hệ giá trị văn hóa không chỉ là khẩu hiệu chúng ta phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng đến yếu tố xây dựng con người toàn diện.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 năm 2021, lần đầu tiên, “Hệ giá trị quốc gia”, “Hệ giá trị văn hóa” được đề cập là một nhân tố quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Các yếu tố này cũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Điều đó cho thấy việc xây dựng và phát huy hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa là một trong những nhiệm vụ tiên quyết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng: “Đất nước chúng ta đang bước vào giai đoạn mới, chúng ta đang ở một bước ngoặt của lịch sử, đó là giai đoạn xây dựng CNH - HĐH đất nước gắn với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, đặt ra cho chúng ta nhiều cơ hội và cũng nhiều thách thức. Hoặc là chúng ta tiến lên hoặc là chúng ta tụt hậu, chứ không thể dừng lại. Chúng ta phải xem xét và nhìn nhận 1 cách đúng đắn và chủ động hoàn thiện các giá trị văn hóa cũng như chuẩn mực con người để đáp ứng với yêu cầu mới của thời đại”.
Thực tiễn cho thấy, công cuộc đổi mới đã trải qua gần 40 năm, đất nước ta bước vào thời kỳ chuyển đổi to lớn toàn diện và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh nhiều thành tựu thì một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm hiện nay là tình trạng suy thoái trong văn hóa, đạo đức, lối sống của một bộ phận xã hội. Do đó, theo PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, thời điểm này chúng ta cần đặc biệt chú ý tới việc định chuẩn các hệ giá trị Việt Nam:
“Việc xác định hệ giá trị rất quan trọng, cả giá trị văn hóa, giá trị con người, giá trị gia đình. Mỗi một hệ giá trị qua thời gian cũng như qua những yếu tố khách quan và sự phát triển của xã hội thì đều có những thay đổi, có những mặt được đẩy lên một cách tích cực, có những mặt bị đi xuống. Vì vậy, khi nhận diện được những giá trị này để trên cơ sở đó chúng ta đề ra những giải pháp, đưa ra hướng phát triển những mặt tích cực và khắc phục những tồn tại. Xây dựng nó thành khuôn mẫu, thành chuẩn mực để tất cả các thành viên trong xã hội công nhận, làm theo và hướng tới” – Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện Trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, hơn lúc nào hết, giai đoạn này Văn hóa - Kinh tế - Chính trị cần phải được đặt ngang hàng nhau tạo thế kiềng 3 chân vững chắc cho sự phát triển đi lên của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội dương đại với sự gia tăng của toàn cầu hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, hệ giá trị văn hóa ở Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp với sự cùng tồn tại của hệ giá trị truyền thống, hệ giá trị mới, hệ giá trị phổ quát, hệ giá trị đặc thủ, hệ giá trị cốt lõi, hệ giá trị phái sinh... Thêm nữa sự xung đột giá trị, thậm chí khủng hoảng giá trị, "sốc" giá trị cũng đã xảy ra càng làm gia tăng thêm tính phức tạp nhưng cũng làm lộ rõ sự cần thiết phải nhìn nhận lại việc xây dựng hệ giá trị văn hóa hiện nay.
Để xây dựng hệ giá trị văn hóa không chỉ là khẩu hiệu, theo PGS TS Phạm Duy Đức chúng ta cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay, đẩy mạnh công tác giáo dục các giá trị văn hóa và con người, giáo dục con người phải hài hòa các yếu tố trí tuệ và tình cảm.
Ông cũng cho rằng, nếu được quan tâm đúng mức hơn đến tính thực tiễn của hệ giá trị văn hóa, chúng ta sẽ khắc phục được căn bệnh “chung chung", hô hào, hình thức trong xây dựng hệ giá trị văn hóa. Hệ giá trị văn hóa phải được xây dựng từ thực tiễn và phải được thực hành sâu, rộng trong thực tiễn, trở thành lối sống, thói quen, tập tính hằng ngày của con người, là sự ứng xử giữa con người với con người trong xã hội. Chỉ có như vậy, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa mới được xem là đạt hiệu quả.
Trong suốt tiến trình phát triển của đất nước, văn hóa luôn là một trong những yêu tố quan trọng đồng hành. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành văn hóa đã và đang tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của mình trên mặt trận tư tưởng văn hóa, đồng thời đã tạo ra một nguồn sinh lực mới, khí thế mới cho sự nghiệp xây dựng, chấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ghi nhận và tôn vinh ngành văn hóa, bắt đầu từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 28/8/1945 làm ngày truyền thống của những người làm công tác văn hóa thông tin. Những hoạt động thiết thực dịp kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành văn hóa là một trong những tác động hữu hiệu đưa những giá trị văn hóa vào thực tiễn cuộc sống. Hiện thực hóa ý nghĩa quan trọng này, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa năm 2023 là dịp để ghi nhận những nỗ lực của ngành văn hóa, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, động lực mới, đột phá mới từ văn hóa, đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
78 gương điển hình tiến tiến trong lĩnh vực văn hóa được tuyên dương năm 2023 là những bông hoa đẹp. Hương sắc của những hành động đẹp đó sẽ lan tỏa trong cộng đồng, điểm tô thêm nét đẹp của văn hóa, truyền thống, tinh thần và khát vọng Việt Nam, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa bằng những việc làm cụ thể, hằng ngày.
Hội nghị Tuyên dương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá phong trào thi đua của ngành văn hóa cũng như đánh giá quá trình triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
78 mô hình tập thể, cá nhân điển hình ngành văn hóa năm 2023 mỗi nơi, mỗi người đều chứa đựng những câu chuyện vô cùng đặc biệt của riêng mình, khó có thể ngôn từ nào nói hết. Nhưng có một điểm chung đó là họ sống như những bông hoa, lặng lẽ, bền bỉ dâng hương cho đời, tất cả vì một xã hội tốt đẹp hơn, bản sắc văn hóa Việt Nam ngày càng tỏa sáng bằng chính những hoạt động cụ thể. Đây cũng chính là biểu hiện sinh động của việc thể hiện hệ giá trị văn hóa trong thực tiễn cuộc sống.