Phong trào văn nghệ, văn hóa dân gian lan tỏa rộng khắp Lạng Sơn
VOV.VN - Phát huy những thế mạnh văn hóa dân gian bản địa, Lạng Sơn đang tiếp tục triển khai mô hình CLB văn hóa dân gian với giải pháp cụ thể, thiết thực để góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đã thành thông lệ, cứ khi trời chập tối, bà con Tày Nùng thị trấn Na Sầm, hay xã Hội Hoan, xã Hoàng Việt của huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn lại rộn ràng kéo đến nhà văn hóa thôn để cùng nhau sinh hoạt, tập luyện trong CLB đàn tính hát then. 2 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Văn Lãng đã thành lập được 59 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, nổi bật là các CLB then - tính được bà con địa phương ủng hộ, tham gia nhiệt tình.
Việc sinh hoạt, tập luyện hát then, đánh đàn tính đã trở thành điều không thể thiếu đối với đồng bào Tày Nùng và cả một số dân tộc khác tại huyện Văn Lãng. Thành viên trong CLB ngày một tăng lên với đầy đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ đến già. Đều đặn hằng ngày, họ đến sinh hoạt tại CLB để học những lời hát mới, những tiếng đàn hay và khi có dịp, những tiết mục hay nhất sẽ được chọn để đi biểu diễn tới đông đảo khán giả trong và ngoài tỉnh tại những dịp lễ, hội.
Bà Trung Thị Hoa, người dân xã Hoàng Việt, năm nay đã 68 tuổi cho biết: “Đầu tiên chúng tôi chỉ là nhóm nhỏ thôi, sau này thành lập CLB, suốt trong quá trình vừa rồi chúng tôi cũng được đi giao lưu nhiều tại Hà Giang, hay các địa phương khác trong cả nước. Người biết dạy cho người chưa biết, người biết nhiều dạy cho người biết ít. Mọi người đều rất nhiệt tình tham gia, khi có bài hát mới chúng tôi cùng nhau luyện tâp, và càng ngày CLB càng ngày càng phát triển. Đứng trên sân khấu chúng tôi thấy rất tự hào vì đã góp phần gìn giữ, phát triển được nét đẹp văn hóa dân tộc”.
Vương Quốc Tài (SN 2003) ở thị trấn Na Sầm có niềm đam mê hát then từ nhỏ. Việc gia nhập CLB đàn tính hát then của thôn giúp Quốc Tài được kết giao với các cô, các bác có chung niềm đam mê. Vương Quốc Tài chia sẻ: “Cá nhân tôi yêu thích bộ môn hát then cổ này, để lưu giữ bản sắc cổ truyền của dân tộc Lạng Sơn bởi những nét văn hóa như này rất dễ bị mai một, vì vậy thế hệ trẻ cần lưu giữ và bảo tồn. Tôi cũng may mắn được lưu diễn ở nhiều địa phương vào những dịp, lễ tết, trong những tiết mục biểu diễn thì người dân cổ vũ CLB rất nồng nhiệt, hào hứng. Đó chính là nguồn động lực to lớn để động viên, cổ vũ mọi người trong CLB cùng nhau cố gắng và nâng cao chất lượng những tiết mục”.
Bà Đặng Thị Hiền - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Văn Lãng nhận xét: “Phong trào văn hóa, văn nghệ đã lan tỏa rộng khắp đến tất cả các thôn, bản, khu phố. Vào những buổi tối, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, hang ngày ngoài lao động sản xuất, bà con đều tập luyện, tham gia các CLB rất tích cực, sôi nổi dù kinh phí hỗ trợ còn nhiều hạn chế. Chúng tôi cũng gắn với việc phát triển du lịch, hiện nay đang hướng tới việc các CLB sẽ tập trung phát triển vào việc tham gia biểu diễn, trình diễn, quảng bá các làn điệu dân ca để phục vụ du khách khi tới tham quan, trải nghiệm tại các điểm du lịch trên địa bàn. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng huy động các nguồn lực để hỗ trợ các CLB đầu tư, duy trì và phát triển mạnh mẽ hơn nữa”.
Theo Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lạng Sơn là 1 trong 5 tỉnh của cả nước (cùng với Kon Tum, Phú Yên, Ninh Thuận và Đắk Nông) là nơi triển khai xây dựng các mô hình CLB sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng di dân tái định cư gắn với phát triển du lịch. Trên thực tế, du khách đến với Lạng Sơn không chỉ để thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh, những địa chỉ văn hóa lịch sử mà một trong những điều khiến họ cảm thấy thích thú là được lưu trú ngay tại bản làng của người dân bản địa, tìm hiểu phong tục tập quán, nét sinh hoạt thường ngày của họ và thưởng thức các chương trình dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Việc xây dựng mô hình CLB sẽ gìn giữ, lưu truyền cho các thế hệ mai sau những giá trị độc đáo, mang đậm tính nhân văn, những phong tục, tập quán tốt đẹp về lề lối sinh hoạt văn hóa, âm nhạc dân gian các dân tộc thiểu số và đem lại sự mới mẻ cho hoạt động du lịch.
Ông Hoàng Thế Vinh - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Thời gian tới, việc xây dựng, tổ chức các CLB đàn hát dân ca tại Lạng Sơn phải gắn với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, đảm bảo tính khả thi. Lựa chọn nghiên cứu, bảo tồn phát huy những loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số phải gắn với phát triển du lịch có giá trị tiêu biểu, đặc sắc; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phân tán… Đồng thời, phải tổ chức xây dựng, khai thác tốt loại hình du lịch đặc trưng, phù hợp với đặc điểm văn hóa cộng đồng, mở rộng các ngành kinh tế phát triển vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi… tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương”.
Để triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030”, Bộ VHTT&DL yêu cầu tỉnh Lạng Sơn nói riêng cũng như các địa phương cần chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nghệ nhân, hướng đến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo môi trường văn hóa, không gian văn hóa phù hợp để đồng bào các dân tộc thường xuyên được giao lưu, trình diễn văn hóa truyền thống trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu văn hóa trong từng cộng đồng hoặc giữa các cộng đồng dân tộc với nhau. Trong quá trình thực hiện xây dựng các CLB sinh hoạt văn hóa dân gian tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng di dân tái định cư cần đảm bảo thiết thực, hiệu quả, khai thác được nét văn hóa đặc thù của địa phương./.