Những câu chuyện xúc động phía sau phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”

“Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” của đạo diễn Hải Ninh sản xuất năm 1972 là một bộ phim tiêu biểu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Làm phim từ câu chuyện có thật bên bờ Hiền Lương

“Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” hấp dẫn không chỉ ở câu chuyện về những đối đầu và những lựa chọn khắc nghiệt của người dân hai bờ sông Bến Hải khi đất nước bị chia cắt mà còn ở cách thức dàn dựng bộ phim với những cảnh được quay ngay tại vùng giới tuyến đầy nguy hiểm, chính là nơi các nghệ sĩ ở gần nhất với các “nguyên mẫu” trong phim.

Trong phim, Dịu (nghệ sỹ Trà Giang) có chồng đi tập kết ra Bắc. Ở nhà, chị vừa phải lo chăm sóc gia đình chuẩn bị cho ngày sinh con, vừa đảm nhiệm công tác bí mật lãnh đạo nhân dân trong vùng chống sự đàn áp khủng bố dã man của địch. Những bắt bớ, giam cầm, tra tấn của địch cùng những dụ dỗ ngon ngọt của tên ác ôn Trần Sùng (nghệ sỹ Lâm Tới) không khiến Dịu và bà con lùi bước.

Nghệ sỹ Trà Giang và Lâm Tới trong một cảnh của phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm". Ảnh: TL.

Vì không chịu khuất phục trước quân giặc mà bác Thuận, Bí thư chi bộ bị địch giết hại. Chị Dịu thay bác làm Bí thư tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh.

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ từng kể rằng, năm 1960, ông cùng đạo diễn Hải Ninh lên đường đi thực tế ở “chảo lửa” Vĩnh Linh (Quảng Trị). Mục đích của chuyến đi này là thực hiện một bộ phim phản ánh được những đau thương mất mát của chiến tranh, vừa phải nói lên được sự tự hào của những người con mảnh đất này. Trong một đêm tối ở Cửa Tùng, hai người được công an giới tuyến giới thiệu với hai người phụ nữ ở bờ Nam sông Bến Hải mới sang.

Trong hai người, một người trắng trẻo, đẹp đẽ với vẻ no đủ... còn một người thì gầy đét, đen đúa. Đối diện với người phụ nữ này, hai nhà làm phim khá ngạc nhiên bởi người đó có dáng vóc khắc khổ nhưng lại ăn mặc áo cổ rộng, ngắn cũn cỡn, cứ rướn người lên là hở hết cả bụng. Chỉ đến khi được giải thích, người phụ nữ này là Diệu - cán bộ cốt cán của ta đang được cài ở bờ Nam để hoạt động nên phải ăn mặc theo "mốt Lệ Xuân" của chính quyền Ngô Đình Diệm để dễ bề hoạt động trong lòng địch, hai ông mới vỡ oà.

Các chị có chồng tập kết ra Bắc và bị chính quyền miền Nam bắt tập trung cùng những phụ nữ có chồng tập kết, ép làm giấy ly hôn và phải lấy người miền Nam. Khi họ phản đối đã bị nhốt vào “trại ly hôn” để “tuyên truyền, cải tạo”. Khi bị bắt vào tù, chị Diệu đang có thai. Chị đã bị bọn địch tìm mọi cách phá thai nhi hòng không cho "một thằng Việt cộng con ra đời" nhưng chị đã may mắn được các đồng chí của mình trong tù bảo vệ, bao bọc. Một tên cai ngục đã giúp chị đưa em bé chạy thoát.

Chị chỉ kịp chạy sang bờ bên kia, trao con cho chồng, chị Diệu lại vội vã trở về bên bờ Nam - huyện Gio Linh, nơi quê hương chị đang bị chìm trong đau thương để chiến đấu. Chị đã không thể sống một cuộc sống yên bình cùng chồng con bên này bởi chị đang gánh trên vai một nhiệm vụ lớn lao là Bí thư chi bộ Gio Linh, lãnh đạo các đồng chí của mình nhanh chóng giải phóng quê hương...

Từ câu chuyện cuộc đời của hai người phụ nữ này, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ viết thành kịch bản lấy tên “Bão tuyến”. Về sau, đạo diễn Hải Ninh tham gia và đổi thành “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Trong kịch bản phim, có một phần sự thật về cuộc đời một trong hai người phụ nữ này mà hai nhà làm phim không dám đưa lên phim, đó là phần đời phía sau của chị buộc phải chung sống với một người đàn ông bị câm để khỏi phải lấy giặc làm chồng.

Chiến tranh kết thúc, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ có quay lại tìm người phụ nữ đó trong ba tháng nhưng không thấy. Trước đó, trong lần gặp ở Cửa Tùng, ông đã không kịp biết tên người phụ nữ này bởi chị nói: "Khi nào đất nước thống nhất sẽ cho biết tên".

Những phận đời trùng hợp đến lạ kỳ

Nghệ sỹ Trà Giang nhiều lần chia sẻ rằng, để đóng thành công nhân vật Dịu trong phim, bà đã nhiều lần gặp người phụ nữ nguyên mẫu ở ngoài đời tên Hoàng Thị Thảo. Bà đã được chính chị Thảo lúc đó là Bí thư chi bộ kiêm Xã đội trưởng xã Gio Hà - Gio Linh kể cho nghe hoàn cảnh gia đình đầy xót xa của mình. Theo đó, cha chị mất, mẹ bị giặc bắn, anh trai bị tù đày… Tuy vậy, chị Thảo vẫn đứng lên cầm súng gia nhập đội du kích để hoạt động cách mạng. Câu chuyện về cuộc đời của chị Thảo trùng hợp đến kỳ lạ với nhân vật Dịu trong “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” khiến cho nghệ sỹ Trà Giang nhập vai rất đạt.

