Ngôi chùa thời Trần ở vùng sông Mã
VOV.VN - Chùa Vích là một trong những ngôi chùa có nhiều tượng cổ nhất của tỉnh Thanh Hóa và còn giữ nguyên cho tới ngày nay.
Thanh Hoá có nhiều công trình kiến trúc - nghệ thuật có giá trị độc đáo trải dài trong các thời kỳ từ Đinh - Lê - Lý - Trần… Những nét kiến trúc của đình, chùa mang đậm văn hoá đồng bằng miền biển này đã trở thành di sản văn hoá quốc gia và đang được xứ Thanh bảo tồn và phát huy. Chùa Vích thuộc huyện Hậu Lộc là một di tích mang nhiều nét kiến trúc cổ với hoạ tiết trang trí, vật liệu, kết cấu kiến trúc từ thời xưa và đến nay vẫn được gìn giữ.
Chùa Vích là một trong những ngôi chùa cổ của huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá, có niên đại gần 800 năm. Chùa được xây dựng trên một gò đất bên dòng sông Kênh De vào năm 1227 đời vua Trần Thái Tông, có tên chữ là “Bích Tiên tự”, tên ghép của ba xã Y Bích, Lộc Tiên và Tiên Xá trước đây. Hiện nay, chùa vẫn còn lưu giữ tấm bia ghi dòng chữ “Tam xã hưng công bi”.
Phía nam của ngôi chùa là những cánh đồng muối trải rộng, trong khuôn viên chùa có nhiều cây cối xanh tươi, phong cảnh hữu tình. Ông Lê Doãn Giai, người làng Y Bích, đỗ tiến sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 4 (1743), được khắc tên trong văn bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đã từng có bài thơ ngợi ca cảnh chùa như sau: “Đài giao óng ánh nẻo xa khơi/ Cửa ngọc long lanh mặt biển ngời/ Năm sắc khói hương thơm ngất đất/ Chín tầng mây tuyết phủ ngang trời/ Nơi đây vương vấn thường lui tới/ Chốn ở thần tiên đẹp tuyệt vời/ Nước biếc mênh mông làn sóng bạc/ Anh linh vang mãi đến muôn đời”.
Toạ lạc ở gần cửa biển Lạch Trường, nên đây là ngôi chùa được người dân 5 xã miền biển hay lui tới vãn cảnh và gửi gắm những nguyện cầu bình an, may mắn cho những chuyến ra khơi vào lộng thu được nhiều “lộc biển”.
Sư cô Thích Nữ Đề Thông, trụ trì chùa Vích cho rằng: “Đạo Phật đã ăn sâu vào trong lòng người dân Việt Nam. Do đó, ngôi chùa giống như là bùa làng. Chùa là nơi để người dân gửi gắm niềm tin tâm linh, buông bỏ phiền não, giải tỏa mọi ưu tư, trở về với bình an trong tâm. Nhà chùa phối hợp cùng với địa phương luôn muốn gìn giữ, bảo tồn di tích của cha ông để lại”.
Chùa Vích còn là một di tích cách mạng, nơi liên lạc của nhiều chí sĩ yêu nước và tổ chức nhiều cuộc họp bí mật của Đảng. Từ năm 1936 - 1938, chiến sĩ cách mạng Đinh Chương Dương đã hoạt động ngay tại ngôi chùa này. Ngoài ra, cụ còn truyền bá và vận động phong trào cách mạng bằng cách bồi dưỡng cho lớp thanh niên trong vùng tham gia tích cực trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp. Lớp dạy chữ quốc ngữ cho dân làng cũng được thực hiện tại đây. Ông Nguyễn Chung, nguyên Hiệu trưởng trường THCS Hải Lộc, cũng là người tham gia chép sử của xã, cho biết: “Khi cụ Đinh Chương Dương ở đây, nhiều cán bộ của Đảng cũng về hoạt động cách mạng như: Nguyễn Lương Bằng, Tố Hữu, Bùi Đạt, Lê Bạch Lan. Việc mở lớp dạy chữ quốc ngữ xuất phát từ phong trào giáo dục phát huy truyền thống học tập ở địa phương. Ở đây, ngày xưa có nhiều vị đỗ đạt cao. Ví dụ như cụ Nguyễn Duy Sâm đỗ Đại khoa từ thế kỷ 15, tức là 1490, có tên ở bia Quốc Tử Giám; cụ Lê Doãn Giai, đỗ quan nghè, làm đến chức Đông tác đại học sĩ. Sau này, cụ cũng có công đóng góp và xây dựng ngôi chùa này”.
Chùa Vích ngày nay vẫn còn giữ được nhiều nét kiến trúc cổ. Ngôi chùa chính có kiến trúc hình chữ “Công”, mang giá trị nghệ thuật kiến trúc gỗ dân gian truyền thống. Mái cong lợp ngói mũi hài có hoa văn hoạ tiết. Phía trước chùa có chuông đồng nặng một tấn. Chùa Vích là một trong những ngôi chùa có nhiều tượng cổ nhất của tỉnh Thanh Hóa với 18 pho tượng cổ còn giữ nguyên cho tới ngày nay. Đây là bộ thổ tượng, được người dân làm từ đất sét. Với những giá trị hiện còn lưu giữ trong chùa, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng di tích quốc gia đối với Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Vích, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa vào ngày 22/8/2008.
Trải qua nhiều thế kỷ, dù được tu sửa một số lần nhưng chùa Vích vẫn giữ nguyên được bản thể của di tích kiến trúc nghệ thuật. Ông Bùi Văn Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lộc, cho biết: “Các bức tường xung quanh chùa ngày xưa được xây bằng tiểu sành. Khi tôn tạo lại, Đảng ủy, chính quyền địa phương và Ban quản lý di tích vừa cải tạo, vừa xây dựng đồng thời vẫn giữ được bản gốc di tích của chùa. Do đó, Hải Lộc được đánh giá cao về công tác bảo vệ, quản lý di tích.”
Tỉnh Thanh Hoá đã lập quy hoạch tổng thể chùa Vích trình lên Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch. Trong bản thiết kế quy hoạch này, địa phương chủ trương muốn cải tạo lại khu tam quan, cổng chùa, khu nhà mẫu, khu nhà ni và mở rộng khuôn viên chùa Vích. Sau khi được phê duyệt và để quy hoạch thành công trong năm năm tới, theo lời ông Bùi Văn Giang, xã Hải Lộc rất cần sự góp công, góp sức của bà con nhân dân trong xã, những người con xa quê và khách thập phương xa gần trong việc trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia chùa Vích, một nét văn hoá xứ Thanh./.