Văn Miếu - Quốc Tử Giám quyết tâm "chuyển mình" lúc vắng khách

VOV.VN - Là điểm đến nổi tiếng ở Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang nỗ lực chuyển đổi, đưa các giá trị trừu tượng đến gần hơn với du khách và giới trẻ để nhận về sự trân quý, ứng xử phù hợp.

Áp lực chuyển đổi vì Covid-19

Sở hữu vị trí trung tâm và nằm trong tuyến "city tour" Hà Nội nên Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong số ít các di tích văn hóa tại Thủ đô vừa hấp dẫn khách quốc tế, vừa thu hút đông đảo khách Việt Nam. Tuy nhiên "cơn bão Covid-19" ập tới khiến cho các điểm đến vắng bóng du khách, trong đó khách quốc tế được dự báo sẽ vắng mặt trong thời gian dài.

Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết trước đây "niềm vui lớn nhất" của khu di tích là đón khách tham quan, nhưng bây giờ vắng lặng trong thời gian dài, đường đi mọc rêu và không có nguồn thu. "Thời gian tạm dừng này là lúc chúng tôi nghiên cứu cách hoạt động, đào sâu các giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám để tạo ra sản phẩm phù hợp, hấp dẫn sau đại dịch Covid-19" – ông Lê Xuân Kiêu nói.

Là hướng dẫn viên đưa khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong nhiều năm qua, ông Nguyễn Thế Anh cho biết khách quốc tế thường dành khoảng 30-45 phút ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, còn khách nội địa chủ yếu đến đây vì sự nổi tiếng, ghé qua “check-in” cho biết chứ ít tìm hiểu sâu về các giá trị văn hóa. “Không dễ tìm được nguồn tin thống nhất, đáng tin cậy về Văn Miếu - Quốc Tử Giám nên các hướng dẫn viên thường tự mày mò, tìm đọc từ những tài liệu cũ hay sách vở trong trường vốn khá sơ sài và không đủ chi tiết. Nhiều hướng dẫn viên mới vào nghề muốn thuyết minh về điểm này thì chỉ tìm trên Internet hoặc xin thông tin đồng nghiệp, dẫn đến thiếu sót hoặc tam sao thất bản” - ông Nguyễn Thế Anh cho biết.

Theo ông Trương Quốc Toàn (chuyên gia tại Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam), các giá trị văn hóa của Văn Miếu - Quốc Tử Giám mới chỉ được khai thác một phần rất nhỏ để phục vụ du lịch. Dù có 2 yếu tố cấu thành là Văn Miếu và Quốc Tử Giám, nhưng du khách chủ yếu hình dung được Văn Miếu, còn Quốc Tử Giám với tư cách là trường đại học đầu tiên của Việt Nam thì chưa được thể hiện rõ nét. Đó là chưa kể nhiều người chỉ coi khu di tích là nơi cầu may, cầu xin trước các kỳ thi.

Thời gian qua các khu di tích tại Hà Nội đang nỗ lực thay đổi để phục vụ khách nội địa, trong đó có Nhà tù Hỏa Lò với sản phẩm "Đêm thiêng liêng" hay Hoàng thành Thăng Long với tour "Giải mã Hoàng thành Thăng Long". Gần đây, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã phối hợp với các bạn trẻ của nhóm Gavisto ra mắt dự án “Không gian văn hóa Quốc Tử Giám”. Dự án nhằm đưa di tích trở thành không gian mở, nơi sinh hoạt chung của các sáng kiến về di sản, chia sẻ thông tin văn hóa lịch sử và quảng bá hoạt động giao lưu văn hóa tại Quốc Tử Giám.

Ông Lê Xuân Kiêu kỳ vọng qua các dự án văn hóa cộng đồng, những giá trị truyền thống tốt đẹp sẽ được đánh thức, còn những điều chưa đúng sẽ được nhận diện và sửa đổi, ví dụ như việc sờ đầu rùa, lễ vái bia Hạ mã... "Giá trị của Văn Miếu – Quốc Tử Giám không phải để cầu xin, cầu may mà nằm ở đạo học, tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo và những người thầy đáng kính của dân tộc. Chúng tôi cố gắng đưa những giá trị trừu tượng đến gần hơn với du khách và thế hệ trẻ để nhận được sự trân quý và ứng xử phù hợp với di tích" – ông Lê Xuân Kiêu nói.

Cơ hội cho các điểm đến văn hóa

Ông Trương Quốc Toàn cho rằng vấn đề của nhiều khu di tích, trong đó có Văn Miếu – Quốc Tử Giám, là du khách chỉ đến 1 lần và hiếm khi quay trở lại. Đại dịch Covid-19 chính là cơ hội để các khu di tích chuyển đổi, có thể áp dụng công nghệ số để du khách hứng thú hơn, trong bối cảnh xu hướng du lịch tự túc, cá nhân hóa và trải nghiệm công nghệ ngày càng phổ biến. Các địa điểm này phải có thêm nhiều hoạt động đa dạng quanh năm; tiếp cận và chăm sóc khách hàng từ trước, trong và sau khi đến với di tích.

"Trước khi đến, du khách cần được cung cấp thông tin về địa điểm, hoạt động hấp dẫn; trong chuyến tham quan sẽ lưu lại những giá trị gì để có thể muốn quay lại những lần sau… Ví dụ nếu mỗi tấm bia trong số 82 bia đá đều có thể 'kể chuyện' về các tiến sĩ cùng quá trình phấn đấu và cống hiến của họ thì sẽ hấp dẫn du khách hơn, thay vì hiện nay viết bằng chữ Nho rất nhiều người không thể hiểu được" - ông Trương Quốc Toàn nói, đồng thời nhận định phải chủ động "đưa di tích đến du khách, chứ không chờ đợi du khách đến với di tích".

Bên cạnh đó, Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng cần kết nối chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp lữ hành và đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Ông Phùng Quang Thắng – Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho rằng các điểm đến văn hóa ở Hà Nội đang có cơ hội lớn để thu hút khách, vì nhu cầu trải nghiệm văn hóa ngày càng gia tăng, đồng thời dịch bệnh Covid-19 khiến du khách có ít lựa chọn và ưu tiên các điểm đến gần. Tuy nhiên, các điểm đến như Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần phải chuẩn bị nội dung hấp dẫn, khơi dậy tính tò mò của du khách.

“Với giá trị khổng lồ đang có, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đừng tham vọng du khách sẽ hiểu hết chỉ trong một chuyến tham quan; mà phải có kế hoạch truyền tải từng chút một, có thể theo trình tự thời gian, gắn với ngày kỷ niệm hoặc sự kiện lịch sử. Muốn khai thác giá trị văn hóa, trước tiên phải dựa trên giá trị thật, sau đó tìm ra cách truyền tải hấp dẫn, đơn giản, dễ hiểu và nhất là hướng đến số đông” - ông Phùng Quang Thắng đề xuất.

Ông Nguyễn Thế Anh cho biết những năm qua, phần lớn hướng dẫn viên inbound tại Hà Nội chưa có dịp được gặp gỡ hay nhận các thông tin chính thức từ phía Văn Miếu - Quốc Tử Giám; trong khi với những di tích văn hóa, trải nghiệm của du khách phụ thuộc rất lớn vào việc hướng dẫn viên thuyết minh có đúng, đủ và hấp dẫn hay không.

“Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần thường xuyên cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thuyết minh về Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho hướng dẫn viên. Ngoài ra, cần tổ chức thêm nhiều sự kiện hướng đến giới trẻ, sao cho vừa có tính giáo dục văn hoá, vừa có tính giải trí… chứ không nên đi theo lối mòn từ trước đến nay thì sẽ lãng phí một nguồn khách đáng kể” - ông Nguyễn Thế Anh nói, đồng thời cho rằng Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thể học hỏi di tích Nhà tù Hoả Lò, với cách tổ chức sự kiện, xây dựng nội dung trên mạng xã hội rất hiện đại và trẻ trung đã thành công trong việc “thổi hồn” vào những nội dung xưa cũ./.

Nghe Hoàng Thành Thăng Long 'kể' câu chuyện đêm

VOV.VN - Tour đêm "Giải mã Hoàng Thành Thăng Long" thành công trong việc xây dựng câu chuyện văn hóa; vừa nhẹ nhàng, logic dễ tiếp nhận kiến thức, vừa đầy tính giải trí giúp du khách hứng thú và có trải nghiệm mới lạ.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội xây dựng công nghiệp văn hóa: "Hãy để nghệ sĩ được thăng hoa, sáng tạo nhiều hơn"
Hà Nội xây dựng công nghiệp văn hóa: "Hãy để nghệ sĩ được thăng hoa, sáng tạo nhiều hơn"

VOV.VN - Với mục tiêu đóng góp vào GRDP của Thủ đô ở mức 7% vào năm 2030 và 10% vào năm 2045, Hà Nội mong muốn các ngành công nghiệp văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng, quyết định tới phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Hà Nội xây dựng công nghiệp văn hóa: "Hãy để nghệ sĩ được thăng hoa, sáng tạo nhiều hơn"

Hà Nội xây dựng công nghiệp văn hóa: "Hãy để nghệ sĩ được thăng hoa, sáng tạo nhiều hơn"

VOV.VN - Với mục tiêu đóng góp vào GRDP của Thủ đô ở mức 7% vào năm 2030 và 10% vào năm 2045, Hà Nội mong muốn các ngành công nghiệp văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng, quyết định tới phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Những cuốn tiểu thuyết lịch sử hay về Thăng Long - Hà Nội
Những cuốn tiểu thuyết lịch sử hay về Thăng Long - Hà Nội

VOV.VN - Nhà văn Hà Ân mang đến hình ảnh về một Thăng Long anh hùng xưa thì bộ tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Tô Hoài: "Quê người - Mười năm - Quê nhà" là ba mảnh ghép tạo nên một cái nhìn xuyên suốt về Hà Nội trong những năm đầu thế kỉ XX đến khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi.

Những cuốn tiểu thuyết lịch sử hay về Thăng Long - Hà Nội

Những cuốn tiểu thuyết lịch sử hay về Thăng Long - Hà Nội

VOV.VN - Nhà văn Hà Ân mang đến hình ảnh về một Thăng Long anh hùng xưa thì bộ tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Tô Hoài: "Quê người - Mười năm - Quê nhà" là ba mảnh ghép tạo nên một cái nhìn xuyên suốt về Hà Nội trong những năm đầu thế kỉ XX đến khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi.

Hà Nội phát huy giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Hà Nội phát huy giá trị văn hóa để phát triển du lịch

VOV.VN - Di sản văn hóa là vốn quý của Thủ đô, còn du lịch sẽ là động lực quan trọng để văn hóa phát triển bền vững và mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương.

Hà Nội phát huy giá trị văn hóa để phát triển du lịch

Hà Nội phát huy giá trị văn hóa để phát triển du lịch

VOV.VN - Di sản văn hóa là vốn quý của Thủ đô, còn du lịch sẽ là động lực quan trọng để văn hóa phát triển bền vững và mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương.