"Mỹ nhân kế" hờ hững với giải Cánh Diều vàng

Những phim phù hợp với tiêu chí giải thưởng như: Mùa hè lạnh, Mỹ nhân kế...dù BTC gửi lời mời tham dự nhưng không nhận được hồi đáp.

Sáng 28/2, buổi họp báo công bố thông tin về lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2012 diễn ra tại TP HCM.

Khi đề cập về giải phim truyện điện ảnh, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, phó chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam chia sẻ, ban tổ chức Cánh Diều Vàng luôn mong có thật nhiều phim tham dự càng tốt.

Bà Ngát cho biết có những phim được sản xuất và phát hành nằm trong khung thời gian phù hợp với tiêu chí giải thưởng như: Mùa hè lạnh, Mỹ nhân kế...ban tổ chức đã gửi lời mời tham dự nhưng không nhận được hồi đáp.

"Như Mùa hè lạnh, chúng tôi liên tục gọi điện nhưng không thể nào liên lạc được với anh Ngô Quang Hải. Sau đó chúng tôi có liên lạc qua diễn viên Lý Nhã Kỳ để nêu ra lời mời của ban tổ chức mà cũng không nhận được câu trả lời dứt khoát. Đến hôm qua mới nghe nói là anh Hải cũng có ý định gửi phim tham dự nhưng chúng tôi đã chốt danh sách cuối cùng rồi...", bà Ngát chia sẻ.


"Mỹ nhân kế" không tham gia giải Cánh Diều vàng dù được BTC mời tham dự

Ban tổ chức đưa ra danh sách 10 phim nhựa tranh giải hạng mục phim truyện điện ảnh Cánh Diều Vàng 2012 gồm: Đam mê (đạo diễn NSƯT Phi Tiến Sơn), Lạc lối (đạo diễn NSƯT Phạm Nhuệ Giang), Cát nóng (đạo diễn, NSƯT Lê Hoàng), Dành cho tháng 6 (đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn), Thiên mệnh anh hùng (đạo diễn Victor Vũ), Scandal - Bí mật thảm đỏ (đạo diễn Victor Vũ), Cưới ngay kẻo lỡ (đạo diễn Charlie Nguyễn), Gia sư nữ quái (đạo diễn Lê Bảo Trung), Lấy chồng người ta (đạo diễn Lưu Huỳnh), Nhà có 5 nàng tiên (đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu).

Trong số 10 phim này, có hai phim là Cát nóngLạc lối không công chiếu cho khán giả. Còn lại, 8 phim được chiếu rạp miễn phí trong gần một tuần. Điều này khiến cho các nhà báo ở buổi họp cảm thấy chưa thỏa mãn. Nhiều phóng viên đứng lên đặt câu hỏi xoay quanh vấn đề: vì sao hai phim hoàn toàn chưa được phát hành rộng rãi, chưa được báo chí và khán giả thưởng thức mà vẫn có cơ hội tranh giải.

Ban tổ chức giải Cánh Diều Vàng mời khán giả TP HCM xem phim miễn phí: Khán giả đến văn phòng Hội Điện ảnh TP HCM, số 322 Võ Văn Tần, phường 5, quận 3, TP HCM từ 8h30 ngày 1-6/3 để nhận vé mời xem phim các bộ phim: Đam mê, Dành cho tháng 6, Thiên mệnh anh hùng, Scandal - Bí mật thảm đỏ, Cưới ngay kẻo lỡ, Gia sư nữ quái, Lấy chồng người ta, Nhà có 5 nàng tiên. Thời gian chiếu các phim này kéo dài từ ngày 2-7/3 với nhiều suất chiếu trong ngày, tại Fafilm Cinema - số 6 Thái Văn Lung.

Trước các câu hỏi dồn dập của phóng viên về sự tôn trọng khán giả trong việc thẩm định nội dung phim, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát đưa ra nhiều giải thích như: hai phim nói trên mới đang ở dạng DVD và đạo diễn, nhà sản xuất của hai bộ phim chưa có thời gian sao chép sang nhiều bản phim nhựa để công chiếu rộng rãi. Bà Hồng Ngát cũng cho rằng, khâu phát hành phim (cụm rạp, kênh phát hành...) là một khó khăn chung của ngành điện ảnh Việt Nam hiện nay.

Dù đại diện ban tổ chức này nhiều lần lặp đi lặp lại ý "... lĩnh hội ý kiến của các nhà báo" để điều chỉnh về cách chiếu phim vào năm sau, người dự họp vẫn không thấy thỏa mãn và tiếp tục chất vấn ban chủ tọa, khiến không khí buổi họp có phần căng thẳng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc ban tổ chức đóng cửa cùng nhau chấm giải những bộ phim mà khán giả còn chưa biết "mặt mũi" ra làm sao thì thật không công bằng. 

