Nhận thức đúng về di sản để bảo tồn và phát huy
VOV.VN - Festival nghề truyền thống Huế được tổ chức 2 năm một lần nhằm giới thiệu những tinh hoa của nghề thủ công truyền thống Việt Nam, tôn vinh tài năng của nghệ nhân và gìn giữ nghề truyền thống không chỉ riêng Huế mà của tất cả mọi miền Tổ quốc.
Diễn ra lần đầu tiên vào năm 2005, Festival nghề truyền thống Huế cho đến nay vẫn giữ được giá trị cốt lõi của một Festval truyền thống là quảng bá văn hóa, giới thiệu hình ảnh Huế, đồng thời tạo điều kiện để người dân Huế kinh doanh và có thu nhập tốt hơn từ các sản phẩm mang tính truyền thống, đặc trưng...
Theo Ban tổ chức, chương trình năm nay sẽ có nhiều đổi mới, đặc sắc, khác biệt so với các kỳ trước. Đặc biệt, việc bố trí thời gian của Festival nghề truyền thống Huế 2021 trải dài, có điểm nhấn chính vào mỗi cuối tuần nhằm tạo sự hấp dẫn, góp phần kích cầu du lịch... Và nếu không có gì thay đổi, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, Festival nghề truyền thống Huế dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 7 tới. Đây là dịp Cố đô Huế một lần nữa phô diễn những thành tựu của mình trong việc gìn giữ, phát huy các di sản văn hóa truyền thống, đặc biệt là di sản làng nghề.
Vậy làng nghề truyền thống ở Huế được gìn giữ và phát huy ra sao trong bối cảnh hiện nay? Phóng viên VOV2 đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.
PV: Thưa ông, Thừa Thiên - Huế được biết đến là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống, các làng nghề đã được chính quyền và người dân gìn giữ như thế nào?
TS. Phan Thanh Hải: Từng giữ vai trò là thủ phủ của Đàng Trong (1636-1775), rồi kinh đô của Việt Nam dưới 2 triều đại Tây Sơn (1788-1801) và triều Nguyễn (1802-1945), Thừa Thiên - Huế là nơi hội tụ của rất nhiều nghề thủ công truyền thống vốn là những tượng cục, hay làng nghề cổ phục vụ cho triều đình vua chúa, giai cấp quý tộc, quan lại… Đến nay, dù trải qua nhiều biến động lịch sử, cố đô Huế vẫn còn bảo tồn được một hệ thống làng nghề phong phú như làng nghề đúc đồng Phường Đúc, làng nón Phủ Cam, làng hoa giấy Thanh Tiên, làng rượu và làm liễn đối An Truyền, các làng làm bún, làm bánh, làm mắm… Hệ thống làng nghề này vẫn hoạt động và cung cấp sản phẩm không chỉ cho địa phương mà còn cả vùng miền Trung và cả nước, phục vụ cho thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế.
Trong những năm qua, chính quyền và người dân Thừa Thiên - Huế đã nỗ lực để gìn giữ, phát huy các làng nghề này và xem đó như là một di sản quý của địa phương. Chính quyền đã có một số chính sách để khuyến khích các làng nghề phát triển, hỗ trợ công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ tổ chức các cuộc thi nâng cao tay nghề, sáng tác mẫu mã mới, khuyến khích hoạt động khởi nghiệp và sáng tạo trên nền tảng các di sản nghề truyền thống… Đặc biệt, đã tổ chức các kỳ festival Nghề truyền thống liên tục vào các năm lẻ (năm chẵn tổ chức Festival văn hóa quốc tế) để tạo cơ hội quảng bá các sản phẩm thủ công truyền thống, tăng cường sự giao lưu hợp tác giữa các nghệ nhân, nhà sản xuất, nhà phân phối… Còn người dân thì tích cực hưởng ứng các hoạt động của chính quyền, xem đó là cơ hội tốt để bảo tồn, gìn giữ một di sản quý giá của cha ông, và hơn thế, để phát triển sinh kế của mình.
PV: Gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống, trong đó có văn hóa làng nghề trong giai đoạn hiện nay là việc không hề đơn giản, thưa ông?
TS. Phan Thanh Hải: Đúng vậy! Trong xu thế hội nhập và thế giới ngày càng phẳng hiện nay, việc giữ gìn, phát huy được các giá trị di sản truyền thống, trong đó có hệ thống làng nghề thủ công hoàn toàn không đơn giản, thường xuyên bị áp lực và những khó khăn do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và sản xuất công nghiệp hiện đại, áp lực bởi xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa, phổ quát hóa các giá trị. Tuy nhiên, bảo tồn, gìn giữ và phát huy được các di sản truyền thống hay không lại đòi hỏi tầm nhìn, bản lĩnh và quyết tâm của các quốc gia, dân tộc, và cụ thể hơn là các địa phương. Thừa Thiên - Huế cũng không phải là ngoại lệ.
PV: Vậy trong xã hội hiện đại, phát huy giá trị truyền thống như thế nào? Hay nói cách khác là cần thay đổi gì để các giá trị ấy phù hợp với đời sống đương đại?
TS. Phan Thanh Hải: Trước xu thế toàn cầu hóa, phổ quát hóa các giá trị hiện nay, hầu hết các quốc gia dân tộc đều tìm cách bảo vệ các giá trị truyền thống, để khi hòa nhập không bị hòa tan.
UNESCO từng khẳng định, di sản chỉ có giá trị khi nó mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho cuộc sống đương đại. Vì vậy, các giá trị truyền thống cũng phải tương thích, phù hợp và phát huy giá trị để mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho sự phát triển, nếu không, nó sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội.
Đối với các làng nghề truyền thống Việt Nam nói chung và làng nghề ở Huế nói riêng, việc thay đổi để thích ứng với xã hội hiện nay là điều tất yếu. Sự thay đổi này trước hết đòi hỏi thay đổi về tư duy và cách tiếp cận với thị trường, cần phải hiểu rõ thị trường cần gì, đòi hỏi gì về sản phẩm (bao gồm cả mẫu mã, hình thức, chất lượng…) để từ đó có sự đáp ứng phù hợp. Ở chiều khác, việc định hướng cho thị trường cũng rất quan trọng, nhưng cần sự hỗ trợ tích cực của chính quyền các cấp, nhất là trong công tác quảng bá, tuyên truyền và hỗ trợ pháp lý.
PV: Như câu chuyện áo dài Huế đang được lan toả rộng rãi trong đời sống người dân, có phải là một thành công không thưa ông? Kinh nghiệm của Huế là gì?
TS. Phan Thanh Hải: Kinh nghiệm của chúng tôi là phải nhận thức đúng về di sản, từ đó có chính sách phù hợp để bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị một cách phù hợp.
Câu chuyện phục hồi chiếc áo dài truyền thống được khởi xướng từ Huế đang có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với cộng đồng, nhất là trong giới trẻ. Chúng tôi nỗ lực quảng bá, giới thiệu để cộng đồng hiểu đúng về di sản này, từ đó có sự trân trọng, có ý thức để giữ gìn, phát triển, nâng cao giá trị. Rất mừng là chúng tôi đang đi đúng hướng.
Tôi tin rằng, áo dài truyền thống, bao gồm cả áo dài nam và áo dài nữ sẽ ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, khẳng định được giá trị và vị thế của mình, góp phần khẳng định bản sắc Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập. Đồng thời, công cuộc phục hưng áo dài cũng góp phần không nhỏ cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương theo hướng bền vững, rất phù hợp với tinh thần chỉ đạo định hướng của Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
PV: Ông có nghĩ sự sống dậy của áo dài Huế đã tạo nên một giá trị mới cho di sản này?
TS. Phan Thanh Hải: Chắc chắn rồi. Sự phục hưng của áo dài truyền thống cũng đồng nghĩa với việc di sản này đã có được một sức sống mới và sẽ ngày càng tỏa sáng trong xã hội đương đại. Với cố đô Huế, áo dài không chỉ là biểu tượng về văn hóa mà còn là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững. Sự phục hưng của áo dài thực chất là quá trình đưa di sản vào cuộc sống, phục vụ cuộc sống, phục vụ cộng đồng và sự phát triển.
Tất nhiên, để tương thích phù hợp với xã hội đương đại, áo dài truyền thống cũng cần có sự thay đổi. Bản thân áo dài là một loại trang phục nên luôn có tính thời trang và thời đại. Sự thay đổi về chất liệu, màu sắc, kiểu dáng cho một số loại áo dài là xu thế tất yếu và lịch sử phát triển của chiếc áo dài nữ cũng đã chứng minh rất rõ điều này. Tuy nhiên, mọi sự thay đổi, cách tân đều phải dựa trên sự hiểu biết sâu sắc, đầy đủ về các đặc trưng, đặc điểm của áo dài Việt để đảm bảo không xa rời truyền thống và giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Với những loại trang phục dành cho nghi lễ trang trọng thì cần giữ gìn nghiêm ngặt các đặc trưng vốn có. Kinh nghiệm của người Nhật trong việc bảo tồn chiếc áo kimono và cải tiến liên tục loại áo yukata là một bài học rất hay cho chúng ta.
PV: Trân trọng cảm ơn ông./.