Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc Thái ở Mường Lay
VOV.VN - Ngoài Xòe Thái cổ, hát Then cũng là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vẫn đang tồn tại ở thị xã Mường Lay.
Thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên nằm ở vị trí rất đặc biệt, bên lòng hồ thủy điện Sơn La và là nơi tụ thủy của 3 dòng chảy gồm: sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Là trung tâm văn hóa của đồng bào Thái trắng ở Tây Bắc với những di sản văn hóa, nghi thức truyền thống được gìn giữ và lưu truyền từ bao đời nay, thời gian qua Thị xã Mường Lay đã tập trung nhiều giải pháp hiệu quả nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc Thái gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mỗi tuần 1 lần, Câu lạc bộ văn nghệ người cao tuổi phường Na Lay, thị xã Mường Lay lại tổ chức sinh hoạt, tập luyện các điệu múa cổ của dân tộc Thái, trong đó có múa xòe. Dù tuổi đã cao nhưng với các thành viên trong câu lạc bộ, được hòa mình vào điệu múa xòe không chỉ vì niềm vui tuổi già, mà còn là gửi gắm tâm huyết để bảo tồn, gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau.
Bà Lò Thị Lả, Chủ nhiệm CLB Văn nghệ phường Na Lay, thị xã Mường Lay cho biết: Hiện Chi hội Người cao tuổi ở Mường Lay đều có câu lạc bộ, đội văn nghệ, thu hút hàng trăm hội viên tham gia. Các câu lạc bộ và đội văn nghệ thường xuyên tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các thôn bản nhằm học hỏi, bảo tồn và gìn giữ những làn ca, điệu múa truyền thống của dân tộc:
Bà Lả nói: "Để duy trì và sưu tầm thì chúng tôi rất vất vả phải đi gặp từng các cụ một, các cụ hướng dẫn động tác và cả trang phục. Chúng tôi cũng muốn giữ lại bản sắc của mình Mường lay từ xưa".
Ngoài Xòe Thái cổ, hát Then cũng là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vẫn đang tồn tại ở thị xã Mường Lay. Nghệ nhân Vàng Văn Thức với hơn 30 năm thực hành, truyền dạy loại hình nghệ thuật hát Then, được xem như một người giữ gìn linh hồn dân tộc Thái ở Mường Lay. Những làn điệu Then được ông trình diễn trong những nghi lễ khác nhau, như lễ giải hạn, lễ mừng nhà mới, lễ chúc thọ, lễ cầu bình an...
Nghệ nhân Vàng Văn Thức chia sẻ: Từ lúc còn nhỏ, ông đã được nghe mẹ hát những làn điệu Then, mặc dù không hiểu nhưng ông thấy rất hay và hứng thú. Lớn lên, được theo mẹ đi khắp bản làng trong vùng để trình diễn hát Then, ông càng thêm hiểu và yêu hơn. Dần dần ông được mẹ truyền dạy lại những điệu Then cổ, cùng với nỗ lực cố gắng của bản thân, ông đã sử dụng thành thạo, linh hoạt các điệu Then để trình diễn trong những nghi lễ khác nhau, như giải hạn, mừng nhà mới, lễ cầu bình an...
Để những làn điệu Then cổ không bị mai một và mất đi, ông Thức luôn cố gắng từng ngày truyền dạy lại cho con cháu trong gia đình với mong muốn góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc mà cha ông đã để lại: "Phong tục tập quán của người dân Thái trắng thì tôi cố gắng phát huy và truyền dạy cho lớp trẻ, con cháu. Bây giờ đang cố gắng tiếp tục sau này khi mình già đi các cháu sẽ tiếp thu và phát triển, các cháu sẽ giữ tiếng Then như ông".
Thực hiện đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thị xã Mường Lay gắn với phát triển kinh tế - xã hội, trong khoảng 10 năm trở lại đây, thị xã Mường Lay cũng đã tích cực phục dựng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đặc biệt là khôi phục thành công Lễ hội đua thuyền đuôi én. Bên cạnh đó, thị xã cũng mở các lớp dạy chữ Thái hay lớp dạy các điệu xòe, điệu múa, tiếng hát nhằm bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái ở Mường Lay.
Lễ hội đua thuyền đuôi én được khôi phục vào năm 2015 và từ đó đến nay đều được tổ chức thường niên vào ngày đầu tiên của năm mới (trừ năm 2022 do dịch COVID-19 nên không thể tổ chức). Đua thuyền đuôi én là một trong những lễ hội truyền thống của người Thái gắn với đặc trưng sông nước. Việc khôi phục thành công Lễ hội này nhằm bảo tồn nét đẹp trong văn hóa của đồng bào Thái ở Mường Lay vào mỗi dịp đầu năm mới. Bên cạnh đó, để bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc, thị xã Mường Lay cũng đã quan tâm mở lớp dạy chữ Thái cho học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở và nhân dân trên địa bàn; mở các lớp để nghệ nhân cao tuổi truyền dạy các làn ca, điệu múa cho thế hệ trẻ nhằm gìn giữ, phát huy những nét văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc.
Ông Quàng Văn Sinh, Trưởng phòng VH-TT thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên nói: "Về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Thái, vừa rồi phòng cũng đã tham mưu cho UBND thị xã trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã công nhận điệu xòe Thái cổ trên địa bàn thị xã. Phòng Văn hóa cũng đang bảo tồn các giai điệu múa cổ và trang phục Thái cổ của người dân tộc Thái trên địa bàn thị xã".
Với vẻ đẹp sông nước được ví như “Viên ngọc quý” trên đỉnh trời Tây Bắc, cùng với nền văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái trắng, thị xã Mường Lay đang kết hợp công tác bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa với việc phát triển du lịch. Theo đó tăng thu nhập cho người dân, tạo ra động lực để nhân dân chung tay góp phần gìn giữ, bảo tồn các di sản văn hóa của dân tộc./.