Triển lãm “Mạch di sản” tôn vinh nghệ thuật sơn mài truyền thống
VOV.VN - Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp cùng các họa sỹ Latoa Indochine tổ chức triển lãm tranh với chủ đề “Mạch di sản” tại Trung tâm Giao lưu văn hoá khu phố cũ Hà Nội (số 49 Trần Hưng Đạo, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm), từ nay đến hết ngày 3/9/2024.
Triển lãm tranh “Mạch di sản” trưng bày trên 60 bức tranh với đề tài tranh dân gian Hàng Trống - Đông Hồ - Kim Hoàng quen thuộc như Lợn đàn, Thần kê, Đánh ghen, Ngũ hổ, Đám cưới chuột,… nhưng lại được đã “tái tạo” trên cơ sở kết hợp kỹ thuật tranh sơn mài với tranh sơn khắc, mang đến cho những người yêu nghệ thuật một góc nhìn thú vị, đầy sáng tạo về dòng tranh truyền thống của dân tộc.
Tại triển lãm, Latoa Indochine cùng cộng sự như họa sĩ Lương Minh Hoà, họa sĩ Trần Thiệu Nam, họa sĩ Nguyễn Văn Phúc, họa sĩ Nguyễn Thái Học... cũng sẽ giới thiệu tới công chúng những tác phẩm về sen, múa đèn, phong cảnh, nhân vật… Các tác phẩm cũng thể hiện qua chất liệu sơn mài được tạo ra từ tất cả nỗ lực, kiên trì và cả tình yêu, đam mê nghệ thuật của người họa sĩ.
Ông Phạm Ngọc Long - Chủ tịch Latoa Indochine cho biết triển lãm tranh “Mạch di sản” thể hiện nỗ lực của các nghệ sĩ nhằm đưa tranh dân gian Việt Nam lên tầm cao mới, giá trị hơn và mang tính bảo tồn nhiều hơn, đồng thời giúp cho việc lưu trữ, bảo tồn tranh phù hợp với xu hướng hiện nay. Dụng ý của Ban tổ chức khi đặt triển lãm “Mạch di sản” vào không gian biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo nhằm mang đến sự kết hợp giữa kiến trúc và nghệ thuật, trong đó yếu tố giao thoa văn hóa đưa du khách vào hành trình cảm nhận, từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.
Về “Mạch di sản”, ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đánh giá cao mục tiêu và chất lượng của triển lãm lần này: "Ngày càng nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ quan tâm đến di sản, đây là điều đáng mừng cho Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Lần này nhóm họa sĩ và Latoa Indochine đã giới thiệu nhiều tác phẩm sáng tạo, mang tính nghệ thuật cao trên nền tảng khai thác chất liệu truyền thống, với cách thể hiện khéo léo, sáng tạo, gây bất ngờ cho người xem".
Trong thời gian trưng bày triển lãm, nhóm nghệ sĩ sẽ tổ chức các hoạt động trải nghiệm sơn mài khắc, nhằm giới thiệu tới công chúng hiểu sâu hơn về nghệ thuật sơn mài truyền thống của Việt Nam và hướng dẫn trải nghiệm các công đoạn để tạo ra một tác phẩm tranh sơn mài khắc.
Tranh dân gian vốn gắn bó với người dân Việt Nam trong nhiều thế kỷ, nhưng vì nhiều nguyên nhân, giờ đây dòng tranh này đang đứng trước nguy cơ mai một. Để bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống quý báu này, Latoa Indochine cùng các cộng sự đã phục hồi, phát huy, bảo tồn tranh dân gian và không gian nghệ thuật kiến trúc Đông Dương, mang đến “đời sống mới” cho nghệ thuật hội họa xưa, để những nghệ thuật truyền thống có chỗ đứng trong đời sống hiện đại.
Từ hôm nay (9/8) đến hết ngày 3/9/2024, triển lãm tranh “Mạch di sản” mở cửa tham quan tự do từ 9h - 17h các ngày từ thứ Ba đến Chủ nhật hàng tuần, tại Tầng 1 và tầng 2 của Trung tâm Giao lưu văn hoá khu phố cũ Hà Nội (số 49 Trần Hưng Đạo, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm).