Triển lãm Thư pháp “Một mối xa thư”: Kết nối giá trị truyền thống
VOV.VN - Chiều 20/11, tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã diễn ra Triển lãm thư pháp “Một mối xa thư” nhằm giới thiệu, quảng bá các tác phẩm thư pháp được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ.
Triển lãm “Một mối xa thư” là một nội dung hoạt động nằm trong chuỗi 50 sự kiện lễ hội thiết kế, sáng tạo của thành phố Hà Nội năm 2022, thuộc triển lãm thư pháp Thăng Long - Hà Nội, do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Nhân Mỹ học đường đồng tổ chức. Đây cũng là hoạt động được tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11.
Theo ông Lê Xuân Kiêu, Trưởng ban tổ chức triển lãm, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, triễn lãm lần này được tổ chức để các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ được tiếp cận và ý thức được giá trị di sản văn hóa Hán, Nôm thông qua dạng thức trực quan. Đồng thời, triển lãm ‘Một mối xa thư’ cũng là cơ hội nhằm giới thiệu đến công chúng các giá trị tư tưởng, đạo đức, văn hóa, thẩm mỹ được hàm chứa trong các tác phẩm thơ, văn bằng chữ Hán, chữ Nôm tiêu biểu thông qua nghệ thuật thư pháp.
“Thông qua đó, chúng tôi hy vọng sẽ giúp người xem cảm nhận được mạch nguồn văn hóa cha ông luôn được tiếp nối từ truyền thống đến hiện đại. Bên cạnh đó, triển lãm cũng là nơi tập hợp, gắn kết những người có chung niềm đam mê nghệ thuật thư pháp góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”, ông Kiêu cho biết.
Trong quan niệm của người xưa tại Việt Nam và các nước Đồng Văn, cụm từ “xa thư” được dùng đặt cho tên của triển lãm như một khái niệm để chỉ giang sơn đất nước thu về một mối, với chế độ văn vật áp dụng thống nhất ở cả ba miền. Đây cũng là lý do “Một mối xa thư” được lựa chọn trở thành chủ đề cho Triển lãm Thư pháp 2022 tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hội tụ các tác giả từ ba miền đất nước.
Biểu trưng “xa thư” cũng được nhắc đến trong bài thơ khắc chính giữa điện Thái Hòa, cố đô Huế với nội dung
“Văn hiến thiên niên quốc,
Xa thư vạn lý đồ,
Hồng Bàng khai tịch hậu,
Nam phục nhất Đường, Ngu”
Theo lời dịch của nhà Thư pháp Nam Long, bài thơ trên có ý nghĩa “Ngàn năm văn hiến cõi bờ/Bản đồ một mối xa thư trải dài/Hồng Bàng mở nước đến nay/Phương Nam riêng cũng có ngày Thuấn Nghiêu”. Và cũng chính ngay tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cụm từ “xa thư” cũng được đề cập ở câu đối trên bia đình với nội dung ca ngợi đất nước toàn vẹn, cùng áp dụng một chế độ, đạo học tiếp nối truyền thống, nhân tài xuất hiện đông đảo.
Phát biểu khai mạc tại triển lãm, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã nhận định BTC luôn mong muốn được phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý, nghiên cứu trong và ngoài nước, đặc biệt là các Câu lạc bộ thư pháp trên địa bàn thành phố Hà Nội, các tỉnh, thành phố trên cả nước để có thêm nhiều những hoạt động sáng tạo thiết thực với quy mô ngày càng chất lượng, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng. Đặc biệt là sự chung tay, góp sức của các thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa.
Triển lãm năm nay với chủ đề “Một mối xa thư” đã hội tụ được 65 tác giả thư pháp đại diện các tỉnh, thành phố và 1 đại biểu quốc tế, qua đó đã có hơn 100 tác phẩm thư pháp được trưng bày triển lãm với nội dung từ các tác phẩm Việt Nam và di sản văn chương gắn liền với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ca ngợi cảnh đẹp đất nước, tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, coi trọng hiền tài của dân tộc Việt Nam.
Triển lãm “Một mối xa thư” sẽ được trưng bày từ nay đến hết ngày 27/11/2022 tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội./.