Khán giả TP.HCM xúc động với chương trình nghệ thuật “Nối vòng tay lớn”
VOV.VN - Chương trình nghệ thuật mang tên “Nối vòng tay lớn - Cả nước đồng lòng vượt qua COVID-19” đã để lại nhiều cảm xúc cho đông đảo người dân cả nước, đặc biệt là TP.HCM.
Chương trình nghệ thuật “Nối vòng tay lớn - Cả nước đồng lòng vượt qua COVID-19” được thực hiện theo hình thức cầu truyền hình trực tuyến với nhiều điểm cầu kéo dài từ Bắc tới Nam. Trong đó, Nhà hát TP.HCM được chọn làm điểm cầu chính.
Tham dự Chương trình từ đầu cầu Thủ đô Hà Nội, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi lời cảm ơn đến người dân trong và ngoài nước, đội ngũ y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch, các doanh nghiệp, nghệ sĩ và cả bạn bè quốc tế đã đồng hành cùng Việt Nam trong suốt giai đoạn chống dịch căng thẳng vừa qua.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: “Vượt qua ý nghĩa của một đêm nhạc, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam tiếp tục được tỏa sáng. Dù ở nơi đâu trên trái đất này, dù mỗi người một hoàn cảnh, một cách nhìn, cách tiếp cận, nhưng mọi trái tim người Việt Nam mang dòng máu con Lạc cháu Hồng đều luôn hướng về nguồn cội, hướng về Tổ quốc thân yêu.
Chúng ta đã và đang nhận được rất nhiều đóng góp về tinh thần và vật chất của những tấm lòng nhân ái trên khắp thế giới. Đảng và Nhà nước luôn trân trọng và cảm ơn những đóng góp đó. Tất cả vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Đảng và Nhà nước sẽ quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt với các giải pháp phù hợp, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 và nhanh chóng khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.
Sau lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, những hình ảnh, những thước phim về Sài Gòn - TP.HCM trong những ngày chống dịch vừa qua hiện lên sống động, cùng với phần thể hiện của các nghệ sĩ nổi tiếng như gia đình nghệ sĩ Cẩm Vân - Khắc Triệu và NSND Tạ Minh Tâm với các ca khúc “Sài Gòn Tôi Sẽ”, “Sài Gòn chưa xa đã nhớ”. Những địa điểm vốn rất thân quen với người dân TP.HCM, như Nhà hát thành phố, nhà thờ Đức Bà, phố đi bộ Nguyễn Huệ... hiện lên qua những đoạn phim ngắn khiến người xem xúc động vì đã khá lâu mọi người không được đến đây do giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.
Anh Trần Quốc Tuấn, một người dân ở thành phố Thủ Đức chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình thấy một chương trình ca nhạc được tổ chức trong một sân khấu lớn như vậy, nhưng lại không có một bóng người và 2 MC xuất hiện với 2 chiếc khẩu trang, thực sự tôi rất xúc động. Tiếp đó là ca khúc “Hãy yêu nhau đi” mở màn với nhiều hình ảnh các bác sĩ, chiến sĩ, nghệ sĩ và người dân cùng đồng lòng chống dịch. Và tiếp theo là lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lúc này thì tôi thật sự rơi nước mắt. Mỗi lời nói của Thủ tướng ăn sâu vào tận đáy lòng của tôi, nghe thấm thía lắm”.
Sau những ca khúc về Sài Gòn - TP.HCM, chương trình được nối tiếp bằng những ca khúc về 3 miền quê hương đất nước, về sự hy sinh, tinh thần đoàn kết, truyền thống sẻ chia và ý chí vươn lên của con người, của dân tộc Việt Nam do nhiều thế hệ nghệ sĩ của cả 2 miền thể hiện. Điều đặc biệt là tất cả các tiết mục đều được các nghệ sĩ tự thu âm, tự thực hiện và gửi về cho chương trình trong điều kiện giãn cách xã hội. Các nghệ sĩ cũng gửi nhiều lời chia sẻ, lời động viên, lời chúc và lời cảm ơn đến người dân và các y bác sĩ.
Cũng trong chương trình, khán giả được theo dõi những thước phim rất xúc động ghi lại khoảnh khắc chiến đấu giành giật sự sống của các y bác sĩ và bệnh nhân ở các bệnh viện điều trị COVID-19 và những hoạt động thiện nguyện, chia ngọt sẻ bùi của người dân TP.HCM dành cho nhau, cũng như người dân cả nước hướng về thành phố trong suốt thời gian qua.
Những khó khăn, thử thách mà ngành y tế TP. HCM đã phải trải qua trong thời gian đầu phòng chống dịch cũng như những tín hiệu quả quan hơn về sau được Bác sĩ Trần Thanh Linh - Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy 2, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 chia sẻ trong chương trình, khi kể về quá trình xây dựng bệnh viện hồi sức COVID-19 đầu tiên tại TP.HCM.
Bác sĩ Linh cho rằng chặng đường chống dịch phía trước vẫn sẽ gian nan, cần sự chung sức, đồng lòng của người dân, chính quyền với ngành y tế: “Không phải chúng ta chuẩn bị mở cửa bình thường mới là chúng ta được tự do để ùa ra, phải ý thức được việc tuân thủ những khuyến cáo của Bộ Y tế hiện nay. Những người bệnh đã trở về từ "cửa tử" chính là nhân chứng sống để cho thấy căn bệnh này phức tạp và hoành hành như thế nào. Và mới thấy những nỗ lực của ngành y tế và tất cả các ngành luôn luôn ở bên cạnh người bệnh. Như vậy, họ mới là những người tuyên truyền tốt nhất và hiệu quả nhất cho cộng đồng”.
Khi xem những hình ảnh ở các bệnh viện điều trị COVID-19, hình ảnh của các y bác sĩ căng mình chống dịch trong chương trình “Nối vòng tay lớn”, bà Trần Thị Hải Vân, ngụ phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức - một F0 đã được điều trị khỏi cũng bồi hồi nhớ lại những ngày được các bác sĩ tận tình chăm sóc, điều trị: “Trong quá trình điều trị, tôi từng chứng kiến nhiều bệnh nhân bị nặng hơn mình, chứng kiến sự vất vả của y bác sĩ tại các bệnh viện dã chiến. Với đêm nhạc ý nghĩa này, bản thân tôi và nhiều bệnh nhân khác như có thêm liều thuốc tinh thần để phấn chấn, lạc quan. Tôi cũng hy vọng thông qua chương trình sẽ có thêm nhiều nhà hảo tâm đóng góp cho ngành y tế để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh”.
Chương trình đã kêu gọi được 102 tỷ đồng của các giới đồng bào trong cả nước ủng hộ để mua thiết bị, vật tư y tế hỗ trợ lực lượng chống dịch. Có thể nói, xuyên suốt 2 tiếng đồng hồ, chương trình đã đưa khán giả đi qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, có những phút giây bi thương, lắng đọng, nhưng cũng có rất nhiều khoảnh khắc tươi đẹp, ấm áp về tình người và nghị lực. Sau tất cả, điều đọng lại vẫn là một niềm tin vào một ngày mai tươi sáng, dịch bệnh được đẩy lùi./.