Đánh thức và bảo tồn văn hóa truyền thống trong thiết kế hiện đại

VOV.VN - Việc gia tăng những yếu tố truyền thống trong sản phẩm không chỉ mang lại thành công cho cá nhân nhà thiết kế mà còn góp phần bảo tồn văn hóa, đóng góp hiệu quả cho cộng đồng và xã hội.

Trong tốc độ phát triển chóng mặt của ngành thiết kế, những chất liệu truyền thống giúp khẳng định vị trí của Việt Nam trên thế giới. Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, tính truyền thống không chỉ giúp cá nhân nhà thiết kế tạo dựng tên tuổi, danh tính mà còn giúp hình ảnh văn hóa Việt Nam được nhận dạng giữa hàng trăm ngàn tác phẩm khác. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng truyền thống trong thiết kế sản phẩm còn góp phần khôi phục các nghề thủ công, phong tục tập quán hay những giá trị đang bị mai một.

Tại tọa đàm lần 2 chủ đề "Đánh thức truyền thống" do Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức, chuyên gia Lê Bá Ngọc cho rằng, các nhà thiết kế cần xem xét truyền thống là nhịp cầu kết nối các giá trị mới, chứ không phải là di tích của quá khứ. Thông qua việc khai thác giá trị vật thể và phi vật thể như phong tục, lễ hội, nghệ thuật dân gian, công trình kiến trúc… hoặc sử dụng các nguyên liệu, kỹ thuật sản xuất truyền thống, các thiết kế sáng tạo sẽ góp phần bảo tồn và quảng bá văn hóa địa phương.

"Có rất nhiều nghề truyền thống đang bị mai một, như kỹ thuật đan bằng cây lác của đồng bào K'Ho ở Lâm Đồng hay nghề làm giấy bồi tại Hà Nội chỉ còn rất ít người đang làm. Hiện nghề thủy tinh truyền thống trên cả nước cũng chỉ còn 3 vùng. Bởi vậy rất cần các nhà thiết kế tìm tòi chất liệu truyền thống và góp phần khôi phục các làng nghề. Ví dụ như chúng tôi đã kết hợp làng nghề thủy tinh, đan lát, nghề tiện tạo ra các sản phẩm trang trí độc đáo, có giá trị kinh tế cao" – ông Lê Bá Ngọc cho biết.

Theo ông Lê Bá Ngọc, việc kết hợp nguyên liệu truyền thống với kỹ thuật sản xuất mới đã giúp nhiều sản phẩm thành công tại thị trường trong nước và quốc tế. Ví dụ nghề làm cần xé ở đồng bằng sông Cửu Long là cảm hứng tạo ra những chậu cây được xuất khẩu rất nhiều sang châu Âu,  hình ảnh nồi đất Việt đã ứng dụng vào các bộ đèn trang trí hay hoa văn thổ cẩm của người Mông, người Thái cũng được ứng dụng thành công vào các sản phẩm trong nước và xuất khẩu. 

Ngoài ra, các thiết kế sáng tạo khi gắn với các di tích và hoạt động du lịch sẽ giúp cho giá trị văn hóa được quảng bá rộng rãi. Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đang nỗ lực xây dựng các không gian sáng tạo, tổ chức hoạt động sáng tạo để di tích có sức sống hơn, đồng thời các giá trị văn hóa của di tích được truyền tải tốt hơn tới người dân và du khách.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói: "Văn Miếu - Quốc Tử Giám muốn trở thành không gian sáng tạo để có sức sống bền vững, thu hút sự quan tâm và tham gia của cộng đồng, du khách. Chúng tôi mời các nhà thiết kế, tổ chức các hoạt động sáng tạo và trưng bày sản phẩm sáng tạo. Các hoạt động trước đây như trưng bày về danh nhân Chu Văn An đã thu hút sự chú ý của công chúng, qua đó các giá trị văn hóa được đón nhận rộng rãi".

Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đang thúc đẩy thiết kế sản phẩm lưu niệm để giới thiệu đến du khách. Ông Lê Xuân Kiêu cho biết, các sản phẩm này sẽ khai thác các chất liệu truyền thống và yếu tố đặc trưng của di tích, đồng thời đảm bảo tính thân thiện với môi trường, gắn với các làng nghề truyền thống, có tính ứng dụng cao, tạo giá trị và cảm hứng cho du khách.

Ở cấp độ cá nhân, các thiết kế truyền thống trong không gian sống hiện đại có thể giúp cuộc sống con người cân bằng hơn, kết nối với tự nhiên và hiểu biết thêm về các giá trị tốt đẹp của dân tộc. Dựa trên những đồ vật quen thuộc, nhà thiết kế Trần Thảo Miên và các nghệ nhân đã tạo ra "Góc tĩnh tại" – một thiết kế độc đáo, giữ lại nét tự nhiên trong thẩm mỹ Việt. Thiết kế này đạt giải Nhất và giải Bình chọn tại cuộc thi Designed by Vietnam 2020.

"Góc tĩnh tại" trong một ngôi nhà là nơi tĩnh tâm, để con người gắn kết với nhau, với thiên nhiên, hướng tới sự hoà hợp bền vững trong không gian sống. Yếu tố truyền thống được tận dụng, như bàn trà gợi nhắc mâm cơm đầm ấm hay bộ chiếu cói là nơi gia đình sum họp hoặc biến tấu thành sân chơi. Tại không gian này, mọi người có thể tương tác, suy ngẫm hoặc cùng chơi các trò bắn bi, ô ăn quan hay "cá sấu lên bờ"... Nhà thiết kế Trần Thảo Miên cho biết, "Góc tĩnh tại" có thể thay đổi linh hoạt, co dãn vào nhiều góc nhà ở. Trong tương lai, thiết kế độc đáo này sẽ mở rộng ứng dụng sang không gian nhà hàng hoặc khách sạn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Văn hóa truyền thống - "nhà tài trợ" lớn nhất về ý tưởng thiết kế
Văn hóa truyền thống - "nhà tài trợ" lớn nhất về ý tưởng thiết kế

VOV.VN - Truyền thống không "ngủ yên" trong quá khứ mà có tính liên tục, thích ứng và biển đổi. Với lĩnh vực thiết kế, "đánh thức truyền thống" vừa là nhiệm vụ, vừa mang đến cơ hội để thành công và vươn xa.

Văn hóa truyền thống - "nhà tài trợ" lớn nhất về ý tưởng thiết kế

Văn hóa truyền thống - "nhà tài trợ" lớn nhất về ý tưởng thiết kế

VOV.VN - Truyền thống không "ngủ yên" trong quá khứ mà có tính liên tục, thích ứng và biển đổi. Với lĩnh vực thiết kế, "đánh thức truyền thống" vừa là nhiệm vụ, vừa mang đến cơ hội để thành công và vươn xa.

Gắn bảo tồn với khai thác du lịch để di sản được "sống"
Gắn bảo tồn với khai thác du lịch để di sản được "sống"

VOV.VN - Về câu chuyện bảo tồn và khai thác bền vững các di sản văn hóa hiện nay, phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Dương Văn Sáu – Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Gắn bảo tồn với khai thác du lịch để di sản được "sống"

Gắn bảo tồn với khai thác du lịch để di sản được "sống"

VOV.VN - Về câu chuyện bảo tồn và khai thác bền vững các di sản văn hóa hiện nay, phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Dương Văn Sáu – Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Chàng trai người Mông gìn giữ nghề đan lát truyền thống
Chàng trai người Mông gìn giữ nghề đan lát truyền thống

VOV.VN - Mỗi ngày Giàng A Hành lại chăm chút, cải tiến sản phẩm với ước mong khi du khách đến với miền đất "thiên đường của ruộng bậc thang" sẽ có thêm những trải nghiệm về nghề truyền thống của dân tộc địa phương.

Chàng trai người Mông gìn giữ nghề đan lát truyền thống

Chàng trai người Mông gìn giữ nghề đan lát truyền thống

VOV.VN - Mỗi ngày Giàng A Hành lại chăm chút, cải tiến sản phẩm với ước mong khi du khách đến với miền đất "thiên đường của ruộng bậc thang" sẽ có thêm những trải nghiệm về nghề truyền thống của dân tộc địa phương.