Bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Cơ Tu
VOV.VN - Tại khóa học, học viên được các chuyên gia, nhà quản lý và nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Cơ Tu truyền dạy và hướng dẫn phương pháp truyền dạy tiếng nói, chữ viết trong đồng bào.
Sáng nay (23/4), Vụ Văn hóa Dân tộc- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức Lớp tập huấn về bảo tồn tiếng nói, chữ viết đối với dân tộc Cơ Tu tại huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Dự lớp tập huấn có 61 người gồm: 01 nghệ nhân là người có uy tín trong việc bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết trong cộng đồng Cơ Tu và 60 học viên người dân tộc Cơ Tu có uy tín trong cộng đồng do địa phương xác nhận và đề cử. Tại khóa học, học viên được các chuyên gia, nhà quản lý và nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Cơ Tu truyền dạy và hướng dẫn phương pháp truyền dạy tiếng nói, chữ viết trong đồng bào.
Chị Bhling Thị Tuyền, ở xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tham gia lớp tập huấn cho biết: “Tham gia lớp tập huấn này, tôi rất vui và tự hào. Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia tập huấn về bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc Cơ Tu mình. Cũng như đa số bà con ở xã Cà Dy, tôi chỉ biết nói tiếng chứ chưa biết chữ. Hy vọng đây sẽ là dịp để tôi tìm hiểu và học sâu hơn về chữ viết Cơ Tu mình nói riêng và văn hóa truyền thống dân tộc nói chung".
Người Cơ Tu sinh sống chủ yếu ở các huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang, tỉnh Quảng Nam; 2 huyện A Lưới, Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng và một phần của nước bạn Lào. Dân tộc Cơ Tu có văn hoá vật thể và phi vật thể rất đa dạng và phong phú là cơ sở để cộng đồng người Cơ Tu tồn tại và phát triển. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhiều nét văn hóa độc đáo, trong đó có tiếng nói và chữ viết của người Cơ Tu dần bị mai một.
Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc, Bộ VHTT&DL, cho biết, lớp tập huấn về bảo tồn tiếng nói, chữ viết đối với dân tộc Cơ Tu là hoạt động ý nghĩa nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Cơ Tu, đồng thời, bảo tồn tiếng nói và chữ viết, phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương:
Ông Hùng nói: “Việc tổ chức lớp tập huấn này không chỉ riêng ở Nam Giang, tỉnh Quảng Nam nói riêng mà là hoạt động về bảo tồn văn hóa truyền thống trên phạm vi toàn quốc đối với các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Giang đây là lần đầu tiên nhưng ở các địa phương khác đã diễn ra. Qua các lớp tập huấn này, Vụ Văn hóa Dân tộc mong muốn đây sẽ là tiền đề, mang tính chất gợi mở để cho sự phối hợp giữa Trung ương với địa phương, cũng như đồng bào có ý thức cùng nhau phối hợp để có một hình thức tổ chức nhiều lớp tập huấn hơn nữa. Với mục đích làm sao bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc một cách hiệu quả nhất./.