Phan Ý Ly thành công từ “sân khấu không kịch bản”
VOV.VN - Vở diễn “Người lạ” với yếu tố thể nghiệm không chỉ nhận được phản hồi tốt của khán giả trong nước mà còn cả quốc tế.
Phóng viên VOV đã có cuộc trò chuyên với Phan Ý Ly – diễn viên kiêm đạo diễn của vở diễn.
Phan Ý Ly |
PV: Theo chị, “Người lạ” được mời tham dự Liên hoan Thiết kế sân khấu thế giới Cardiff vì những yếu tố nào?
Phan Ý Ly: Vở diễn được chọn tham dự Liên hoan Thiết kế sân khấu thế giới Cardiff vì rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là yếu tố thể nghiệm. Đó là cách mà vở diễn được dàn dựng và các diễn viên ứng tác nhưng lại lấy cảm hứng từ thiết kế sân khấu.
Ở những vở diễn thông thường, thiết kế sân khấu chạy theo nội dung vở diễn nhưng ở “Người lạ", đạo diễn và diễn viên ứng tác xoay quay thiết kế sân khấu. Ngoài ra, vở diễn còn mang tính quốc tế với sự hợp tác giữa nghệ sĩ người Anh và nghệ sĩ người Việt, không chỉ ở phần thai nghén tác phẩm mà ở cả cách thể hiện.
PV: “Người lạ” ra đời trong hoàn cảnh nào?
Phan Ý Ly: Tôi, Rob Hale (đạo diễn người Anh) và nghệ sĩ Hồ Ngọc Bảo Khiêm chơi khá thân với nhau, chúng tôi quyết định làm chung một tác phẩm. Chúng tôi đã đặt ra câu hỏi, điều gì khiến mình đang trăn trở.
Thời điểm đó, trong chuyện tình cảm, tôi đang có những băn khoăn. Đúng lúc đó tôi mua được một cuốn sách của một triết gia viết cách đây cả nghìn năm, dạy những người kỹ nữ cách mồi chài khách và cách để "đá" được một người đàn ông khi họ không thích nữa. Và tôi đặt câu hỏi cho bản thân: Điều gì khiến mình tự tin trong cách hành xử với đàn ông, làm thế nào để chinh phục anh ta, để giữ phần “thắng”…? Khi tôi nói những băn khoăn của mình với Rob Hale và Khiêm thì họ cũng có những băn khoăn tương tự. Chúng tôi đã quyết định khai thác chủ đề này.
Còn tên “Người lạ” đến với chúng tôi vào phút cuối bởi chúng tôi nhận ra rằng, càng tìm hiểu càng thấy đàn ông và đàn bà lúc nào cũng cuốn lấy nhau nhưng luôn có sự khác biệt, ở khía cạnh khác là người lạ bên trong mỗi người mà mình đang đè nén nó xuống.
Một cảnh trong vở "Người lạ" |
PV: Sự đấu tranh quyền lực giữa đàn ông và đàn bà dường như không bao giờ có hồi kết và nhờ đó mà diễn viên có nhiều đất diễn?
Phan Ý Ly: Nếu chúng tôi chọn một chủ đề có một thông điệp và một cái kết rõ ràng như một cộng một bằng hai thì sẽ không có nhiều thách thức cho diễn viên vì câu trả lời ai cũng biết, không phải đào sâu, mổ xẻ. Còn với chủ đề chúng tôi lựa chọn trong quá trình đi tìm câu trả lời, chúng tôi đã tìm được nhiều thứ và muốn chia sẻ với khán giả, mặc dù đó vẫn chưa phải là hồi kết.
PV: “Người lạ” đã được giới thiệu miễn phí đến công chúng trong 3 ngày từ 5-7/4/2012, sau đó không thấy diễn tiếp nữa? Phải chăng khán giả chưa thể quen với sân khấu không có kịch bản?
Phan Ý Ly: Trong 3 buổi diễn đó, chúng tôi đã diễn với 3 phong cách khác nhau. Mỗi đêm diễn, chúng tôi đều phát phiếu phản hồi cho khán giả và chúng tôi đã tổng hợp lại các ý kiến đó đăng trên website của vở diễn. Nói chung, khán giả đều thích thú bởi sân khấu không kịch bản kích thích trí tượng tượng của họ. Còn vở diễn không ra rạp được là do ngân sách không cho phép. Tuy nhiên, chúng tôi đang có dự định, sau khi tham dự Liên hoan, “Người lạ” sẽ về biểu diễn ở trong nước.
PV: “Người lạ" đến với Liên hoan Thiết kế sân khấu thế giới Cardiff có khác gì với “Người lạ”mà chị và các cộng sự đã từng giới thiệu tại Việt Nam?
Phan Ý Ly: Chắc chắn là khác rất nhiều. Bởi trải qua một năm, quan điểm, suy nghĩ của chúng tôi về đàn ông, đàn bà đã khác đi. Khi suy nghĩ khác đi, cái cách mà chúng tôi phản hồi lại với diễn xuất của bạn diễn sẽ khác đi. Chưa kể lần này, đạo diễn thay đổi hoàn toàn luật chơi. Đạo diễn sẽ để ra phần cố định, tức là cứ đến phần đó thì phải diễn đúng như thế, còn những đoạn khác có thể ngẫu hứng. Thiết kế sân khấu cũng khác... Thời lượng của vở diễn cũng rút ngắn lại, chỉ 50 phút chứ không dài 90 phút như trước.
PV: Diễn kịch không có kịch bản xem ra khá khó với các diễn viên Việt Nam. Chị thấy cái khó của diễn kịch không kịch bản là gì?
Phan Ý Ly: Đó là diễn viên phải có khả năng kết nối với mình nhanh nhất, nhiều góc cạnh nhất. Bản năng của con người là tự vệ, luôn muốn che đi những góc khuất sâu kín bên trong. Trong khi sân khấu không kịch bản đòi hỏi diễn viên phải thực sự thoải mái với con người thật của họ để có thể lôi được nó ra, thoải mái chia sẻ với mọi người. Đó là cái khó của loại hình nghệ thuật này.
Ở Việt Nam, chưa có nhiều trường lớp dạy diễn viên theo hướng được tự do khám phá bản thân. Và trên sân khấu, diễn viên chưa được khuyến khích để nhìn vào con người thật của mình và sử dụng con người thật đó để sáng tạo xây dựng lên nhân vật, vở diễn. Phương pháp diễn kịch truyền thống của mình là chia tầng lớp rõ ràng. Đạo diễn có quyền cao nhất, đạo diễn bảo diễn viên đóng vai gì, phải diễn làm sao. Còn trong sân khấu không kịch bản, đạo diễn phải tận dụng được thế mạnh, khai thác mọi thứ hoàn toàn dựa trên diễn viên và anh ta chỉ giữ vai trò như... cảnh sát điều khiển giao thông.
"Người lạ" nhận được phản hồi tốt của khán giả về "sân khấu không kịch bản" |
PV: Theo chị, sân khấu không kịch bản có triển vọng phát triển ở Việt Nam không?
Phan Ý Ly: Cũng không hẳn là không có. Ví dụ trong các vở múa của nhóm múa + 84 hay “Nơi đến” của Lê Vũ Long, cách mà họ tìm tòi và xây dựng ý tưởng tác phẩm khá dân chủ và mang tính tập thể, dựa trên cảm hứng trong lúc tập. Còn thuần túy trên sân khấu thì tôi chưa nhìn thấy.
Tuy nhiên, tôi thấy những nghệ sĩ Việt Nam khi được mời đến sân khấu BlackBox để giao lưu hoặc tham dự những vở diễn thể nghiệm, họ hòa nhập rất nhanh và lột xác chỉ sau một vài tiếng đồng hồ làm quen. Bởi bản chất của người nghệ sĩ là được sống với cảm xúc, được dùng cái mình có bên trong để sáng tạo chứ không ai thích làm thợ.
