Bình Định chấn chỉnh việc tu bổ tháp Chăm ảnh hưởng đến di tích
VOV.VN - Qua kiểm tra, cơ quan chức năng thống nhất với các bên liên quan dừng ngay việc sử dụng xe cơ giới để thi công một số hạng mục tại tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước). UBND tỉnh Bình Định chấn chỉnh việc tu bổ làm ảnh hưởng đến di tích đặc biệt này.
Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Định vừa kiểm tra việc thi công tại công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít - tháp Chăm độc đáo ở huyện Tuy Phước. Sáng ngày 9/3, đơn vị thi công tu bổ tháp Bánh Ít đưa các loại máy đào ra khỏi phạm vi công trình. Tại các hạng mục như: sân phía trước Tháp Chính, bồn hoa xung quanh các chân tháp, đường dẫn vào các tháp, tường rào xung quanh khuôn viên tháp... đang xây dựng dở dang.
Tháp Bánh Ít là quần thể tháp Chăm gồm 4 tháp: Tháp Cổng, Tháp Hỏa, Tháp Bia và Tháp Chính cùng nằm trên ngọn đồi cao bên sông Kôn. Việc đơn vị thi công đưa xe cơ giới vào thi công gần tháp Bánh Ít khiến người dân và một số nhà nghiên cứu ở tỉnh Bình Định lo lắng.
Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho biết, việc dùng xe cơ giới thi công, san gạt ở khu vực tháp Bánh Ít sẽ ảnh hưởng đến ngôi tháp cổ: “Tháp Chăm và Tháp Bánh Ít cả khu đồi gắn liền với nhau, cho nên trùng tu gì đó cũng tính đến yếu tố gốc. Không nên đưa cơ giới vào di tích, cần rất phải cẩn thận. Nhà quản lý của tỉnh Bình Định cần phải tham vấn các chuyên gia để trùng tu cho đạt hiệu quả. Không nên can thiệp quá sâu, đụng đến yếu tố gốc của di tích. Không nên biến di tích của tháp Chăm thành công viên, bởi vì người ta đi tham quan không cần xem hạng mục công viên mà người ta xem tháp Chăm”.
Trước lo ngại việc thi công tu bổ bằng xe cơ giới ảnh hưởng đến tháp cổ, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Định tiến hành kiểm tra tại công trình này. Tại buổi kiểm tra, cơ quan chức năng đề nghị dừng ngay việc thi công san gạt sân phía trước và khuôn viên Tháp Chính bằng máy cơ giới, đồng thời đưa máy móc ra khỏi khu vực này. Bởi, theo hồ sơ dự án thì việc đắp cát công trình bằng thủ công và máy đầm đất cầm tay.
Công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít do Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, tổng kinh phí xây dựng 25,6 tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm 2021- 2022. Ngày 27/10/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản thỏa thuận dự án tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít. Tháng 12/2021, công trình chính thức khởi công. Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Bình Định cho biết, các hạng mục tại công trình xây dựng, tu bổ và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít đang được thực hiện theo đúng theo phương án đã được phê duyệt.
Lý giải việc đưa xe cơ giới vào gần chân Tháp Chính của Tháp Bánh ít, ông Tạ Xuân Chánh cho rằng, đơn vị thi công chỉ đưa xe vào phá tảng bê tông lớn chứ không thi công các hạng mục khác gây ảnh hưởng đến tháp: “Trên Tháp Chính có một miếng bê tông không phải di tích, tấm đan rất dày. Phương án tiến hành làm thì UBND tỉnh Bình Định đồng ý phá dỡ miếng bê tông đi để tạo mặt bằng đưa đá ong vào chân tháp và sử dụng bằng đá ong chứ không có vật liệu khác. Còn việc tháo dỡ tấm đan phải có xe, có máy đào mới thực hiện được. Khi dỡ tấm đan lên thì dưới đan có một lớp gạch vụn dưới đó”.
Hiện, tỉnh Bình Định đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực tiếp giám sát việc thi công tại công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít, không để xảy ra sai phạm tương tự. Ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết đã yêu cầu các đơn vị liên quan chấn chỉnh những sai sót của nhà thầu thi công tại công trình xây dựng, tu bổ và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít. Đồng thời, tỉnh Bình Định cũng yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu phải tuân thủ các quy định, phương án đã được cơ quan chuyên môn của tỉnh phê duyệt.
"Sau khi nghe được thông tin về việc sử dụng phương tiện cơ giới thi công tháp Bánh Ít, Thanh tra của Sở Xây dựng lên kiểm tra và nắm bắt tình hình, tất cả mọi vấn đề có liên quan đến việc thi công trùng tu tháp Bánh Ít và đã chấn chỉnh. Không phải tất cả đều phải thi công bằng phương pháp thủ công, mà chỉ có khu vực tiếp cận với tháp mới thi công bằng phương pháp thủ công. Đến nay, tất cả các phương tiện trước đây nhà thầu triển khai đã được khắc phục đưa xuống, không để ảnh hưởng đến di tích" - ông Lâm Hải Giang nói./.