Có mặt tại buổi họp, NSND Đoàn Dũng lên tiếng "cứu nguy" ban tổ chức khi khẳng định, nếu nhà báo nào muốn xem Cát nóngLạc lối thì có thể đến phòng chiếu xem cùng ban giám khảo. 

Phó giáo sư - Tiến sĩ Trần Luân Kim cũng cho rằng, việc phim chưa từng công chiếu mà đi tranh giải trước là chuyện bình thường ở các Liên hoan phim thế giới. 

Quyền Linh (trái) làm đạo diễn đêm trao giải Cánh Diều Vàng năm nay.

Đêm trao giải Cánh Diều Vàng năm nay do nghệ sĩ Quyền Linh và Vũ Thành Vinh làm đạo diễn chương trình.

Quyền Linh tâm sự anh thấy như mình đang "đi trong bão" khi giữ vai trò tổng đạo diễn của chương trình. "Tôi sẽ cố gắng vượt lên chính mình để cùng ban tổ cức thực hiện một buổi trao giải không phải là quá hoành tráng mà sẽ ấm cúng, trang trọng mang không khí hội ngộ của gia đình điện ảnh. Chúng tôi cũng cố gắng để tránh không xảy ra nhiều điều đáng tiếc về đêm trao giải như báo chí phản ánh các năm trước", Quyền Linh nói.

Các nghệ sĩ tham gia biểu diễn trong đêm trao giải gồm có: ca sĩ Thu Minh, Phương Thanh, Uyên Linh, Phạm Anh Khoa, nhóm ABC Kids, nhóm cascadeur Quốc Thịnh... Nghệ sĩ tham gia trao giải gồm có: NSND Lý Huỳnh, diễn viên - đạo diễn Nguyễn Chánh Tín, Diễm My, Hoa hậu Đền Hùng Giáng My, Lý Hùng, Ngô Thanh Vân, Thái Hòa, ca sĩ Thu Minh, nhạc sĩ Đức Trí, nhà thiết kế Công Trí, Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo...

Trong đêm này, Hội Điện ảnh Việt Nam cũng dành nghi thức trang trọng tôn vinh đạo diễn - NSND Nguyễn Huy Thành và đạo diễn - NSND Trương Qua vì những cống hiến cho nền điện ảnh nước nhà.

Cánh Diều Vàng năm nay sẽ hòa vào các hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam. Nghi thức kỷ niệm Ngày Điện ảnh Việt Nam trong khuôn khổ trao giải thưởng Cánh Diều diễn ra vào 20h30 ngày 9/3 tại Đài Truyền hình TP HCM do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức (chương trình truyền hình trực tiếp trên kênh sóng HTV và nối sóng tới các đài truyền hình khác).

Tại Hà Nội, Cục Điện ảnh - Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam tại Nhà hát lớn vào 9h ngày 14/3 (chương trình truyền hình trực tiếp trên sóng VTV).

Đạo diễn Vinh Sơn (trái) nhận xét, 10 phim nằm trong hạng mục phim truyện điện ảnh của Cánh Diều Vàng năm nay đều đạt các tiêu chuẩn chung về tính chuyên nghiệp trong cách làm phim.

Giữa tháng 3, Cục điện ảnh cũng tổ chức chương trình phim Việt Nam chào mừng sự kiện này với hình thức chiếu các tác phẩm phim tài liệu, hoạt hình, phim truyện điện ảnh tiêu biểu các thời kỳ ở các rạp tại Hà Nội.

Hội và Cục Điện ảnh còn phối hợp tổ chức cho khoảng 200 văn nghệ sĩ điện ảnh lão thành, đại biểu thế hệ người làm phim trẻ có các chuyến đi về nguồn, thăm lại địa điểm tác nghiệp năm xưa của điện ảnh kháng chiến Nam Bộ (tại Mộc Hóa, tỉnh Long An) và của Điện ảnh Việt Bắc (tại Điềm Mặc, tỉnh Thái Nguyên).

Hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Điện ảnh Việt Nam chủ yếu tôn vinh giá trị truyền thống hơn là nêu ra thực trạng còn yếu kém của điện ảnh Việt Nam hiện nay, điển hình là tai nạn thảm khốc gần đây liên quan đến nghề nghiệp làm hiệu ứng phim trường của ông Lê Minh Phương - còn gọi là "Phương khói lửa".

Khi được hỏi vì sao không có những buổi hội thảo, tọa đàm nhìn lại các thực trạng này, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, đó là một vụ việc phức tạp, là một điều đáng buồn cho giới làm phim ảnh. Tuy vậy, trong khuôn khổ Ngày Điện Ảnh, hội chưa đủ thời gian và điều kiện cho phép để thực hiện những buổi như thế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên