Thừa Thiên Huế bảo tồn và phát huy giá trị đô thị di sản quốc gia

VOV.VN - Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa thì Cố đô Huế được đánh giá là nơi bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường, lối sống, phong tục tập quán.

Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định rõ mục tiêu, phương hướng về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phấn đấu sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Festival, trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng “Văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”. Trong 3 năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung hoàn thiện quy hoạch và chỉnh trang đô thị, đồng bộ cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa…, sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. 

Di dời hàng ngàn hộ dân ra khỏi khu vực I di tích Kinh thành Huế là cuộc di dân lịch sử và lớn nhất từ trước đến nay tại thành phố di sản cố đô Huế. Đây cũng là một trong những nỗ lực rất lớn của địa phương trong việc sắp xếp, tổ chức lại không gian cho Kinh thành Huế. Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa thì Cố đô Huế được đánh giá là nơi bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường, lối sống, phong tục tập quán. Muốn xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị di sản phải tạo được hình thái đô thị đặc thù, mang đậm tính chất di sản của Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, khi không gian mở rộng thì Huế sẽ có điều kiện thuận lợi để bảo tồn di sản - giá trị cốt lõi:“Để Thừa Thiên Huế thực sự là một đô thị di sản thì cần phải có những tác động mạnh hơn nữa. Điểm yếu của đô thị Huế đó là dịch vụ đô thị, chưa có điều kiện để nó phát triển, chưa có những cơ sở dịch vụ có quy mô lớn, chưa có những đầu tư mà có thể tạo ra bứt phá. Nếu như Thừa Thiên Huế được chuyển thành một đô thị di sản cấp quốc gia thì phải có một chính sách về quốc gia đối với việc bảo tồn những giá trị truyền thống và từ những giá trị truyền thống đó mà đầu tư, phát triển, hình thành những giá trị trị tiếp nối di sản mình đang có".

Tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng nỗ lực xây dựng Huế trở thành đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường, xứng tầm là trung tâm văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Trung ương đã xác định rất rõ là mô hình của Thừa Thiên Huế có tính chất đặc biệt, đó là mô hình dựa trên nền tảng của văn hóa, của di sản và bảo vệ bản sắc văn hóa truyền thống, văn hóa Huế: “Trong việc xây dựng mô hình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, yếu tố văn hóa di sản sẽ đóng vai trò nền tảng hết sức quan trọng. Chiến lược của tỉnh thể hiện rất rõ, đó là việc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trung tâm lớn, đặc sắc của Việt Nam và của Đông Nam Á về văn hóa, về du lịch.”

Theo Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Chính phủ phê duyệt thì phạm vi ranh giới là toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế với 6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố. Bà Nguyễn Phương Thảo, ở phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy cho biết, khi thay đổi ranh giới, điều chỉnh về địa giới hành chính sẽ gây xáo trộn trong đời sống người dân. Thế nhưng, người dân nơi đây sẵn sàng ủng hộ khi thực hiện chủ trương đưa tỉnh này vươn lên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. “Khi thay đổi về ranh giới và điều chỉnh về địa giới hành chính thì sẽ gây ra một số khó khăn nhất định đối với người dân. Như thay đổi về hộ khẩu sẽ có một số khó khăn, tuy nhiên người dân luôn luôn ủng hộ, sẵn sàng và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện chủ trương này. Toàn dân của tỉnh Thừa Thiên Huế đều rất vui mừng và rất là ủng hộ chủ trương để đưa tỉnh Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương", bà chia sẻ.

Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh. Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu và là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế sẽ là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á. Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc giải quyết bài toán giữa phát triển và kinh tế, phát triển văn hóa, bảo tồn di sản đặt ra nhiều thách thức lớn; Quá trình trùng tu, bảo tồn di tích cũng đòi hỏi có những nguồn lực lớn.

“Tỉnh đang tập trung  đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị. Phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin và đô thị đồng bộ, hiện đại và thông minh. Thu hút các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành kinh tế mũi nhọn, sớm đạt mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương", ông Nguyễn Văn Phương phát biểu.

Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực xây dựng, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Sự khác biệt trong định hướng phát triển Thừa Thiên Huế là không khuyến khích phát triển với mật độ dân cư cao, không quá tập trung “nóng” vào khu, cụm công nghiệp và ngành công nghiệp. Từ định hướng này, địa phương tập trung mọi nguồn lực cho việc phát triển theo hướng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làm trọng tâm, lấy dịch vụ, du lịch và các thế mạnh của một trung tâm văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ để phát triển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thừa Thiên Huế tăng cường đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán
Thừa Thiên Huế tăng cường đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán

VOV.VN - Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải vừa phát động đợt cao điểm về vận tải và trật tự an toàn giao thông phục vụ dịp Tết Quý Mão 2023.

Thừa Thiên Huế tăng cường đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán

Thừa Thiên Huế tăng cường đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán

VOV.VN - Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải vừa phát động đợt cao điểm về vận tải và trật tự an toàn giao thông phục vụ dịp Tết Quý Mão 2023.

Khai trương hệ thống vé điện tử và dịch vụ trải nghiệm di tích ảo tại Cố đô Huế
Khai trương hệ thống vé điện tử và dịch vụ trải nghiệm di tích ảo tại Cố đô Huế

VOV.VN - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế khai trương hệ thống vé điện tử và dịch vụ trải nghiệm, tham quan di tích ảo XR vào sáng nay (20/12), nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, bổ sung các sản phẩm trải nghiệm mới hấp dẫn du khách khi đến tham quan Quần thể di tích Cố đô Huế.

Khai trương hệ thống vé điện tử và dịch vụ trải nghiệm di tích ảo tại Cố đô Huế

Khai trương hệ thống vé điện tử và dịch vụ trải nghiệm di tích ảo tại Cố đô Huế

VOV.VN - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế khai trương hệ thống vé điện tử và dịch vụ trải nghiệm, tham quan di tích ảo XR vào sáng nay (20/12), nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, bổ sung các sản phẩm trải nghiệm mới hấp dẫn du khách khi đến tham quan Quần thể di tích Cố đô Huế.

Dâng hương kỷ niệm tại tượng đài Quang Trung, Huế
Dâng hương kỷ niệm tại tượng đài Quang Trung, Huế

VOV.VN - Trong không khí chuẩn bị bước sang năm mới 2023, sáng 18/12/2022, tại khu tượng đài Anh hùng dân tộc, hoàng đế Quang Trung và núi Bân lịch sử; Thành ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam thành phố Huế trang trọng tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm 234 năm ngày Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế (ngày25/11 năm Mậu Thân 1788).

Dâng hương kỷ niệm tại tượng đài Quang Trung, Huế

Dâng hương kỷ niệm tại tượng đài Quang Trung, Huế

VOV.VN - Trong không khí chuẩn bị bước sang năm mới 2023, sáng 18/12/2022, tại khu tượng đài Anh hùng dân tộc, hoàng đế Quang Trung và núi Bân lịch sử; Thành ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam thành phố Huế trang trọng tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm 234 năm ngày Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế (ngày25/11 năm Mậu Thân 1788).