Nghệ sỹ Trà Giang kể, khi nghe chị Thảo kể câu chuyện về cuộc đời mình bà đã ôm chị khóc nức nở. Và những năm tháng sau này, hình ảnh người phụ nữ kiên cường của vùng đất Gio Linh - Quảng Trị luôn sống mãi trong ký ức của bà.

Bức ảnh kỷ niệm của nghệ sỹ Trà Giang với O Thảo - nguyên mẫu đã giúp bà có được chất liệu thực tế hoá thân vào vai Dịu trong phim. Ảnh: TL.

“Từ nhỏ, tôi cũng đã chịu cảnh gia đình ly tán. Cha đi hoạt động cách mạng, mẹ vì thế bị giặc bắt. Mười hai tuổi tôi xa gia đình tập kết ra Bắc. Thời ấy tôi đã chứng kiến, cảm nhận những đau thương mất mát do chiến tranh đem lại. Niềm xúc cảm thực sự là từ chị Thảo và cuộc sống đau thương của nhân dân thời chiến cứ ám ảnh trong lòng tôi. Mặc dù khi phim chưa đóng xong, chị đã anh dũng hy sinh tại làng Cát, chúng tôi cũng không hay biết, sau này tôi có được tin, nhưng lòng tôi vẫn không tin, lẽ nào tôi không được gặp lại chị trong niềm vui chiến thắng.

Năm 1999, tôi trở lại Quảng Trị tìm về làng Cát, chị đã đi xa. Tôi lần tìm về quê chị, thắp lên mộ chị một nén hương, lòng tôi quặn thắt. Quảng Trị như là quê hương của tôi, tôi như người con Quảng Trị mới về hôm qua.”, nghệ sỹ Trà Giang tâm sự.

Theo lời kể của nghệ sỹ Trà Giang, khi đoàn làm phim từ Hà Nội lên đường vào Quảng Trị làm phim, chiến trang đang rất khốc liệt. Phải mất 5 năm, cả đoàn làm phim “đội” bom đạn, không sợ sống chết, lao động hết mình mới hoàn thành.

Khi phim hoàn thành, đoàn phim rút về Hà Nội để làm hậu kỳ thì lại đúng thời điểm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Ngày đó, cả Hãng phim truyện Việt Nam phải sơ tán, riêng đoàn làm phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” ở lại, đào hầm ven Hồ Tây, khi có báo động thì xuống trú ẩn. Giai đoạn cuối cùng, những ngày hòa âm, bộ phim vẫn phải thực hiện trên một chiếc ô tô hòa âm của Hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khê .

Tại LHP Quốc tế Moskva năm 1973, bộ phim đã giành được giải của Hội đồng Hòa bình Thế giới và giải Nữ diễn viên xuất sắc cho NSND Trà Giang./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

TP HCM bắn pháo hoa trên nóc hầm Thủ Thiêm chào mừng lễ 30/4
TP HCM bắn pháo hoa trên nóc hầm Thủ Thiêm chào mừng lễ 30/4

TP HCM sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 4 điểm để chào đón đại lễ 30/4 và 1/5, kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

TP HCM bắn pháo hoa trên nóc hầm Thủ Thiêm chào mừng lễ 30/4

TP HCM bắn pháo hoa trên nóc hầm Thủ Thiêm chào mừng lễ 30/4

TP HCM sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 4 điểm để chào đón đại lễ 30/4 và 1/5, kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Người dân TPHCM hân hoan trong “Đêm pháo hoa” mừng ngày 30/4
Người dân TPHCM hân hoan trong “Đêm pháo hoa” mừng ngày 30/4

VOV.VN - Tối 30/4, người dân TP HCM đã có những giây phút rất vui vẻ trong các hoạt động nghệ thuật lễ hội chào mừng kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng miền Nam.

Người dân TPHCM hân hoan trong “Đêm pháo hoa” mừng ngày 30/4

Người dân TPHCM hân hoan trong “Đêm pháo hoa” mừng ngày 30/4

VOV.VN - Tối 30/4, người dân TP HCM đã có những giây phút rất vui vẻ trong các hoạt động nghệ thuật lễ hội chào mừng kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng miền Nam.

“Xì trum: Ngôi làng kỳ bí” hứa hẹn là bộ phim đáng xem dịp lễ 30/4
“Xì trum: Ngôi làng kỳ bí” hứa hẹn là bộ phim đáng xem dịp lễ 30/4

VOV.VN - "Xì Trum: Ngôi làng kỳ bí" là phần thứ 3 nằm trong series về những chú Xì Trum da xanh, nhân vật vui nhộn làm say đắm trẻ em suốt hơn nửa thế kỷ qua.

“Xì trum: Ngôi làng kỳ bí” hứa hẹn là bộ phim đáng xem dịp lễ 30/4

“Xì trum: Ngôi làng kỳ bí” hứa hẹn là bộ phim đáng xem dịp lễ 30/4

VOV.VN - "Xì Trum: Ngôi làng kỳ bí" là phần thứ 3 nằm trong series về những chú Xì Trum da xanh, nhân vật vui nhộn làm say đắm trẻ em suốt hơn nửa thế kỷ qua.