“Giao mùa“: Không ồn ào mà vẫn có duyên
VOV.VN - Với câu chuyện rất đời và dàn diễn viên ăn khách, Giao mùa xứng đáng là một món ăn tinh thần với gia vị vừa đủ nói về Hà Nội.
“Giao mùa” đã để lại nhiều dư âm sau 45 tập phim nhẹ nhàng nhưng không kém phần kịch tính. Lấy bối cảnh chính ở Hà Nội, “Giao mùa” xoay quanh câu chuyện của 3 thế hệ: thế hệ đã hy sinh tuổi trẻ để giải phóng đất nước, lớp trung niên đã trải qua những ngày khó khăn và các bạn trẻ đầy khát khao khẳng định mình. Những lát cắt về cuộc sống người Hà Nội; những giằng xé, mâu thuẫn nội tâm; sự va chạm về tư tưởng, quan điểm giữa các thế hệ thời hậu chiến, đó là những gì khán giả đồng điệu và tìm thấy ở “Giao mùa”.
Dàn diễn viên “trai xinh, gái đẹp” với diễn xuất có chiều sâu
“Giao mùa” là bộ phim quy tụ dàn diễn viên đông đảo, từ những nghệ sĩ kỳ cựu như: NSƯT Lê Mai, NSƯT Thanh Quý, NSƯT Lan Hương, NSƯT Minh Phương cho đến dàn diễn viên trẻ: Chí Nhân, Tiến Lộc, Công Dũng, Thanh Huyền, Huyền Lizzie…
"Giao mùa" quy tụ dàn diễn viên gạo cội, dày dặn kinh nghiệm |
Không còn ai gọi Huyền Lizze là diễn viên tay ngang khi xem diễn xuất của cô trong “Giao mùa”. Huyền Lizze đã trút bỏ vẻ ngoài tiểu thư, điệu đà để trở thành Trúc Mai, cô gái tỉnh lẻ giàu nghị lực và ý chí. Công Dũng với vẻ ngoài phong lưu công tử, Thanh Huyền đanh đá cong cớn từ ánh mắt đến điệu bộ. Thuỳ Dương sắc sảo, nông nổi nhưng luôn khao khát yêu thương. Tiến Lộc diễn rất ra cái chất “bạc nhược” của những anh chàng công tử Hà Nội lắm ham muốn nhưng thiếu ý chí và kiên nhẫn. Và Chí Nhân, khó ai tin anh có thể vào vai “ác” xuất sắc với gương mặt thư sinh như vậy…
NSƯT Thanh Quý, NSND Lan Hương, nghệ sĩ Minh Phương, nghệ sĩ Thanh Chi… dù chỉ đảm nhận vai phụ nhưng để lại ấn tượng mạnh mẽ với diễn xuất tinh tế, có chiều sâu.
Các diễn viên tung hứng nhịp nhàng, làm rất tròn trịa vai diễn. Mỗi người mang trong mình những tính cách và ứng xử rất đặc trưng Hà Nội, nhưng cũng thấy rõ sự tiếp thu nhiều yếu tố của cuộc sống hiện đại thời mở cửa. Trải qua nhiều thử thách, có ngọt ngào và cả đau đớn, mất mát, những bài học từ trong câu chuyện của mỗi nhân vật sẽ khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Một món ăn tinh thần đậm chất Hà Nội
Đạo diễn Trần Hoài Sơn là một người con của Hà Nội. Điểm thú vị ở "Giao mùa" so với những tác phẩm về đề tài Hà Nội như: "Mùa lá rụng", "Hôn nhân trong ngõ hẹp", "Lời ru mùa đông"... đó là việc đạo diễn không hướng đến xung đột mà chủ yếu khai thác nội tâm giằng xé, sự va chạm trong tư tưởng, quan niệm giữa các thế hệ. Với "Giao mùa", anh chọn lối kể chuyện khi trầm lắng với những tình huống buồn, vui, của đời người; khi lại trẻ trung, hài hước theo nhịp sống hiện đại.
"Mẹ chồng" Lan Hương trong "Giao mùa". |
Bộ phim có tiết tấu khá đều và chậm, không có yếu tố giật gân câu khách. Câu chuyện trong phim được lấy chất liệu từ chính cuộc sống hàng ngày và ai xem phim cũng có thể thấy được mình trong đó.
Những ca khúc sâu lắng, đặc trưng viết về Hà Nội hòa quyện cùng những thước phim lãng mạn, trau chuốt tạo nên một Hà Nội không thể lẫn: Hà Nội của thời kỳ đất nước mở cửa, cái mới lao đến ồ ạt khiến con người hoang mang trăn trở ; Hà Nội của thời "giao mùa"…
Không ồn ào mà vẫn có duyên
Tuy nhiên, dù rất nỗ lực nhưng “Giao mùa” vẫn không tránh khỏi những lối mòn của phim truyền hình Việt. Lời thoại phim còn “cứng”, chưa gần gũi với thực tế. Bộ phim không thu tiếng trực tiếp, bởi vậy việc lồng tiếng đã khiến thoại phim thiếu phần tự nhiên. Mô típ câu chuyện “lọ lem vượt khó” tuy có trùng lặp ý tưởng với đa số phim Việt nhưng được đạo diễn khai thác không quá khiên cưỡng.
Huyền Huyền Lizze và Chí Nhân trong "Giao mùa". |
Ra mắt sau hiệu ứng "khủng" của “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng”, “Giao mùa” với tiết tấu nhẹ nhàng, chậm rãi cũng có phần bị “lép vế”. Bộ phim thiếu kịch tính, thiếu những tình huống gay cấn, hoặc tình cảm xúc động có thể khiến khán giả cùng khóc, cùng cười với nhân vật.
"Giao mùa" đã đi đến chặng đường cuối, nhiều người nói phim “nhạt”, tuy nhiên, đúng như tên gọi “Giao mùa”, phim phù hợp hơn cả với khán giả ở độ tuổi trung niên, những người hoài niệm với giá trị xưa cũ và yêu thích những điều nhẹ nhàng, sâu lắng. Kết phim, cuối cùng, Mai, Hưng, Hoà, Toàn, Loan cô Nga... mỗi nhân vật đều tìm thấy hạnh phúc cho riêng mình, và chiêm nghiệm những giá trị cuộc sống sau rất nhiều thăng trầm. Điều cuối cùng đọng lại, sau những ngày "Giao mùa" còn nhiều hỗn mang và giông gió, là tình yêu và sự chân thành./.