Bắc Giang với nét xuân linh thiêng Tây Yên Tử
VOV.VN - Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Giang năm 2023 với chủ đề “Linh thiêng Tây Yên Tử” nhằm bảo tồn, tôn vinh những giá trị văn hóa, di sản đặc sắc của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, với con đường hoằng dương Phật Pháp; giới thiệu miền đất, con người và các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của Bắc Giang, góp phần thúc đẩy du lịch phục hồi.
PV: Nhân dịp xuân mới, liên quan đến nét đẹp văn hóa về miền đất, con người, xin ông vui lòng cho biết hành trang quan trọng của tỉnh Bắc Giang trong năm 2023?
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, ông Mai Sơn: Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó xác định mục tiêu là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa Bắc Giang phát triển nhanh, bền vững cả về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Đến năm 2025 quy mô GRDP của tỉnh Bắc Giang đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành đứng đầu cả nước (tuy nhiên, năm 2022 quy mô GRDP của tỉnh đã đứng trong nhóm 13 tỉnh, thành) và đứng đầu vùng Trung du, miền núi phía Bắc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Để triển khai quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 29/02/2022 thực hiện Quy hoạch tỉnh. Theo đó, xác định bước đi, lộ trình để cụ thể hóa phương án quy hoạch các ngành, lĩnh vực; xây dựng kế hoạch đầu tư để cụ thể hóa các phương án quy hoạch gồm đầu tư công và các dự án đầu tư ngoài vốn đầu tư công; kế hoạch sử dụng đất phù hợp với phương án phát triển các ngành, lĩnh vực theo từng giai đoạn và xác định rõ các nguồn lực và giải pháp để thực hiện quy hoạch.
Về lĩnh vực văn hóa, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 939/QĐ-UBND ngày 27/12/2017 điều chỉnh Quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bắc Giang đến năm 2002, tầm nhìn đến năm 2030.
Việc quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng du lịch khu vực Tây Yên Tử để bắt kịp xu thế phát triển đã và đang được tỉnh chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả. Dự án Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử giai đoạn 1 với mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng đã hoàn thành và đi vào khai thác hiệu quả; giai đoạn 2 đang được triển khai thực hiện với diện tích đất thực hiện dự án khoảng 136,36 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.486 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án vào quý IV/2024. Cũng tại khu vực này, trong các giai đoạn tiếp theo, sẽ đầu tư xây dựng 1 sân golf Sơn Động tại thị trấn Tây Yên Tử khoảng 180ha, đây là một trong 13 sân golf nằm trong quy hoạch hệ thống sân golf mới của tỉnh.
PV: Sau đại dịch Covid-19, Bắc Giang chủ động tổ chức sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch để góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Ông có chia sẻ gì về sự kiện này của năm 2023?
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, ông Mai Sơn: Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2023 với chủ đề “Linh thiêng Tây Yên Tử” gồm 15 hoạt động chính và các hoạt động hưởng ứng của các huyện, thành phố sẽ được tổ chức trong 6 ngày, từ ngày 1/2/2023 đến ngày 6/2/2023 (tức từ ngày 11 đến ngày 16 tháng Giêng, năm Quý Mão). Không gian tổ chức chính tại chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng và Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, huyện Sơn Động. Đây là sự kiện nhằm giới thiệu đến nhân dân, khách du lịch trong nước và quốc tế về hình ảnh miền đất, con người và các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của tỉnh Bắc Giang; từng bước hình thành và đi vào khai thác sản phẩm du lịch độc đáo, với con đường Hoằng dương Phật Pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
Có 3 điểm nhấn đặc sắc của sự kiện là Chương trình Đêm nhạc Phật với chủ đề Vĩnh Nghiêm - Hào quang trí huệ, lần đầu tiên được tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm - nơi được xem là chốn Tổ của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Điểm nhấn thứ 2 là Lễ rước bộ Mộc bản “Cư Trần lạc đạo phú” từ Chùa Vĩnh Nghiêm lên Chùa Thượng Tây Yên Tử huyện Sơn Động. Bộ Mộc bản này là 1 trong những tác phẩm nổi tiếng của Phật hoàng Trần Nhân Tông được khắc trong bộ kinh Thiền Tông bản hạnh. Thể hiện rõ tư tưởng và giá trị của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử “Phật ở trong tâm”. Việc rước bộ Mộc bản, thể hiện ý chí và tinh thần của Phật giáo Trúc Lâm; làm cơ sở để tỉnh tiếp tục thực hiện mục tiêu phục dựng, tái hiện con đường “Hoằng dương Phật Pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”. Lễ rước này cũng sẽ được tỉnh Bắc Giang tổ chức thường niên vào đầu xuân, để mỗi khi Tết đến xuân về, nhân dân, khách du lịch và phật tử trên mọi miền Tổ quốc sẽ nhớ đến, về dự và tham gia Lễ rước linh thiêng và đầy ý nghĩa này. Điểm nhấn thứ 3 là Lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch tại Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử.
PV: Bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số vùng cao là chủ trương lớn của Đảng. Ông có thể cho biết công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tộc người, gắn với phát triển du lịch địa phương?
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, ông Mai Sơn: Bắc Giang là vùng đất cổ, ở vị trí giao thoa, chuyển tiếp giữa hai miền văn hóa Việt cổ và văn hóa các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc, tạo nên đặc trưng nổi bật là kho tàng di sản văn hóa rất phong phú và đặc sắc.
Trong những năm qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành các Nghị quyết, đề án, kế hoạch để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011 - 2020”, Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2030”; Đề án “Tổ chức Lễ khai hội xuân Tây Yên Tử tỉnh Bắc Giang”; Nghị Quyết số 44-NQ/TU ngày 30/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025” nhằm triển khai Dự án 6 chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt 2 quy hoạch tổng thể, gồm: Quy hoạch Khu di tích lịch sử - văn hoá chùa Am Vãi, huyện Lục Ngạn, Quy hoạch Khu văn hóa tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động.
UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Thực hiện các cuộc điều tra, tổng điều tra di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc tỉnh Bắc Giang từ năm 2012 - 2019; thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học; bảo tồn, phục dựng các nghi lễ truyền thống; bảo tồn một số lễ hội tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia và hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực Di sản Văn hóa phi vật thể.
Đến nay, Bắc Giang cùng với 11 tỉnh miền núi phía Bắc có thực hành nghi lễ Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; dân ca Cao Lan, Sán Chí xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia; 1 nghệ nhân người dân tộc thiểu số được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân,14 lượt nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Từ năm 2003, Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc tỉnh Bắc Giang định kỳ 2 năm/lần. Đồng thời, Sở VH-TT&DL đã hướng dẫn các huyện miền núi Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế tổ chức Ngày hội quy mô cấp huyện, cấp xã. Ngày hội văn hoá - thể thao các dân tộc được tổ chức quy mô các cấp trên địa bàn tỉnh là dịp tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp, tăng cường khối đoàn kết các dân tộc trên địa bàn.
PV: Sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2023 cho thấy, Bắc Giang tiếp tục khẳng định mục tiêu phát triển văn hóa, con người gắn với phát triển du lịch bền vững?
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, ông Mai Sơn: Một trong ba mục tiêu chính theo Nghị quyết số 112-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 là xác định “Phát triển du lịch bền vững, gắn phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ môi trường và thiên nhiên, giải quyết tốt vấn đề việc làm và an sinh xã hội. Xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Bắc Giang gắn với thế mạnh của vùng trung du, miền núi có địa hình đa dạng, phong phú, vùng cây ăn quả rộng lớn và nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh”.
Cùng với mục tiêu trên, tỉnh Bắc Giang tập trung tuyên truyền và xây dựng 4 sản phẩm du lịch chính của tỉnh gồm: Du lịch văn hóa - tâm linh; Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; Du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf); Du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận.
Nhằm tiếp tục tăng cường bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của các dân tộc, ưu tiên bảo tồn các di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh; các di tích lịch sử - văn hóa xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia; hệ thống di tích thời Lý - Trần gắn với Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử; di sản văn hóa các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ bị mai một trước tác động của kinh tế thị trường gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bắc Giang quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về văn hóa.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định rõ mục tiêu phát triển văn hóa, con người Bắc Giang trong thời gian tới là: “Xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng con người Bắc Giang phát triển toàn diện; quan tâm, gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống địa phương. Gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa”. Trong đó trọng tâm, then chốt là xây dựng con người Bắc Giang theo các chuẩn mực giá trị văn hóa, con người Việt Nam hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, là nguồn lực và sức mạnh nội sinh quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn tới. Cùng với đó, tập trung bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nguồn tài nguyên nhân văn phong phú, đặc sắc của tỉnh để phát triển du lịch. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế ngày càng quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, thời gian qua các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng phát triển văn hóa, con người Bắc Giang gắn với phát triển du lịch bền vững địa phương.
Một trong những hoạt động nổi bật, đó là tỉnh Bắc Giang tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch. Năm nay, tỉnh tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch với chủ đề “Linh thiêng Tây Yên Tử” nhằm bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị văn hóa, di sản đặc sắc của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, với con đường hoằng dương Phật Pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử; giới thiệu đến nhân dân, khách du lịch trong nước và quốc tế về hình ảnh miền đất, con người và các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của tỉnh Bắc Giang góp phần thúc đẩy du lịch phục hồi và phát triển trở lại sau đại dịch Covid-19.
Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì thường xuyên tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch, từng bước đưa Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Giang trở thành sản phẩm du lịch của tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Bắc Giang không chỉ là điểm đến an toàn, hấp dẫn, văn minh, thân thiện mà còn là nơi du khách được trải nghiệm các giá trị khác biệt của lịch sử, văn hóa và con người nơi đây. Đưa du lịch văn hóa tại Bắc Giang trở thành ngành kinh tế dịch vụ đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
PV: Xin cảm ơn ông!/.