Giải mã “Ký sinh trùng” ở Oscar 92

VOV.VN - “Ký sinh trùng” của đạo diễn Bong Joon-ho chiến thắng 4 giải thưởng quan trọng tại Oscar nằm ngoài dự đoán của giới phê bình và công chúng.

Bất chấp mọi dự đoán và lịch sử trao giải của Oscar, “Ký sinh trùng” (Parasite) của đạo diễn người Hàn Quốc Bong Joon-ho đã vượt qua phim đề tài chiến tranh thế giới “1917” để trở thành tác phẩm nói tiếng nước ngoài đầu tiên giành giải Oscar cho “Phim hay nhất”. Không những thế, phim còn đoạt tiếp 3 giải quan trọng khác: “Đạo diễn xuất sắc”, “Kịch bản gốc xuất sắc”, “Phim Quốc tế hay nhất”.

Đạo diễn, diễn viên và nhà sản xuất bộ phim "Ký sinh trùng" được vinh danh ở lễ trao giải Oscar lần thứ 92.

“Ký sinh trùng” trở thành tác phẩm điện ảnh đầu tiên cùng lúc giành tượng vàng ở hai hạng mục “Phim Quốc tế hay nhất” và “Phim hay nhất” trong suốt lịch sử 92 năm của giải Oscar.

Kỳ tích “Sông Hàn” trong lịch sử Oscar

Đó là kỳ tích mà 10 tác phẩm nói tiếng nước ngoài khác trong lịch sử Oscar từng nhận đề cử ở hạng mục này đã không thể làm được, dù đều thuộc nhóm kinh điển của điện ảnh thế giới như “La Grande Illusion” (1938) và “Z” (1969) của Pháp, “Life Is Beautiful” (1998) của Italy, “Ngọa hổ tàng long” (2000) của Đài Loan (Trung Quốc), hay mới nhất là “Roma” (2018) của Mexico.

Trước nay mới chỉ có 12 phim từng được đề cử ở hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” cũng đồng thời được đề cử ở hạng mục Phim xuất sắc nhất, nhưng chưa từng có phim nào giật về “cú đúp”.

Đạo diễn Bong Joon Ho đã làm nên kỳ tích với tác phẩm điện ảnh "Ký sinh trùng". 

Điện ảnh Hàn Quốc đã từng có những bộ phim gây chú ý tại các LHP quốc tế, nhưng đạo diễn Bong Joon-ho là người thành công nhất cho đến nay. Năm 2013, ông gây chú ý ở Hollywood với bộ phim “Snowpiercer” (Chuyến tàu băng giá), đây là bộ phim nói tiếng Anh đầu tiên của ông, khi ấy, phim trực tuyến còn chưa được biết đến nhiều, nhưng “Snowpiercer” ngay sau khi ra rạp đã được chiếu trực tuyến và thu hút sự chú ý đối với phương thức “làm ăn” lạ lẫm của nó.

Năm 2017, phim song ngữ “Okja” của Bong trở thành chủ đề tranh cãi tại LHP Cannes, không phải bởi nội dung bộ phim, mà bởi nhiều khán giả phản đối việc để một phim do kênh phim trực tuyến đặt hàng thực hiện, tham gia tranh giải tại LHP lâu đời nhất thế giới.

Bộ phim "Okja" gây chú ý Hội đồng giám khảo LHP Cannes vào năm 2017.

Trong bốn tượng vàng Oscar mà “Ký sinh trùng” giành được, giải Kịch bản gốc xuất sắc và Phim quốc tế xuất sắc thực tế không gây nhiều bất ngờ, vì tại giải thưởng tiền Oscar WGA của Hiệp hội Biên kịch, Bong Joon-ho và Han Ji-min đã được vinh danh. Còn với hạng mục dành cho các phim không nói tiếng Anh năm qua, “Ký sinh trùng” đã hoàn toàn thống trị các sự kiện từ đầu mùa giải 2019- 2020.

Nhưng giải Đạo diễn xuất sắc của Bong Joon-ho và Phim truyện xuất sắc cho “Ký sinh trùng” thì nằm ngoài dự đoán của số đông, đánh bại đạo diễn Sam Mendes từng đoạt giải DGA của Hiệp hội Đạo diễn Mỹ, và phim “1917” đoạt PGA của Hiệp hội Sản xuất, những giải chưa bao giờ “lệch pha” với Oscar.

AMPAS muốn tìm một làn gió mới?

Người xem điện ảnh giờ đây đang đề cao sự đa dạng văn hóa, chủng tộc trong nền công nghiệp điện ảnh. Và một giải thưởng điện ảnh uy tín không có được sự đa dạng đó ngay lập tức sẽ vấp phải sự chỉ trích của truyền thông, công chúng. Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ-AMPAS quyết định trao giải phim xuất sắc nhất “Ký sinh trùng” có phải là muốn tìm làn gió mới cho giải thưởng này ở tuổi 92?

Phát biểu tại lễ trao giải Quả cầu vàng của vị đạo diễn người Hàn Quốc này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các ngôi sao Hollywood.

Trước đó, đạo diễn Bong Joon-ho đã phát biểu khi nhận giải thưởng “Quả cầu vàng”: “Một khi các bạn vượt qua được rào cản của những dòng phụ đề, các bạn sẽ được tiếp xúc với rất nhiều phim gây sửng sốt”. “Ký sinh trùng” của ông đã cho thấy một phim không nói tiếng Anh có thể cùng lúc hội tụ đủ nhiều yếu tố: Phim ăn khách ngoài phòng vé quốc tế, đồng thời là phim đậm chất nghệ thuật thắng lớn tại các giải thưởng uy tín.

Tháng 5/2019, ra mắt tại LHP Cannes và nhận được 8 phút vỗ tay vang dội, “Ký sinh trùng” nhanh chóng làm nên lịch sử với giải “Cành cọ vàng” cao quý. Tháng 10/2019, phim bắt đầu ra rạp tại Mỹ và nhờ vào những bài bình phim đánh giá tích cực mà “Ký sinh trùng” đã có được tuần công chiếu mở màn đạt doanh thu lớn nhất từng thấy đối với một phim quốc tế chiếu tại Mỹ, doanh thu toàn cầu hiện là 160 triệu USD, với riêng 35 triệu USD từ Bắc Mỹ.

Tính mới mẻ chính là thế mạnh vượt trội của “Ký sinh trùng” nếu so với cả 8 tác phẩm mang “chất” Oscar truyền thống nhưng không quá đột phá của hạng mục Phim truyện xuất sắc trong mùa giải 2020. Chính điều này dường như đã đẩy cán cân ủng hộ của AMPAS nghiêng về phía tác phẩm của đạo diễn Bong Joon-ho trong những phút cuối cùng.

“Ký sinh trùng” mang đặc trưng phong cách Hàn với những yếu tố cười ra nước mắt hoặc giật gân - kinh dị, nhưng quá mới mẻ với cách tiếp cận thông minh, giàu chất ẩn dụ về một vấn đề xã hội mang tính phổ quát toàn cầu: Mâu thuẫn giai cấp trong xã hội tư bản hiện đại và thịnh vượng, với giới bình dân chiếm số đông nghèo truyền kiếp. Cách xây dựng nhân vật và tạo dựng kịch tính thông qua vô số nút thắt mở không ai có thể lường trước của vị đạo diễn người Hàn Quốc 50 tuổi này.

Ngoài ra có một yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới quyết định của AMPAS. Sự thống trị ngày càng mạnh mẽ của K-pop đã giúp văn hóa Hàn- Hallyu được biết tới nhiều hơn trong thời gian qua.

Không phải là khán giả của BTS hay Black Pink, nhưng khi những gương mặt đẹp và tên tuổi của những RM, Jungkook (thành viên BTS), Jennie (thành viên Black Pink), hay Taeyong (thành viên NCT 127), liên tục xuất hiện trên sóng truyền hình và phát thanh Mỹ phần nào đó tạo ra thiện cảm nhất định trong lòng công chúng Mỹ, trong đó có AMPAS đối với văn hóa đại chúng Hàn Quốc.

Giải mã chiến thắng của “Ký sinh trùng”

“Ký sinh trùng” kể câu chuyện về một gia đình nghèo 4 người gồm ông bố Ki Taek, bà mẹ Choong Sook thất nghiệp ở nhà, con trai cả Ki Woo phụ việc bố mẹ sau bốn lần thi trượt đại học và em gái Ki Jung phải nghỉ học do không đủ tiền trả học phí. Cuộc sống gia đình có chút dễ thở sau khi Min Hyuk, bạn thân của Ki Woo, mang tặng hòn đá tài lộc và nhờ anh làm gia sư thay mình tại một gia đình giàu có.

Trước khi Ki Woo được Min Hyuk giới thiệu làm gia sư tại nhà ông Park, gia đình ông Ki đã sớm bộc lộ tư duy “ký sinh trùng”. Cả nhà thường tìm những Wifi không đặt mật khẩu để sử dụng “chùa” internet, thậm chí còn thoải mái ngồi lên bệ nhà vệ sinh chỉ vì nơi đó bắt được Wifi .

Rồi Ki Woo cùng em gái Ki Jung nài nỉ người bán pizza đuổi việc nhân viên làm parttime để mình được thế chỗ. Dần đến, cả nhà ông Ki lên kế hoạch làm người khác bị sa thải để gia đình mình thế chân… Và cuộc sống “ký sinh trùng” trong gia đình này dẫn đến những âm mưu ác độc hơn nữa…

Nhưng nếu câu chuyện chỉ có thế thì cũng không có gì hấp dẫn nếu đạo diễn không tạo nên những ám ký trong một số hình ảnh mang ngôn ngữ điện ảnh ẩn chứa nhiều tầng nghĩa, để phim không thể xem một cách hời hợt, giải trí, mà phải suy nghĩ, ám ảnh.

Hòn đá may mắn, xuất hiện từ đầu phim, giữa phim và cuối phim. Ki Woo nhận hòn đá này từ người bạn thân với lời chúc may mắn, và thực sự sau đó đã có cơ hội đổi đời khi tiếp cận gia đình giàu có. Nhưng chính khao khát đổi đời bằng “kế hoạch” hay “âm mưu” khiến cho vận may trở thành vận rủi. Trong phim hòn đá có thể tượng trưng cho gánh nặng cơm áo gạo tiền, những khó khăn đè nặng lên cuộc sống của gia đình Ki Woo.

Bức tranh nguệch ngoạc của đứa con nhỏ Da Song trong ngôi nhà chủ giàu có, như dấu hiệu của trường phái “hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh”. Bức tranh xuất hiện gương mặt méo mó, mũi tên chỉ dẫn, hình tam giác. Đến 2/3 phim, khán giả mới có thể nhận ra, gương mặt trong tranh chính là chồng của người giúp việc cũ nhà ông Park sống dưới căn hầm 4 năm, mũi tên là đường từ căn hầm, còn tam giác là túp lều Da Song hay trốn mỗi khi sợ hãi.

Bối cảnh trong phim dường như chỉ tập trung ở 4 địa điểm: Căn biệt thự siêu sang, căn hộ xập xệ, con đường qua lại giữa 2 nơi này, và căn hầm. Trong phim, nhà của gia đình Ki Woo đúng nghĩa “mặt đất là cả bầu trời”, nhà thấp hơn mặt đất, sàn nhà thấp hơn bồn cầu, ám chỉ thân phận dưới đáy xã hội. Trong khi đó, nhà của gia đình giàu ở trên một dốc cao, có riêng khu vườn, bầu trời tạo cảm giác chủ nhân là “Chúa”.

Trong khoảnh khắc lần đầu tiên đặt chân vào gia đình ông Park, Ki Woo đi lên những bậc thang dẫn vào nội khu căn biệt thự, choáng ngợp với sự xa hoa của nó. Ánh mắt Ki Woo nheo lại như chưa từng thấy nơi nào chói sáng như thế, kích động lòng tham trỗi dậy.

Căn hầm trong phim giúp tăng lên chất kinh dị và ly kỳ. Nhưng có lẽ đó cũng là hình ảnh ẩn dụ cho cuộc sống ký sinh. Căn hầm tối tăm này ký sinh trong ngôi biệt thự to lớn. Người nghèo ký sinh trong căn nhà người giàu. Không chỉ gia đình Ki Taek ký sinh vào gia đình ông Park mà nơi đó, gia đình vợ chồng người giúp việc là vật ký sinh cũ. Cuộc sống ký sinh vốn là một trận chiến tranh giành, xô đẩy, sợ ánh sáng, sợ phơi bày, chỉ sống bằng vỏ bọc chứ không phải bản chất, cách thức khác nhau, nhưng mục tiêu chung là bòn rút, hút máu gia chủ…

Cơn mưa đêm là một biểu tượng rất đỗi quen thuộc, nhưng trong phim “Ký sinh trùng” nó không hề mang yếu tố diễm tình, mà là sự chế nhạo cảm quan giữa người giàu người nghèo. Ngồi trong căn biệt thự nhìn ra ngoài, mưa mang tới sự kích thích, vợ chồng Park làm tình, đứa con cắm lều trong mưa. Nhưng ngoài kia, mưa lại là cơn “ác mộng” đối với cả khu phố nghèo, là sự ủ dột, lũ lụt, ngập chìm, trốn chạy.