Tôi mong các nghệ sĩ Việt Nam được diễn xuất dựa trên sự tin tưởng vào cảm xúc và khả năng sáng tạo của họ. Điều này không chỉ có ích cho sân khấu không kịch bản mà còn tốt cho cả sân khấu có kịch bản, phim truyện. Hiện tại, Ly đang cùng các bạn diễn thực hiện những dự án sân khấu đào tạo theo phương pháp kết nối với bản thân. Ly muốn gieo hạt giống để mọi người bắt đầu để ý và biểu diễn sân khấu theo cách này.
PV: Sân khấu Nháp do chị thành lập gần đây không có nhiều vở diễn như hồi mới thành lập? Tại sao chị lại đặt tên là sân khấu Nháp?
Phan Ý Ly: Sân khấu Nháp được thành lập năm 2006, đã có những vở diễn để lại ấn tượng tốt trong lòng khán giả như “Oe Oe”, “Nhìn”... Hiện nay, chúng tôi vẫn biểu diễn nhưng với quy mô nhỏ hơn, đó là những vở diễn tái hiện. Các diễn viên diễn ứng tác dựa trên câu chuyện của khán giả. Khán giả kể một câu chuyện và chỉ định diễn viên này đóng vai này, diễn viên kia đóng vai kia, đèn tắt và âm nhạc nổi lên, diễn viên lập tức tái hiện câu chuyện đó. Chúng tôi đã diễn 6 câu chuyện khác nhau do 6 khán giả ngẫu nhiên kể ra. Rất nhiều nước mắt và tiếng cười trong những đêm diễn.
“Người lạ” cũng là một vở diễn của sân khấu Nháp. Còn lý do sân khấu Nháp không đưa ra vở diễn liên tục bởi rất thiếu người diễn. Bạn diễn chỉ có vài người thân thiết, chúng tôi cũng muốn đào tạo, mở rộng nhưng thử đi thử lại nhiều cách vẫn không thành công. Tuy nhiên chúng tôi vẫn không bỏ cuộc. Còn chúng tôi đặt tên sân khấu Nháp là chúng tôi muốn khuyến khích yếu tố ngay và luôn. Nháp khuyến khích các thành viên đừng quá cầu toàn, quá chỉn chu. Sự chỉn chu, cầu toàn đôi khi giết chết cảm xúc, sáng tạo nghệ thuật. Có cảm hứng gì, cảm xúc gì là làm ngay và luôn để ra một đống ý tưởng, sau đó mới bắt đầu làm cho nó tinh dần lên. Khâu chỉn chu là khâu cuối cùng.
PV: Trung tâm Sáng tạo & Phát triển cộng đồng Life Art do chị thành lập thường xuyên tổ chức những khóa học: “Thoát xác”, “Cuồng", "Tự sướng", "Ngẫu hứng", "Tôi là ai". Tổ chức những lớp học giúp con người khám phá bản thân thế còn chị, chị thấy mình đã khám phá hết khả năng tiềm ẩn hay chưa?
Phan Ý Ly: Những bài tập ở trung tâm Life Art, tôi thực hành nhiều lần và mỗi lần thực hành lại phát hiện ra điều gì mới lạ của bản thân. Nhờ sự may mắn được tiếp cận, tham gia trong môi trường khuyến khích Ly kết nối với con người của mình nên tôi khá nhanh nhạy, nhạy cảm và ý thức được mình là ai, mình cần cái gì. Tuy nhiên, đó không phải là đỉnh cuối, bởi con người luôn thay đổi, cảm xúc, chiêm nghiệm ở mỗi tuổi một khác dù cùng nhìn nhận về một sự việc. Tôi luôn ý thức mình phải tiếp tục khám phá nữa.
PV: Xin cảm ơn Phan Ý Ly./.