Bình Định đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị tháp Chăm
VOV.VN - Thời gian qua, tỉnh Bình Định dành nhiều nguồn lực cho trùng tu, tôn tạo các tháp Chăm gắn với phát triển du lịch địa phương. Để quảng bá hình ảnh các tháp Chăm đến với du khách, ngành Văn hóa tỉnh Bình Định sử dụng QR code hỗ trợ thuyết minh, giúp khách tham quan chủ động tìm hiểu thông tin về các tháp Chăm.
Tháp Phú Lốc là tháp Chăm cổ nằm ở xã Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, cách thành phố biển Quy Nhơn 35km về phía bắc. Tháp này được xây dựng trên một đỉnh đồi cao 76m như một ngọn hải đăng khổng lồ. Đứng từ chân tháp, du khách có thể nhìn khắp 4 hướng. Tháp Phú Lốc được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật năm 1995.
Hiện nay, đường dẫn lên tháp Phú Lốc còn nhỏ nên việc tham quan di tích này không thuận lợi. UBND thị An Nhơn vừa tiến hành khảo sát con đường dẫn lên tháp Phú Lốc, xin ý kiến các sở, ngành và UBND tỉnh Bình Định để đầu tư trùng tu.
Ông Lê Quốc Cường, Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn cho biết: “Đường lên tháp Phú Lốc vẫn đi được nhưng vẫn là đường mòn, đường đất và đá, chưa được đầu tư nâng cấp. Khách du lịch cũng thi thoảng, đa số khách trong nước. Nếu chúng ta đầu tư các bậc cấp này thì thuận lợi hơn trong việc giao thông đi lại. Địa phương cũng muốn thị xã cũng như là đầu tư các hệ thống giao thông kết nối di tích thuận lợi để người ta đến tham quan.”
Tỉnh Bình Định hiện còn 8 cụm tháp Chăm với 14 tháp có niên đại từ thế kỷ XI - XV. Tất cả các tháp Chăm trên địa bàn tỉnh đã được xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật quốc gia, trong đó tháp Dương Long được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2015. Riêng tháp Hòn Chuông là một trong 22 điểm thuộc di tích Khu căn cứ Núi Bà đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1994. Hàng năm, cộng đồng người Chăm ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và phía nam thường tổ chức hành hương đến các tháp Chăm ở Bình Định thực hiện các nghi lễ cúng thần linh. Từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, tỉnh Bình Định đã đầu tư hơn 78 tỷ đồng chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo các di tích tháp Chăm. Đến nay, đã có 4 cụm di tích tháp Chăm được đưa vào khai thác, phục vụ nghiên cứu khoa học và nhu cầu tìm hiểu, thưởng lãm của du khách gần xa. Đó là tháp Đôi (thành phố Quy Nhơn), tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước), tháp Cánh Tiên (thị xã An Nhơn) và tháp Dương Long (huyện Tây Sơn).
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho biết, khi trùng tu, tôn tạo các di tích tháp Chăm quan trọng nhất phải giữ gìn yếu tố gốc: “Hệ thống tháp Chăm của Bình Định trải qua hàng ngàn năm. Cho nên công tác trùng tu hết sức cẩn trọng. Chúng tôi phối hợp với Viện Bảo tồn di tích cùng các cơ quan am hiểu về các di tích tháp Chăm trên địa bàn, không riêng gì của Bình Định mà chung của cả nước. Chúng ta mời những đơn vị chuyên môn có uy tín để tư vấn thiết kế, khảo sát. Các bước đã được ổn định rồi thì mời các đơn vị chuyên về trùng tu tháp người ta thực hiện”.
Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao đang phối hợp Sở Du lịch tỉnh Bình Định đề xuất các sản phẩm du lịch phục vụ du khách khi đến các tháp Chăm, nhất là sản phẩm du lịch ban đêm; tổ chức các tour đưa du khách về các tháp Chăm cũng như các di tích văn hóa - lịch sử của tỉnh…, qua đó phát huy hơn nữa giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch. Ngành Văn hóa tỉnh Bình Định cũng đã ứng dụng QR code hỗ trợ thuyết minh bằng văn bản và clip tại 7 cụm tháp Chăm gồm: Tháp Đôi, Bánh Ít, Bình Lâm, Cánh Tiên, Dương Long, Phú Lốc, Thủ Thiện. Khách du lịch chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR này có thể đọc thông tin, xem hình ảnh và clip để nghe giới thiệu khái quát về Vương quốc Champa và tháp Chăm ở Bình Định. Thông tin được số hóa này cũng giới thiệu đầy đủ tượng thờ Linga-Yoni, về niên đại và phong cách kiến trúc, chức năng tôn giáo các tháp Chăm.
Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định khẳng định, Sở đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo các di tích tháp Chăm, mở rộng không gian du lịch gắn với bảo tồn di tích lịch sử tháp Chăm.
“Công tác bảo vệ, quản lý, trùng tu là công việc mang tính đặc thù của các công trình về văn hóa trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình lập dự án, triển khai xây dựng chúng tôi sẽ tuân thủ nghiêm ngặt Luật Di sản văn hóa và các văn bản có liên quan. Vì tính đặc thù cho nên trong thời gian tới sẽ tranh thủ ý kiến của các chuyên gia cũng như ý kiến của các cơ quan trực thuộc bộ, đặc biệt là Cục Di sản văn hóa để làm sao chúng ta trùng tu, xây dựng bảo quản phát huy giá trị nhưng đúng với Luật Di sản văn hóa”, ông Huỳnh Văn Lợi cho biết thêm./.