Đạo diễn Phạm Thị Thành: Sinh ra là để dành cho sân khấu

VOV.VN - Hơn 60 năm gắn bó với nghề và gần 50 năm làm đạo diễn, đạo diễn Phạm Thị Thành đã dựng hơn 200 vở của các thể loại khác nhau.

Được đào tạo bài bản tại Học viện sân khấu quốc gia Lunatracxki Moscow và làm việc tại Nhà hát Tuổi trẻ - một đơn vị nghệ thuật phát triển mạnh, NSND Phạm Thị Thành trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu, góp phần làm nên diện mạo của nền sân khấu hiện đại Việt Nam.

Hơn 60 năm gắn bó với nghề và gần 50 năm làm đạo diễn, đạo diễn Phạm Thị Thành đã dựng hơn 200 vở của các thể loại khác nhau và trở thành “hiện tượng” của sân khấu đương đại.

Đạo diễn Phạm Thị Thành. (Ảnh: Đông Vũ)

Lần giở những tấm ảnh kỷ niệm một thời, NSND Phạm Thị Thành nhớ lại: vào khoảng những năm 70 thế kỷ trước, bà được cử đi học đạo diễn sân khấu ở Liên Xô. Khi về nước, bà Hà Nhân (lúc bấy giờ là quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn) có trao đổi về ý định mở nhà hát dành cho thanh thiếu niên. Bà rất mừng vì lúc ở Liên Xô bà cũng đã viết một đề án thành lập nhà hát. Nhờ công sức của hai bà, năm 1978, Nhà hát Tuổi trẻ được thành lập.

Bà Hà Nhân làm Giám đốc, còn NSND Phạm Thị Thành làm Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn. Sự nghiệp đạo diễn của bà Phạm Thị Thành bắt đầu ở Nhà hát Tuổi trẻ với hai vở kịch dành cho thiếu nhi: “Hoàng tử học nghề” và “Hòn đá cháy”.

NSND Phạm Thị Thành chia sẻ: “Hoàng tử học nghề” và “Hòn đá cháy” là hai vở đầu tiên. Lúc bấy giờ tách thành kịch riêng rồi, tôi ở trong đoàn kịch. Tôi đóng trong vở “Hoàng tử học nghề” và “Hòn đá cháy” có cả bà Thùy Chi, ông Đức Chung nữa. Lần đầu tiên mà kịch Việt Nam tổ chức bán vé. Ở đấy thì ngay sau chợ Hôm nên chúng tôi theo dõi thấy có đông người xem rất mừng”.

Tâm huyết với nghề và cầu toàn trong từng vở diễn, NSND Phạm Thị Thành luôn mạnh dạn, xông xáo, đem những điều mới mẻ đến sân khấu. Bà là đạo diễn đầu tiên đưa bi kịch của Shakespeare là “Romeo và Juliet” và hài kịch của Molie là “Trưởng giả học làm sang” lên sân khấu nước ta.

Cả hai vở diễn đều qua đêm diễn thứ 200 và gây tiếng vang lớn trên sân khấu Thủ đô. Đặc biệt, NSND Phạm Thị Thành đã có 10 năm song hành cùng nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Tổng cộng hơn 20 vở bà dựng từ kịch bản của Lưu Quang Vũ cho các đoàn nghệ thuật ba miền - con số kỷ lục đánh dấu thời hoàng kim của Sân khấu Việt Nam cũng là thời sung sức của đạo diễn Phạm Thị Thành.

Trong đó phải kể đến: “Sống mãi tuổi 17”, “Người tốt nhà số 5”, “Mùa Hạ cuối cùng”, “Ông vua hóa hổ”, “Nếu anh không đốt lửa”… Theo NSND Phạm Thị Thành, bà là người đầu tiên đưa kịch bản của nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ lên sân khấu. Tác phẩm đầu tiên là “Sống mãi tuổi 17” viết về anh hùng Lý Tự Trọng: “Ý tưởng ban đầu là tôi gợi ý ra. Tôi dựa vào vở kịch của ông Đào Duy Kỳ viết về Lý Tự Trọng. Ông đặt tên là “Ông nhỏ” nhưng xem cũng không được hay lắm nhưng có anh Lưu Quang Vũ cũng cùng lứa tuổi, thì tôi có đưa ý kiến với anh ấy là tôi muốn làm vở về Lý Tự Trọng. Anh đồng ý làm và viết đưa lên duyệt thấy được thì bắt đầu làm vở đó”.

Không những thế, NSND Phạm Thị Thành còn phát triển mô hình sân khấu mới, sân khấu cho tuổi trẻ. Càng đam mê nghệ thuật, đạo diễn Phạm Thị Thành càng mong muốn giới thiệu các loại hình nghệ thuật đến với học sinh để các em thêm hiểu, thêm yêu nền nghệ thuật nước nhà.

Vào những năm 90 thế kỷ trước, bà đã lập đề án Sân khấu học đường giới thiệu kịch hát dân tộc cho các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Được Bộ Giáo dục và Đào tạo ủng hộ, dự án này đã triển khai khắp cả nước đưa nghệ thuật sân khấu vào các trường học. 

NSƯT Lê Chức - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (Ảnh: Nha Trang)
Theo NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, dường như NSND Phạm Thị Thành là sinh ra để dành cho sân khấu: “Đạo diễn Phạm Thị Thành thì ta phải nói đến tính khoa học trong nghệ thuật. Bà tốt nghiệp bằng đỏ ở trường nổi tiếng nhất và khó nhất của sân khấu Xô Viết. Chúng tôi cũng học ở Nga. Trong phạm vi sân khấu của Liên Xô cũng có câu là: “Đạo diễn không dành cho phụ nữ”. Khi làm thị phạm cho diễn viên là phải khoa chân múa tay, la lối, đi đêm về hôm, thì hình như những người phụ nữ đòi hỏi tự họ năng lượng nào đó để đáp ứng công việc. Đạo diễn Phạm Thị Thành cứ đi theo con đường như là thiên chức bà tiếp nhận trong cuộc đời này”.

Thành công của NSND Phạm Thị Thành còn được đánh dấu ở các sự kiện lễ hội. Tên tuổi của bà đã gắn liền với hàng loạt chương trình lễ hội lớn, như: Festival Huế 2004; Lễ hội đền Hùng 2005; 110 năm Đà Lạt, Lễ hội Nam Giao - Huế; Lễ hội cố đô Hoa Lư 2010; Màn diễn Trống hội Thăng Long kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội…

Gánh trên mình nhiều trách nhiệm, vừa làm đạo diễn sân khấu, tổng đạo diễn các lễ hội, nhưng đạo diễn Phạm Thị Thành vẫn dành thời gian cho việc đào tạo diễn viên trẻ. Nhiều nghệ sĩ thành danh đều là học trò của bà.

Nghệ sĩ Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ luôn nhớ những bài học quý giá từ người đạo diễn tài ba: “Bản thân tôi cũng là một học sinh về kịch nói của NSND Phạm Thị Thành. Phải nói Cô là người yêu nghề, yêu trẻ, say mê, tận tâm với công việc. Những đóng góp của Cô tạo dựng thế hệ nghệ sĩ mà sau này thành tên tuổi lớn trong sân khấu Việt Nam. Khi làm công tác đạo diễn thì Cô để lại nhiều vở diễn ấn tượng tốt với khán giả. Những hành trang mà NSND Phạm Thị Thành đồng hành với Nhà hát Tuổi trẻ trong suốt mấy chục năm là tài sản rất lớn đối với thế hệ các nghệ sĩ sau này”.

Cả cuộc đời làm đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả ở nhiều thể loại khác nhau như hài kịch, bi kịch, cả cổ điển, hiện đại, cả tuồng, chèo, cải lương và kịch hát, trong đó có nhiều vở đạt giải thưởng cao.

Chính vì luôn quan niệm: “Kịch phải gần gũi cuộc sống, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người dân và phải đem đến sự tươi mát, thanh thản cho tâm hồn”, cho nên, những vở diễn do NSND Phạm Thị Thành dàn dựng thường đầy tính thời sự, gay cấn, và luôn hấp dẫn, để lại được dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Ông trùm” Hoàng Dũng làm đạo diễn cho kịch Lưu Quang Vũ
“Ông trùm” Hoàng Dũng làm đạo diễn cho kịch Lưu Quang Vũ

VOV.VN - “Nguồn sáng trong đời” kể về cuộc đời của Lê Chí - một họa sĩ mù bị thương bởi chiến tranh.

“Ông trùm” Hoàng Dũng làm đạo diễn cho kịch Lưu Quang Vũ

“Ông trùm” Hoàng Dũng làm đạo diễn cho kịch Lưu Quang Vũ

VOV.VN - “Nguồn sáng trong đời” kể về cuộc đời của Lê Chí - một họa sĩ mù bị thương bởi chiến tranh.

Đạo diễn Nguyễn Đức Minh làm phim về cuộc sống các cô gái Việt kiều
Đạo diễn Nguyễn Đức Minh làm phim về cuộc sống các cô gái Việt kiều

VOV.VN - Sau 7 năm vắng bóng, kể từ phim "Touch", đạo diễn Nguyễn Đức Minh trở lại làm phim về cuộc sống các cô gái Việt kiều.

Đạo diễn Nguyễn Đức Minh làm phim về cuộc sống các cô gái Việt kiều

Đạo diễn Nguyễn Đức Minh làm phim về cuộc sống các cô gái Việt kiều

VOV.VN - Sau 7 năm vắng bóng, kể từ phim "Touch", đạo diễn Nguyễn Đức Minh trở lại làm phim về cuộc sống các cô gái Việt kiều.

“Vai diễn đổi đời” của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Đức Minh ra mắt
“Vai diễn đổi đời” của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Đức Minh ra mắt

VOV.VN - Bộ phim điện ảnh “Actress Wanted” (Vai diễn đổi đời) đã chính thức ra mắt báo giới ở cả Hà Nội và TP HCM.

“Vai diễn đổi đời” của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Đức Minh ra mắt

“Vai diễn đổi đời” của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Đức Minh ra mắt

VOV.VN - Bộ phim điện ảnh “Actress Wanted” (Vai diễn đổi đời) đã chính thức ra mắt báo giới ở cả Hà Nội và TP HCM.