Cảnh cha con nhà Ki Taek chạy trong mưa tầm tã trở về khu phố nghèo, căn hộ ngập chìm trong biển nước, tiếng gọi kêu cứu… thật sự gây ám ảnh tột cùng cho người xem. Sau cơn mưa, vợ chồng Park đón nhận ánh sáng bình minh, cha con Ki Taek thì nhận ra một cách cay đắng thân phận của mình.

Trong bóng tối có tia hy vọng, điều này rất giống với hình ảnh bóng đèn chớp tắt trong phim. Bóng đèn ở đó vừa là ngôn ngữ vừa là cảm xúc. Đó là nỗi cô đơn mà ông bố Ki Taek phải gánh chịu cho hành động của mình. Cũng làm tôn thêm nỗi chua chát, thèm khát ánh sáng mặt trời nhưng không thể tới được. Bóng đèn là hy vọng nhỏ nhoi, lời kêu cứu thủ thỉ, lời sám hối muộn màng lưu luyến người xem.

Mùi là nguyên nhân dẫn đến hành động “sát thương” ở cuối phim. Người giàu luôn tỏa ra hương thơm còn người nghèo lại ủ mùi hôi. Vợ chồng nhà Park luôn xịt nước hoa để cơ thể thơm tho thì gia đình nghèo Ki Taek phải “tắm” thuốc khử côn trùng gây bệnh ở khu phố nghèo.

Gia đình Ki Taek muốn xua đuổi côn trùng nhưng hóa ra, chính họ lại trở thành “côn trùng” trong kế hoạch của họ. Mùi ở đây là sự tương phản giữa thói quen, giữa bản chất và hình thức. Nó là biểu tượng tinh tế trong Ký sinh trùng, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Chiến thắng của “Ký sinh trùng” trong Oscar lần thứ 92/2020 mang hy vọng đến phim châu Á trong đó có điện ảnh Việt Nam. Với sự ghi nhận dành cho “Ký sinh trùng”, Hollywood sẽ giới thiệu thêm cho công chúng Mỹ các tác phẩm thực sự mang phẩm chất Á đông, nhưng vẫn mang tính phổ quát toàn cầu,/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Ký sinh trùng” làm nên lịch sử Oscar khi thắng giải Phim hay nhất
“Ký sinh trùng” làm nên lịch sử Oscar khi thắng giải Phim hay nhất

VOV.VN - Sáng nay (10/2) theo giờ Việt Nam (tức tối 9/2 theo giờ Mỹ), lễ trao giải Oscar lần thứ 92 diễn ra tại Nhà hát Dolby ở Hollywood, Los Angeles, Mỹ.

“Ký sinh trùng” làm nên lịch sử Oscar khi thắng giải Phim hay nhất

“Ký sinh trùng” làm nên lịch sử Oscar khi thắng giải Phim hay nhất

VOV.VN - Sáng nay (10/2) theo giờ Việt Nam (tức tối 9/2 theo giờ Mỹ), lễ trao giải Oscar lần thứ 92 diễn ra tại Nhà hát Dolby ở Hollywood, Los Angeles, Mỹ.

Lập kỳ tích tại Oscar, “Ký sinh trùng” công chiếu lần 2 tại Việt Nam
Lập kỳ tích tại Oscar, “Ký sinh trùng” công chiếu lần 2 tại Việt Nam

VOV.VN - "Ký sinh trùng" là bộ phim đầu tiên không sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh trở thành Phim truyện xuất sắc nhất tại Oscar danh giá.

Lập kỳ tích tại Oscar, “Ký sinh trùng” công chiếu lần 2 tại Việt Nam

Lập kỳ tích tại Oscar, “Ký sinh trùng” công chiếu lần 2 tại Việt Nam

VOV.VN - "Ký sinh trùng" là bộ phim đầu tiên không sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh trở thành Phim truyện xuất sắc nhất tại Oscar danh giá.

Tiếp nối “Ký sinh trùng”, siêu phẩm “Joker” tái xuất phòng chiếu Việt
Tiếp nối “Ký sinh trùng”, siêu phẩm “Joker” tái xuất phòng chiếu Việt

VOV.VN -Bộ phim "Joker" giành hai tượng vàng Oscar cho các hạng mục "Nhạc nền xuất sắc nhất" và "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất".

Tiếp nối “Ký sinh trùng”, siêu phẩm “Joker” tái xuất phòng chiếu Việt

Tiếp nối “Ký sinh trùng”, siêu phẩm “Joker” tái xuất phòng chiếu Việt

VOV.VN -Bộ phim "Joker" giành hai tượng vàng Oscar cho các hạng mục "Nhạc nền xuất sắc nhất" và "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất".