Phim “Vợ ba” – Ám ảnh và đầy ma mị
VOV.VN - Bộ phim "Vợ ba" chạm đến cảm xúc của khán giả bởi mức độ ám ảnh và đầy ma mị cùng lối diễn xuất tự nhiên của dàn diễn viên.
"Vợ ba" lấy bối cảnh vùng thôn quê Việt Nam cuối thế kỷ 19. Nội dung phim xoay quanh câu chuyện về cô gái tên Mây (Nguyễn Phương Trà My thủ vai) được gả làm vợ ba cho một gia đình giàu có. Tưởng như bắt đầu một cuộc sống sung túc, đầy đủ, cô gái trẻ không ngờ mình bị lôi vào một cuộc tranh đấu ngầm trong gia đình mới với vợ cả là Hà (Trần Nữ Yên Khê) và vợ hai là Xuân (Maya) để có được vị trí quan trọng ở nhà chồng.
"Cuộc chiến ngầm" bắt đầu xảy ra trong một bầu không gian co hẹp đến nghẹt thở. Nội dung phim như được đẩy lên đến cao trào khi Mây nhanh chóng nhận ra rằng, trong cuộc hôn nhân ấy, hạnh phúc sẽ chẳng thể mỉm cười với cô nếu không sinh được con trai nối dõi tông đường. Cho nên, muốn có vị trí quan trọng trong căn nhà này, Mây buộc phải sinh con trai và điều này đã gây áp lực không nhỏ lên đôi vai cô gái trẻ.
Nhân vật Mây trong phim do Trà My đảm nhận |
Khi về làm vợ ba cho một gia đình giàu có, cô gái trẻ tên Mây bắt đầu thân thiết với vợ hai là Xuân. Mới về làm dâu, Mây khá lúng túng với cuộc sống nhà chồng và bắt đầu học hỏi cung cách ứng xử từ hai người vợ đầu của Hùng (Lê Vũ Long đóng), thậm chí cả chuyện “phòng the”. Cuộc sống tưởng chừng như yên bình cho đến một ngày biến cố ập đến, Mây vô tình phát hiện một mối quan hệ vụng trộm giữa Xuân - người vợ hai và con trai ông Hùng - chồng của cô. Nhiều điều không hay cho gia đình bắt đầu xảy ra từ đó.
Sử dụng tỷ lệ khung hình 1.49:1, đạo diễn Ash Mayfair đem đến những thước phim thơ mộng, mang cảm giác hoài niệm xưa cũ nhưng cũng rất bí bách, khéo léo khắc họa thực trạng hôn nhân sắp đặt, đa thê, trọng nam khinh nữ trong bối cảnh phong kiến với các hình ảnh và biểu tượng mang tính khơi gợi hơn là trực diện. Đặc biệt, người xem cũng dễ dàng nhận ra sự biến chuyển về mặt tâm lý của nhân vật "Vợ ba" qua lối diễn xuất tự nhiên một cách tài tình. Từ cô con dâu ngây thơ, rụt rè khi về nhà chồng, Mây đã thay đổi, dần dần dấn thân vào sự tranh giành vị thế trong gia đình khi cầu mong mình đẻ được con trai.
Song song với đó, diễn biến và tâm lý nhân vật Mây được đạo diễn khai thác một cách triệt để. Hình ảnh Mây trong trang phục truyền thống của cô dâu Việt thời xưa thực hiện nghi lễ cưới hỏi linh đình nhưng không có lấy một lời thoại, ánh mắt của cô gái trẻ mang một vẻ rực lửa, hận thù nhưng cũng cho thấy sự sợ hãi, hồi hộp của một cô gái trẻ sắp về nhà chồng trong một cuộc hôn nhân sắp đặt khiến người xem cảm thấy ám ảnh.
"Vợ ba" Mây và vợ cả, vợ hai trong phim. |
Rất nhiều cảm xúc của phim được truyền tải qua những cái nhìn và ánh mắt "biết nói" hòa trong tiếng nhạc nỉ non mà thanh khiết cùng tiếng thở mạnh, dồn dập của Mây đã chạm đến tâm can và sự khắc khoải của khán giả.
Mây nhanh chóng bị trói buộc vào bổn phận của một người vợ, cô cũng nhanh chóng nhận ra quy luật xếp hạng vị trí của những người vợ trong căn nhà và chính quy luật đó đã "biến" Mây trở thành một con người khác. Sự ngây thơ, trong sáng trong con người Mây đã được lấp đầy bởi cuộc đua sinh lý - tình dục ngầm không nhân nhượng. Mây đã mong mỏi, thậm chí cô còn cầu khấn "chỉ mình con sinh được con trai thôi" đã phần nào minh chứng cho sự quyết tâm, tranh giành "vị thế" của cô trong căn nhà. Đó là cuộc đua ngầm nhưng vô cùng căng thẳng, ám ảnh không nhỏ đến cuộc sống tưởng như sẽ ngập tràn màu hồng đối với Mây.
Ngoài diễn viên trẻ Nguyễn Phương Trà My trong vai vợ ba, phim còn có sự tham gia của ca sĩ Maya và nữ diễn viên – nhà thiết kế mỹ thuật Trần Nữ Yên Khê, người đã đồng hành cùng đạo diễn Trần Anh Hùng qua các bộ phim kinh điển Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng. Bên cạnh đó, cũng phim có sự góp mặt của hai nữ diễn viên trẻ là Lâm Thanh Mỹ và Mai Cát Vi. Sự cộng hưởng giữa nhiều diễn viên thuộc các thế hệ khác nhau của điện ảnh Việt này cũng là một điểm nhấn đáng chú ý của phim.
Các diễn viên không chỉ dừng lại ở mức hoàn thành tốt vai diễn của mình mà còn chạm đến cảm xúc của khán giả bởi mức độ ám ảnh và ma mị. Trà My "tròn vai" khi đã tận dụng thế mạnh của đôi mắt to, "biết nói" của mình để truyền tải đầy đủ cung bậc cảm xúc của nhân vật.
Bên cạnh đó, nhân vật vợ cả do Trần Nữ Yên Khê đảm nhận tuy ít đất diễn nhưng cũng gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả. Thần thái và gương mặt sắc lạnh cùng cái nhìn đầy ẩn ý khi hóa thân thành người phụ nữ nắm thứ bậc cao nhất trong một gia đình phong kiến nhưng không có vị trí quan trọng vì không sinh được con trai khiến người xem phải rùng mình.
Còn với nhân vật vợ hai Xuân do Maya đảm nhận, chính vẻ đẹp ngoại hình cùng sự quyến rũ, yêu kiều và hết sức chừng mực của cô đã góp phần làm nên thành công của bộ phim. Tư tưởng "trọng nam" trong gia đình phong kiến càng thể hiện rõ rệt hơn, người phụ nữ dù xinh đẹp, tài năng đến mấy cũng chẳng là gì nếu không sinh được con trai nối dõi.
Thông qua phim, đạo diễn Ash Mayfair muốn gửi gắm một câu chuyện về thân phận phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ nhưng thông qua góc nhìn của cô gái trẻ tên Mây – nhân vật chính của phim: một thiếu nữ chưa đến 18 tuổi và bị gả làm vợ út cho một gia đình giàu có.
Những cảnh quay trong phim cũng là điểm cộng đáng nói đến trong phim. Sử dụng tông màu xanh tre lấp lánh mờ ảo đem lại một cảm giác làng quê chân thực cho đến từng chi tiết nhỏ nhưng cũng đầy mới mẻ và hiện đại. Bầu không khí yên bình của bộ phim được thể hiện qua những thước phim với gam màu nhã nhặn, sâu lắng, đậm nét làng quê Việt, khắc sâu hình tượng người phụ nữ trong xã hội thời phong kiến.
Phần nhạc nền sử dụng chủ yếu nhạc cụ dây của Tôn Thất An cũng đã góp phần truyền tải đầy đủ bản sắc của phim.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm cộng đáng chú ý, phim vẫn còn một số điểm hạn chế về cái kết gây "hẫng" cho khán giả. Phim kết thúc đột ngột khi chưa lý giải rõ Mây có cho con gái ăn lá ngón không trong cảnh quay "Mây nhìn con khóc, cho con bú và con cứ khóc mãi không thôi, cô bất lực, rơi nước mắt và hái cành lá ngón ngay trước mặt". Liệu Mây có bị trầm cảm sau sinh hay không? Ngoài ra, câu hỏi "Nhàn là con của Sơn (con trai vợ cả) hay con của ông Hùng (bố Sơn) cũng chưa có lời đáp, rồi đến Mây có LGBT hay không khi cô ngỏ lời yêu Xuân (vợ hai) và bị từ chối.
Theo đó, khán giả Lê Thủy – giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, “Sau khi xem, tôi hiểu được rằng bộ phim đang muốn đề cập đến vấn đề bình đẳng giới, khát vọng con người, chế độ phong kiến hủ tục, ma mị, tâm linh. Tuy nhiên, xem xong, tôi vẫn thấy hụt hẫng về cái kết và hoang mang về cốt truyện. Nhiều tình tiết chưa được lý giải, liệu rằng nhân vật Mây có bị trầm cảm sau sinh không? Cô ấy chọn cách cho con ăn lá ngón rồi mình cũng chết theo hay khi đang cận kề giây phút sinh tử, cô ấy đã giật mình tỉnh ra và nhận thấy đâu là điều quan trọng nhất đối với mình”./.